14/05/2022 05:31 GMT+7

ĐỌC NHANH ngày 14-5: Tổng thống Putin cảnh báo Phần Lan ‘sai lầm’ khi bỏ trung lập

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto, trong ngày 14-5. Cuộc nói chuyện này được cho là có nội dung liên quan việc Phần Lan muốn gia nhập NATO.

ĐỌC NHANH ngày 14-5: Tổng thống Putin cảnh báo Phần Lan ‘sai lầm’ khi bỏ trung lập - Ảnh 1.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto trong một lần gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: TASS

* Trong ngày 13-5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto đã cho biết ông sẽ điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để thảo luận về kế hoạch của Helsinki gia nhập NATO. Ông khẳng định nước này sẽ “không trì hoãn” việc nộp đơn xin gia nhập NATO.

Theo thông cáo từ Điện Kremlin sau cuộc nói chuyện của hai lãnh đạo, "Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng việc chấm dứt chính sách truyền thống về trung lập quân sự sẽ là một sai lầm bởi không có mối đe dọa nào đối với an ninh của Phần Lan".

* Ngày 14-5, các ngoại trưởng Nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kết thúc hội nghị sau 3 ngày làm việc tại Weissenhaus, bang Schleswig-Holstein của Đức. Tuyên bố chung được đưa ra hội nghị nhấn mạnh vấn đề an ninh lương thực, sự ủng hộ đối với Ukraine cũng như đưa ra lập trường thống nhất đối với Nga liên quan tình hình Ukraine hiện nay.

Tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7 kêu gọi chấm dứt xung đột ở Ukraine, khẳng định sẽ duy trì sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cũng như các nước khác. G7 cũng nhấn mạnh sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự và quốc phòng cho Ukraine chừng nào cần thiết.

* Sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển đã cân nhắc các biện pháp bảo đảm an ninh quốc gia, bao gồm cả ý định gia nhập NATO. Ngày 12-5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin cho biết nước này sẽ “không trì hoãn” việc nộp đơn xin gia nhập NATO, đánh dấu bước chuyển đổi chính sách quan trọng của quốc gia vốn theo đường lối trung lập này. 

Nga cho rằng việc Phần Lan trở thành thành viên của NATO sẽ gây ra mối đe đối với an ninh quốc gia của Matxcơva và cảnh báo sẽ đáp trả. Trong cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn RIA Novosti ngày 14-5, Thứ trưởng ngoại giao Nga Alexander Grushko khẳng định Matxcơva không có lập trường thù địch với Phần Lan và Thuỵ Điển. Tuy nhiên ông cảnh báo nếu NATO triển khai vũ khí hạt nhân đến gần biên giới Nga, Matxcơva sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng.

Dự kiến vào ngày 15-5, Phần Lan và Thụy Điển sẽ đưa ra quyết định về việc có nộp đơn gia nhập liên minh quân sự này hay không.

ĐỌC NHANH ngày 14-5: Tổng thống Putin cảnh báo Phần Lan ‘sai lầm’ khi bỏ trung lập - Ảnh 2.

Hình ảnh được cho là xe quân sự của Nga bị phá hủy ở Mala Rogan, phía tây Kharkov, nơi quân đội Ukraine tuyên bố đã đẩy lùi được lực lượng của Nga - Ảnh: AFP

* Ngày 13-5, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc thảo luận dài hơn nửa giờ đồng hồ với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson về việc hai nước Bắc Âu có ý định trở thành thành viên của khối liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu này.

* Ngày 13-5, Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio cho biết nước này hoàn toàn ủng hộ việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO. Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu với các phóng viên, Ngoại trưởng Di Maio khẳng định Ý sẽ rất vui mừng được chào đón hai quốc gia Bắc Âu gia nhập liên minh này.

* Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, dự đoán chiến sự sẽ kéo dài đến cuối năm 2022. Tuy nhiên theo ông, bước ngoặt sẽ đến từ giữa tháng 8 nhưng không nói rõ đó là chuyện gì, theo đài Sky News.

ĐỌC NHANH ngày 14-5: Tổng thống Putin cảnh báo Phần Lan ‘sai lầm’ khi bỏ trung lập - Ảnh 3.

Cầu phao bắc qua sông Siversky Donets, miền đông Ukraine bị sập - Ảnh: AP

* Ngày 13-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Ukraine khi ông có cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu kể từ khi Matxcơva mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo Hãng tin Reuters, Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Austin đã nhiều lần cố gắng để nói chuyện với ông Shoigu trong gần 3 tháng qua, song giới chức Matxcơva dường như không quan tâm. Trong cuộc điện đàm nói trên, kéo dài khoảng 1 giờ, ông Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc.

Trong khi đó, Hãng thông tấn Tass dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga nói cuộc điện đàm đã diễn ra theo "sáng kiến của phía Mỹ". "Các vấn đề về chủ đề an ninh quốc tế đã được thảo luận, bao gồm tình hình tại Ukraine", Bộ Quốc phòng Nga thông tin.

Washington và Matxcơva đã thiết lập một đường dây nóng kể từ khi Nga triển khai chiến dịch tại Ukraine, nhằm tránh những tính toán sai lầm hoặc đụng độ không mong muốn.

Chính quyền "Cộng hòa Nam Ossetia" - khu vực ly khai thuộc Cộng hòa Gruzia, tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 17-7 tới về việc gia nhập vào Nga. 

Thông cáo phát đi vào tối 13-5 cho biết ông Anatoly Bibilov, người tự xưng là "tổng thống" của Nam Ossetia, đã ký sắc lệnh về việc tổ chức trưng cầu ý dân. Thông cáo cũng nói việc này thể hiện ước vọng lịch sử của người dân thuộc vùng giáp ranh với Liên bang Nga.

ĐỌC NHANH ngày 14-5: Tổng thống Putin cảnh báo Phần Lan ‘sai lầm’ khi bỏ trung lập - Ảnh 4.

Lực lượng Ukraine ở thành phố Kharkov ngày 13-5 - Ảnh: REUTERS

* Một video do quân đội Ukraine công bố ngày 13-5 cho thấy lực lượng nước này đã phá hủy cầu phao do Nga bắc qua sông Siversky Donets, miền đông Ukraine. Quân đội Ukraine đã đánh bật lực lượng Nga khỏi thành phố Kharkov.

Phóng viên Reuters xác nhận Ukraine hiện đã kiểm soát một khu vực kéo dài tới sông Siversky Donets, khoảng 40km về phía đông, bao gồm thành phố Kharkov. Dù vậy, Nga vẫn giội bom những ngôi làng ở phía bắc thành phố này.

Kharkov là thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Đây là trung tâm hành chính của tỉnh Kharkov. Kharkov có khoảng 1,4 triệu dân, chỉ cách biên giới Nga khoảng 40km, là một trong những mục tiêu bị Nga tấn công đầu tiên hôm 24-2-2022. Kharkov là nơi cư trú của đông đảo người Việt tại Ukraine (khoảng 3.000 - 5.000 người) bởi là khu vực buôn bán tốt.

Phía Anh cũng xác nhận Ukraine đã ngăn không cho binh lính Nga vượt sông Siversky Donets. Hình ảnh từ video nói trên cho thấy nhiều phương tiện quân sự bị cháy gần một đoạn cầu phao bị chìm, và nhiều phương tiện bị hư hoặc bị bỏ lại, trong đó có xe tăng, ở gần đó. Reuters không thể xác minh thông tin hay thời gian hoặc địa điểm trong video.

* Ngày 13-5, cơ quan thống kê Rosstat công bố số liệu cho thấy tỉ lệ lạm phát hằng năm của Nga trong tháng 4 đã tăng vọt lên 17,8%, mức cao kỷ lục trong vòng hai thập kỷ qua.

Theo Rosstat, giá cả thực phẩm, mối quan tâm lớn đối với những người dân Nga có thu nhập thấp, trong tháng 4 đã tăng bình quân 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thực phẩm có mức tăng giá mạnh như trái cây và rau quả (33%), mì ống (29,6%), bơ (26,1%).

Ngân hàng Trung ương Nga dự báo, lạm phát của cả năm 2022 có thể lên đến 23% trước khi giảm dần trong năm tới và trở về mức 4% vào năm 2024.

ĐỌC NHANH ngày 14-5: Tổng thống Putin cảnh báo Phần Lan ‘sai lầm’ khi bỏ trung lập - Ảnh 5.

Lính bộ binh Ukraine trong một cuộc tập trận gần thành phố Kryvyi Rih, Ukraine - Ảnh: GETTY IMAGES

* Bộ Quốc phòng Anh cho biết Nga đang tập trung nỗ lực quân sự gần Severodonetsk và Izium, đồng thời cố gắng đột phá về phía Sloviansk và Kramatorsk để hoàn tất việc kiểm soát vùng công nghiệp Donbass của Ukraine, theo Reuters.

Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn cho biết họ đã chiếm được Nhà máy hóa chất Zarya ở gần Severodonetsk.

Trong khi đó, ở phía nam thành phố cảng Mariupol, Nga vẫn tiếp tục giội bom Nhà máy luyện kim Azovstal, pháo đài cuối cùng của quân đội Ukraine tại thành phố này.

* Hãng thông tấn RIA dẫn thông báo Bộ Quốc phòng Nga cho biết không quân nước này đã tấn công một kho vũ khí tại vùng Kharkov, Ukraine trong ngày 13-5.

* Công ty con của Tập đoàn năng lượng Nga Inter RAO thông báo sẽ dừng xuất khẩu điện cho Phần Lan từ ngày 14-5 do chưa nhận được thanh toán trong tháng 5, theo Reuters.

Fingrid, nhà điều hành mạng lưới truyền tải điện của Phần Lan, thông báo việc dừng nhập khẩu điện từ Nga chưa đe dọa thị trường của nước này. "Có thể bù đắp lượng điện thiếu hụt bằng cách nhập khẩu nhiều hơn từ Thụy Điển và một phần từ sản xuất trong nước", phó chủ tịch Fingrid Reimy Paivinen nói.

ĐỌC NHANH ngày 14-5: Tổng thống Putin cảnh báo Phần Lan ‘sai lầm’ khi bỏ trung lập - Ảnh 6.

Người phụ nữ tìm cách dọn dẹp căn nhà bị trúng bom đạn ở thành phố Chernihiv, Ukraine - Ảnh: GETTY IMAGES

* Trong một bài đăng trực tuyến ngày 13-5, theo Hãng tin AFP, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết Ukraine đang tiến hành các cuộc đàm phán "rất khó khăn" với Nga về việc đưa những binh sĩ Ukraine đang cố thủ tại khu Nhà máy luyện kim Azovstal ra ngoài, song không thông tin chi tiết.

* Ngày 13-5, Phó thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko công bố Ukraine đã ký các hợp đồng nhập khẩu 300.000 tấn diesel và 120.000 tấn xăng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tháng 5 do Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng nhiên liệu của nước này, theo Reuters. Nga đã phá hủy 27 kho nhiên liệu và Nhà máy lọc dầu Kremenchuk tại miền trung Ukraine kể từ khi Matxcơva mở chiến dịch quân sự đặc biệt hôm 24-2 đến nay.

Bị Ukraine tịch thu tài sản, ngân hàng Nga khởi kiện Bị Ukraine tịch thu tài sản, ngân hàng Nga khởi kiện

TTO - Ngày 12-5, Ngân hàng Sberbank của Nga thông báo đã khởi kiện lên tòa trọng tài đầu tư, sau khi Quốc hội Ukraine thông qua sắc lệnh cho phép tịch thu tài sản của Sberbank.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên