24/04/2020 06:15 GMT+7

Dịch COVID-19 sáng 24-4: Việt Nam vẫn 0 ca mới, toàn cầu gần 745.000 ca khỏi

DUY LINH - L.ANH - TRẦN PHƯƠNG
DUY LINH - L.ANH - TRẦN PHƯƠNG

TTO - Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm mới. Trên toàn cầu, tổng cộng đã có hơn 2,7 triệu người nhiễm, hơn 190.300 người đã tử vong. Số trường hợp hồi phục là 744.961 ca.

Dịch COVID-19 sáng 24-4: Việt Nam vẫn 0 ca mới, toàn cầu gần 745.000 ca khỏi - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

* Bản tin cập nhật lúc 12h30 ngày 24-4

Hàn Quốc, Thái Lan không có thêm ca tử vong

Lần đầu tiên trong 40 ngày, Hàn Quốc ngày 24-4 tuyên bố không ghi nhận thêm ca tử vong nào trong ngày, một dấu hiện cho thấy bùng phát dịch bệnh ở nước này đã chậm lại. Nước này có thêm sáu ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca lên 10.708, trong đó phần lớn đã hồi phục.

Tương tự, Thái Lan cũng công bố số liệu mới với thêm 15 ca bệnh và không có trường hợp tử vong nào trong 24 giờ qua.

Việt Nam thêm ca khỏi bệnh

Ngày 24-4, thông tin từ tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, có 1 bệnh nhân mắc COVID-19 tại biện viện Phổi tỉnh Đồng Nai được công bố khỏi bệnh. Đó là bệnh nhân 247, nam, 28 tuổi, quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, tính đến nay cả nước đã có tổng cộng 225 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh.

Philippines kéo dài phong tỏa thủ đô

Chính quyền tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định kéo dài thời gian phong tỏa thủ đô Manila, nơi chiếm phần lớn trong tổng hơn 7.000 ca mắc COVID-19 của nước này, đến ngày 15-5. 

Việc kéo dài thời gian cách ly cũng sẽ áp dụng tại một số khu vực khác, dù các hoạt động giao thông, thương mại… sẽ hoạt động trở lại một phần.

Như vậy, Philippines là nước có thời gian phong tỏa lâu thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ý.

"Chúng ta đều đang gặp nguy, đừng làm tăng thêm nguy cơ" - Tổng thống Duterte nhắc nhở người dân không nên lơ là. Trước đó, ông cũng treo thưởng gần 1 triệu USD cho ai chế được vắcxin chống COVID-19.

Số ca nhiễm tại Thổ Nhĩ Kỳ vượt mốc 100.000

Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24-4 cho biết tổng số người nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng lên 101.790 người sau khi có thêm 3.116 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ là vùng dịch COVID-19 lớn nhất ngoài Mỹ và châu Âu nhưng số ca tử vong thấp hơn đáng kể với 2.491 trường hợp.

Tổng số người hồi phục tại Thổ Nhĩ Kỳ tính tới ngày 24-4 là 18.491 trường hợp.

Việt Nam 8 ngày liền không ca nhiễm mới

Tính đến 6h sáng 24-4, Việt Nam ngày thứ 8 liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Trong tổng số 268 ca mắc, đã có 224 ca được chữa khỏi (đạt tỉ lệ 84%).

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, hiện còn 44 ca đang được điều trị tại 7 cơ sở y tế, 12 ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 và 8 ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2.

Dịch COVID-19 sáng 24-4: Việt Nam vẫn 0 ca mới, toàn cầu gần 745.000 ca khỏi - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

FDA: đừng ăn hay tiêm chất khử trùng

Ủy viên Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) của Mỹ Stephen Hahn cảnh báo người dân không ăn hoặc tiêm chất khử trùng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump nói về việc tiêm chất khử trùng để diệt virus corona chủng mới.

"Tôi chắc chắn là không ủng hộ việc ăn chất khử trùng" - ông Hahn, cũng là một thành viên của lực lượng xử lý dịch COVID-19 của Nhà Trắng, trả lời trên đài CNN.

Trước đó, ông Trump ngày 23-4 nói rằng các nhà khoa học nên cân nhắc việc đưa tia UV vào cơ thể người để diệt virus corona hoặc tiêm chất khử trùng có thể lập tức diệt virus.

Hawaii trả tiền để du khách rời đi

Thay vì tìm cách thu hút khách du lịch, cơ quan du lịch bang Hawaii của Mỹ hiện đang chi tiền để hỗ trợ các du khách nhanh chóng rời khỏi bang này.

Cơ quan du lịch Hawaii đã chi 25.000 USD để đưa du khách về nếu họ không chấp nhận thực hiện tự cách ly 14 ngày theo yêu cầu của chính quyền bang. Tổ chức Visitor Aloha Society sẽ tham gia hỗ trợ họ trở về nhà, thậm chí trả tiền vé máy bay nếu họ không có khả năng chi trả.

Từ đầu tháng 4-2020 Hawaii đã khuyến khích du khách không đến ban này và yêu cầu tất cả du khách phải tự cách ly trong hai tuần.

Ngày thứ hai liên tiếp Trung Quốc không có ca tử vong mới

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) sáng 24-4 cho biết tính đến hết ngày 23-4 không ghi nhận ca tử vong mới nào vì COVID-19 ở đại lục, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp không có ca tử vong mới. Số ca nhiễm mới được ghi nhận trong cùng thời gian là 6, giảm 4 trường hợp so với ngày 22-4.

Theo NHC, tính đến hết ngày 23-4, tổng số người chết tại Trung Quốc là 4.632, tổng số ca nhiễm là 82.804, trong đó 77.257 đã được chữa khỏi. Số người đang được điều trị hiện đã dưới 1.000 người.

Số liệu "chỏi nhau" ở Mỹ

Số liệu được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ công bố có sự chênh lệch lớn với số liệu do các hãng thông tấn tự tổng hợp dựa trên con số được công bố bởi từng tiểu bang.

Số liệu được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 23-4 (giờ Mỹ) cho biết có tổng cộng 828.441 ca nhiễm virus corona chủng mới tại nước này, tăng 25.858 ca so với một ngày trước đó.

Số ca tử vong mới ghi nhận trong cùng thời gian là 1.804, nâng tổng số ca tử vong tại Mỹ lên 46.379 người.

Trong khi đó, theo thống kê của Hãng tin Reuters, số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ đã chạm mốc 49.000 người, trung bình mỗi ngày có ít nhất 2.000 thiệt mạng. Cũng theo Reuters, tổng số ca nhiễm tại Mỹ là hơn 860.000 vào ngày 23-4 (giờ Mỹ) dù nhiều bang vẫn chưa công bố số liệu. 

Còn theo thống kê của Đại học John Hopkins (Mỹ), tổng số ca nhiễm là hơn 864.000 người, trong đó có 47.800 người đã chết.

Dịch COVID-19 sáng 24-4: Việt Nam vẫn 0 ca mới, toàn cầu gần 745.000 ca khỏi - Ảnh 3.

Nhân viên y tế một bệnh viện ở Paris (Pháp) bắt tay chúc mừng một bệnh nhân COVID-19 hồi phục và xuất viện sau 16 ngày nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt - Ảnh: REUTERS

Nam Phi chuẩn bị nới lỏng lệnh phong tỏa

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ngày 23-4 xác nhận các biện pháp phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt tại nước này sẽ được nới lỏng dần dần vào đầu tháng tới. Ông Ramaphosa giãi bày ông đang cố gắng cân bằng giữa bảo vệ sức khỏe người dân và "để họ kiếm sống".

Nam Phi hiện là vùng dịch lớn nhất châu Phi với gần 4.000 ca nhiễm và 75 ca tử vong tính đến ngày 23-4.

"Mặc dù việc phong tỏa toàn quốc có lẽ là phương tiện hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus, nhưng nó không thể được duy trì lâu dài. Người dân của chúng tôi cần ăn, họ cần kiếm sống. Các công ty cần sản xuất và buôn bán", ông Ramaphosa lập luận. 

Khoảng 28.000 nhân viên y tế cộng đồng đã được triển khai trên khắp Nam Phi để sàng lọc và kiểm tra 57 triệu dân.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi xóa nợ 1 ngàn tỉ USD cho các nước đang phát triển

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) ngày 23-4 đề xuất các nước giàu, tổ chức tài chính quốc tế nên cân nhắc xóa các khoản nợ 1 ngàn tỉ USD cho những nước đang phát triển.

Cơ quan được thành lập vào năm 1964 theo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lập luận các nước đang phát triển đang đối mặt với nhiều khó khăn dồn dập. Ngoài những khoản nợ cũ, những nước này giờ phải đối mặt với suy thoái toàn cầu, xuất khẩu hàng hóa suy giảm và đồng nội tệ yếu.

Trong lúc đó, đại dịch COVID-19 khiến các nước này lại phải chi nhiều tiền hơn cho hệ thống y tế và các gói kích thích kinh tế. Theo UNCTAD, khoảng 64 nước nằm trong nhóm thu nhập thấp đang dành tiền để trả lãi nợ vay còn nhiều hơn tiền dành cho hệ thống y tế. 

Số người nhiễm ở New York có thể lên tới 2,7 triệu 

Dịch COVID-19 sáng 24-4: Việt Nam vẫn 0 ca mới, toàn cầu gần 745.000 ca khỏi - Ảnh 4.

Một người dân New York được lấy máu xét nghiệm tìm kháng thể chống virus corona - Ảnh: REUTERS

Thống đốc New York Andrew Cuomo ngày 23-4 (giờ Mỹ) cho biết số người nhiễm virus corona chủng mới tại bang này có thể lên tới 2,7 triệu người, cao hơn nhiều so với những con số đã được công bố.

Theo ông Cuomo, khoảng 3.000 người đã được lựa chọn xét nghiệm ngẫu nhiên để tìm kháng thể. Kết quả người ta tìm thấy kháng thể chống virus corona chủng mới trên 14% người được lấy mẫu. 

Thống đốc New York cho biết sẽ tiếp tục mở rộng xét nghiệm tìm kháng thể ở nhóm người gốc Phi và gốc Tây Ban Nha tại bang này. Đây cũng là hai nhóm có nhiều người nhiễm bệnh nhất tại New York.

Mặc dù tỉ lệ lây nhiễm ở New York cao, ông Cuomo cho biết tỉ lệ tử vong ở bang này rất thấp, chỉ 0,5% so với những gì được các chuyên gia cảnh báo. Việc xác định tỉ lệ lây nhiễm là quan trọng để nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thống đốc New York lý giải thêm.

80 nước/vùng lãnh thổ cấm xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 23-4, ít nhất 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp đặt các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, găng tay và các hàng hóa khác để giải quyết tình trạng thiếu hụt trong nước.

Trong số này có 72 nước là thành viên WTO nhưng chỉ có 13 nước báo cáo lên tổ chức này theo đúng quy định.

"Mặc dù việc đưa ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu là điều dễ hiểu, nhưng việc thiếu hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này có nguy cơ khiến các nước phụ thuộc nhập khẩu sản phẩm y tế cần thiết bị cắt nguồn cung đột ngột và gây ra cú sốc cung", WTO lập luận trong thông báo ngày 23-4.

Dịch COVID-19 sáng 24-4: Việt Nam vẫn 0 ca mới, toàn cầu gần 745.000 ca khỏi - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Dịch COVID-19 sáng 24-4: Việt Nam vẫn 0 ca mới, toàn cầu gần 745.000 ca khỏi - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Dịch COVID-19 chiều 23-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, Nhật Bản vượt mốc 12.600 ca Dịch COVID-19 chiều 23-4: Việt Nam 0 ca nhiễm mới, Nhật Bản vượt mốc 12.600 ca

TTO - Việt Nam tiếp tục không có ca nhiễm mới. Bộ Y tế Nhật Bản thông báo ghi nhận thêm 422 ca mới và 10 người nữa tử vong vì COVID-19. Trong khi đó, Singapore đã lên 11.178 ca nhiễm.

DUY LINH - L.ANH - TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên