25/11/2022 11:11 GMT+7

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 7: Tô phở Việt ở World Cup

TRUNG NGHĨA (từ Doha)
TRUNG NGHĨA (từ Doha)

TTO - Mặc chiếc áo bà ba nam màu cà phê sữa lên người, tôi bắt đầu làm nhân viên phục vụ tại nhà hàng Hội An với việc đầu tiên là lần lượt bưng đĩa gỏi cuốn, tô phở bò ra bàn của hai cô gái người Hàn Quốc đang ngồi trong quán.

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 7: Tô phở Việt ở World Cup - Ảnh 1.

Bên trong nhà hàng Hội An mới mở tại Qatar - Ảnh: TR.N.

Và tôi cũng không quên giới thiệu với niềm tự hào: "Đây là món phở truyền thống Việt Nam của chúng tôi".

Khai trương quán Việt đón World Cup

Hội An - quán Việt tọa lạc ở mặt tiền khu phố ẩm thực Al Jazeera tại vùng Bin Mahmoud (phía tây thủ đô Doha), khai trương đầu tháng 11-2022 để đón đầu World Cup, chính là nhà hàng Việt đầu tiên trên đất nước Qatar từ trước đến nay. Trên bảng hiệu ngoài cửa có tên quán bằng hai thứ tiếng Ả Rập và Anh (Hoi An Restaurant) cùng dòng chữ "Ẩm thực Việt Nam đích thực".

Trong thời gian "làm bồi bàn" tại đây, chúng tôi tạm quên đi sức hấp dẫn từ những trận cầu World Cup đang diễn ra để học nhanh các món chính trong menu nhà hàng: chả giò, gỏi cuốn khai vị, bánh xèo, bánh mì thịt, phở, nem tôm, cơm chiên gà, cá chiên mắm gừng, tráng miệng chuối chiên, uống cà phê sữa đá... 

Đôi vợ chồng người Philippines đi đánh tennis về ghé vào, nhiều lượt phụ nữ Hàn Quốc, anh đeo kính người Ấn bước vào quán. Huỳnh Gia Hân, 25 tuổi, quê ở Trảng Bom (Đồng Nai) là nhân viên tiếp khách chính trong quán, nhiệt tình hỗ trợ "đồng nghiệp" mới thạo việc, và kể rằng có những tối cuối tuần đông khách thiếu chỗ ngồi, phải rối rít xin lỗi khách đến sau, hoặc đến gần nửa khuya mới hết khách.

"Chúng tôi mất khoảng nửa năm trời để chuẩn bị cho việc mở nhà hàng bán món Việt Nam đầu tiên tại Qatar và phải vượt qua rất nhiều thử thách từ thủ tục giấy phép khá phức tạp cho đến tìm được mặt bằng thuận lợi. Khó khăn nhất là vận chuyển nguyên liệu thực phẩm từ Việt Nam sang cũng như có phần e ngại ẩm thực Việt Nam chưa có tiền sử được phổ biến nhiều tại Qatar", ông Nguyễn Trọng Phú, 46 tuổi, chủ nhà hàng kiêm bếp trưởng, cho biết.

Ông Phú quê Hải Dương, bôn ba nước ngoài đã 20 năm và có kinh nghiệm mở nhà hàng Việt Nam ở Dubai (UAE). Ông hùn vốn cùng một người gốc Việt đang sống ở Qatar và một người trong nước hay sang Trung Đông để mở ra Hội An với tổng diện tích 230m2.

Trước mắt Hội An có năm phụ bếp lẫn phục vụ, giao nhận hàng, trong đó có các nhân viên nhập cư từ Nepal như các anh Sunil, Sarfraz và Hangsaruma. Chủ quán nói vui với chúng tôi rằng nếu chịu làm nhân viên quán Hội An luôn sẽ được trả lương, bao ăn ở và phí di chuyển từ nhà đến quán.

Hội An, quán có trang trí rất đẹp và đậm đà bản sắc quê hương với tường sơn vàng sẫm đặc trưng phố cổ, điểm tô bằng nón lá, mâm tre tròn vẽ cảnh áo dài, thôn quê, sông nước Việt. Trần nhà treo nhiều đèn lồng Hội An và bình phong là cảnh Chùa Cầu. Nhà hàng chuẩn bị được những nguyên liệu thuần Việt như bánh tráng, mắm nêm, nấm hương, bột đổ bánh xèo...

Tình cờ, bà Rachel Ann Morris - một blogger về ẩm thực và du lịch người Úc sống tại Qatar đã 15 năm - ghé ngang Hội An gọi món ăn rồi về viết lời khen ngợi tấm tắc trên mạng: "Đồ ăn ở nhà hàng Hội An tươi ngon, trình bày đẹp mắt và có hương vị tuyệt vời, độc đáo". 

Rất nhiều lời hỏi thăm, bình phẩm và cho biết sẽ đi ăn thử món Việt phản hồi đến bà Rachel, trong đó có chị Jovelle người Philippines "đã phải chờ đợi món Việt ngon ở đây đã lâu, cuối cùng đã có (nhà hàng)".

Ông Phú tâm huyết bày tỏ niềm hy vọng Hội An ở Qatar cũng sẽ thành công như nhà hàng cùng tên mà ông từng mở ở Dubai năm 2003. Trước khi vào trong bếp chiên bánh xèo, ông chia sẻ: "Trước mắt là chào đón lượng khách là CĐV các nước sang đây trong dịp World Cup, các tiếp viên hàng không nước ngoài thích ăn món Việt, về sau hy vọng ẩm thực Việt Nam sẽ từng bước có chỗ đứng lâu dài tại Qatar".

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 7: Tô phở Việt ở World Cup - Ảnh 2.

Nhóm phụ nữ Việt thân thiết ở Qatar thường tụ hội nấu ăn, trò chuyện, sẻ chia cuộc sống xa quê hương - Ảnh: NVCC

Kết nối đồng bào Việt

Ông Lương Tô Thanh Tuấn, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar, xác nhận với Tuổi Trẻ: "Trong giai đoạn cao điểm 2005-2008, có khoảng 10.000 người Việt, chủ yếu là công nhân lao động ở Qatar. Về sau số lượng này giảm dần, năm 2016 còn khoảng 2.000 người Việt và hiện nay là 526 người, phần đông vẫn là công nhân lao động".

Anh Nguyễn Nho Cường, quê Thanh Hóa, sang Qatar từ năm 2011, là công nhân lắp ráp công trường, hiện cư ngụ cùng gần 100 công nhân Việt tại vùng Al Khor City - nơi có sân Al Bayt vừa tổ chức trận khai mạc World Cup. 

Cường được công ty bao ăn ngày ba bữa, đi lại, bảo hiểm và chỗ ở tại các "camp" - nghĩa là khu nhà cho công nhân, thường một phòng chứa tối đa bốn người, bếp chung bên ngoài. "Với thu nhập hiện tại, sau khi chi xài tôi dành dụm tiền và gửi về cho gia đình ở Việt Nam", Cường cho biết.

Từ năm 2009, với sự ủng hộ và hỗ trợ từ Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar, Ban liên lạc cộng đồng người Việt ở Qatar đã được thành lập với khoảng 10 thành viên trong ban điều hành đứng ra hỗ trợ cho người Việt sống và làm việc tại nước này. Trước đây có một vài anh em công nhân Việt gặp vấn đề rắc rối với pháp luật nước sở tại. Ban liên lạc cộng đồng với khả năng ngôn ngữ Ả Rập, tiếng Anh đã góp phần hỗ trợ phiên dịch, nỗ lực giúp đỡ cho đồng hương trong các vụ việc.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, trưởng Ban liên lạc cộng đồng người Việt ở Qatar, cho biết: "Sau công nhân thì thành phần người Việt còn lại là nghiên cứu sinh, kỹ sư, người làm trong nhà hàng khách sạn và gia đình các phụ nữ Việt có chồng là người nước ngoài. 

Những người sống lâu ở đây như chúng tôi hầu như quen biết nhau. Như chị Trang Nguyễn lấy chồng người Qatar, thường nhiệt tình tham gia các hoạt động đồng hương ở đây. Chị sang Qatar định cư từ năm 2002 nên có lẽ hiện là người Việt sống lâu nhất tại đây".

Ông Hiếu năm nay 46 tuổi, sang Qatar từ năm 2006 và là người theo học tiếng Ả Rập từ 15 năm qua, hiện làm phiên dịch viên và chuyên viên hành chính ở cơ quan công tố Qatar. Ông cho biết Ban liên lạc cộng đồng như thêm một nhịp cầu kết nối giữa công dân và Đại sứ quán Việt Nam, cùng tham gia tổ chức những buổi giao lưu, kỷ niệm Quốc khánh 2-9, vui Tết Nguyên đán ấm áp ở xứ người. 

Những người Việt xa xứ cũng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, san sẻ những khó khăn với nhau thông qua liên hoan họp mặt, tổ chức giải thể thao cộng đồng (trước COVID-19). Một số hoạt động được cộng đồng hưởng ứng là của ít lòng nhiều hướng về quê hương, biển đảo, đóng góp cho đồng bào vùng lũ lụt...

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hương, quê Hải Dương, người sang Qatar sống và làm việc đã 17 năm, cho biết nhiều người phụ nữ Việt ở Doha đã kết thân với nhau, thường chia sẻ vui buồn đời sống, kinh nghiệm vượt qua những khó khăn trở ngại nơi xứ người, những thông tin về giáo dục, chuyện học hành, trường lớp của con em sinh ra tại Qatar... Họ cũng thường tổ chức cùng nhau đi dã ngoại, tắm biển, dự lễ hội, ăn uống... với sự hiện diện của gia đình, con cái để thư giãn sau những ngày làm việc mệt nhọc.

Những cuộc gặp gỡ này thường rất vui và ấm áp tình đồng hương. Đặc biệt, chị Hương rất thích vào bếp nấu ăn nên thường làm những món Việt rất quý đối với người xa quê như bánh chưng, bánh cuốn, bún, phở, giò gà, chả gà... và chia sẻ với các bạn nội trợ đồng hương khác để những gia đình Việt tại Qatar đỡ thèm hương vị quê nhà.

******************

Khoảng 1,5 triệu CĐV sang Qatar ngoài việc vào sân vận động xem World Cup còn tận dụng dịp để đi tham quan bảo tàng, làng văn hóa, thư viện, triển lãm... để bồi bổ kiến thức và có góc nhìn rộng mở hơn về nước chủ nhà.

>> Kỳ tới: World Cup xích lại gần nhau

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 6: Muốn lai rai, coi chừng sai Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 6: Muốn lai rai, coi chừng sai

TTO - Qatar là quốc gia Hồi giáo đầu tiên đăng cai World Cup - nơi rượu bia không được bán rộng rãi mà chỉ có ở những nơi được cấp phép như nhà hàng trong khách sạn, quán bar...

TRUNG NGHĨA (từ Doha)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên