24/11/2022 11:59 GMT+7

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 6: Muốn lai rai, coi chừng sai

TRUNG NGHĨA (từ Doha)
TRUNG NGHĨA (từ Doha)

TTO - Qatar là quốc gia Hồi giáo đầu tiên đăng cai World Cup - nơi rượu bia không được bán rộng rãi mà chỉ có ở những nơi được cấp phép như nhà hàng trong khách sạn, quán bar...

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 6: Muốn lai rai, coi chừng sai - Ảnh 1.

Có thẻ mua bia về uống trong phòng, xem bóng đá - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Anh chàng bảo vệ da màu gác cửa siêu thị bất ngờ quay sang tôi hỏi nửa đùa nửa thật: "Theo anh thì tôi có nên cho anh bạn này vào mua rượu hay không khi đã trễ giờ đăng ký 30 phút?". Rốt cuộc anh bảo vệ nghiêm khắc nhưng vui tính vẫn cho phép người bạn "thổ địa Doha" bước qua cổng để lạc vào bên trong - nơi có những dãy bia, rượu đủ loại cao ngất.

Thật hú vía vì nếu không được vào, anh bạn sẽ phải đăng ký trước lại lần nữa và phải chờ ngày nào còn trống chỗ mới được quay lại chỗ bán rượu bia này.

Các nhân viên bán bia rượu trong quán có ý thức quan sát khách sắp say xỉn là sẽ nhã nhặn không bán thêm, vì không muốn ai phải gục tại bàn.

Chị MAI HƯƠNG (quản lý nhà hàng Outdoor ở Doha)

"Tấm thẻ lưu linh"... quý giá

Được biết đến với cái tên "Khu chợ bán buôn", Abu Hamour là quận nằm ở phía tây Doha, một trong hai nơi bán bia cực kỳ hiếm hoi ở thủ đô. Nơi còn lại là tiệm bán bia rượu nằm khuất dưới bãi đỗ xe khách sạn Sheraton Grand Doha. Chỉ những ai có thẻ được phép mua đồ uống có cồn (Alcohol Permit) tại xứ Hồi giáo Qatar mới được "lạc" vào đây, thế nên việc đầu tiên mà bạn muốn mua rượu bia ở quốc gia Hồi giáo này chính là phải có thẻ.

Người bạn sống lâu năm ở Doha cho biết những ai sống ở Qatar từ 21 tuổi trở lên, chứng minh được thu nhập từ 8.000 riyal (56 triệu đồng VN)/tháng trở lên qua ngân hàng, giấy giới thiệu từ công ty đang làm việc, thì mới được đăng ký thẻ mua rượu bia. "Thẻ này được gia hạn từng năm một, người sở hữu phải đóng phí thường niên 250 riyal", anh cho biết.

Dù có thẻ, mỗi khi đến Abu Hamour bạn phải đăng ký trước qua mạng và được chấp nhận theo khung giờ khả dĩ từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Nếu giờ bạn chọn đã đủ người thì phải chọn giờ khác. Tới trễ thì có thể bị bảo vệ cự nự hoặc không cho vào. Siêu thị là chốn thiên đường dành cho dân "khoái lai rai", đủ loại hàng hóa bia rượu "thượng vàng hạ cám" bao gồm nhiều thương hiệu bia, rượu mạnh nổi tiếng nhất thế giới đều có tại đây. Tất nhiên, giá cả khá "chát" bởi rượu bia là mặt hàng chịu thuế đặc biệt, lại thuộc nhóm không có lợi cho sức khỏe!

Mùa World Cup ngoài cửa siêu thị rượu bia ghi biển dí dỏm "Fan Zone" (nơi của người hâm mộ). Còn bên trong siêu thị treo các dây cờ, cùng các dòng khẩu hiệu như: "Cho đội bóng của bạn...", "Cơn sốt bóng đá ở đây nè..." bên trên những kệ chất hằng hà sa số bia, rượu. Chúng tôi rời Abu Hamour với hộp sáu lon bia thân cao và hai chai rượu vang mang về nhà. Qatar không thiếu thức uống có cồn bán cho dân nhậu mua về uống kín đáo tại gia, miễn có "tấm thẻ lưu linh quý giá" kia.

Quán bar, nhà hàng tăng giá

Qatar là quốc gia Hồi giáo đầu tiên đăng cai World Cup - nơi rượu bia không được bán rộng rãi mà chỉ có ở những nơi được cấp phép như nhà hàng trong khách sạn, quán bar... Trong sân vận động thì chỉ có loại bia không cồn. Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Mai Hương, quản lý nhà hàng nằm bên trong khách sạn quốc tế 5 sao ở khu vực The Corniche, trung tâm Doha, cho biết: "Mùa World Cup nhà hàng đón tiếp lượng khách đông gấp nhiều lần bình thường, hầu hết là lượng CĐV các nước sang xem bóng đá và giải trí. Hầu hết các khách nam đều gọi bia hoặc rượu. Thường là quán chật kín khách. Có những đêm chúng tôi mở cửa tới 3 giờ sáng".

Chị Hương cho biết giá bia rượu ở Qatar vốn đã cao, trong mùa World Cup những quán bar, hộp đêm, nhà hàng bên trong khách sạn ở Doha đã tăng giá từ 10-25%. Một cốc bia 500ml trong quán bar giờ có giá "chát chúa" 45-50 riyal (350.000 đồng) là bình thường. Vậy mà những nơi này cũng quá tải bởi nhu cầu tăng vọt, khách vừa đông lại vừa chỉ mong "mua nhanh kẻo hết" chứ không quá so đo tiếc tiền.

Các CĐV bóng đá tứ xứ vốn quen cụng ly mừng chiến thắng đội tuyển nước mình hoặc nhâm nhi quên buồn khi đội nhà thua trận nay đến Qatar đành "nhập gia tùy tục" thôi. Họ có thể uống bia không cồn trong sân vận động rồi về lại khách sạn hay đi bar để chia vui giải sầu theo trái bóng lăn cùng ly bia thật.

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 6: Muốn lai rai, coi chừng sai - Ảnh 3.

Quầy bán bia bên trong làng trọ dành cho các CĐV quốc tế đến Qatar mùa World Cup - Ảnh: TR.N.

Mua bia có cồn

Thuê phòng căn hộ người bạn mình ở Doha trong những ngày tác nghiệp World Cup, chúng tôi vẫn thường được chủ nhà mời uống vài lon bia cho vui miệng trong bữa cơm chiều không khí gia đình. Anh bạn tiết lộ không chỉ anh có "tấm thẻ lưu linh quý giá" mà bà xã cũng có thêm một thẻ phụ để phòng khi ông xã bận thì chị nhà có thể chạy đến Abu Hamour lấy bia về.

Chúng tôi cũng đã mua được bia khi đến khu ở trọ dã chiến dành cho các CĐV quốc tế đến Qatar xem World Cup ở TP Lusail (cách thủ đô Doha 20km). Việc bán bia có cồn 5.0% ở bên trong khu trọ dã chiến được quản lý khoa học như sau: bạn nạp tiền trước vào chiếc vòng đeo tay có gắn định danh điện tử được cấp riêng mình, kế đến là ghé quầy bán bia để mua và tiền được khấu trừ trên vòng đeo tay. 

Đây có lẽ là nơi lý tưởng mà các CĐV có thể xem trực tiếp bóng đá qua màn hình lớn với ly bia có cồn "đường đường chính chính" lắc lư trên tay. Tất nhiên để mua được bia thì phải chấp nhận cái giá khá "viêm màng túi": 35 riyal (245.000 đồng) cho một lon bia 500ml.

"Thôi kệ, vui mà!", những người bạn Việt Nam sang Qatar xem bóng đá bảo cứ mua đừng tiếc. Đời có mấy khi mua bia lại... khó khăn như thế này, nên cho phép mình tận hưởng chút âu cũng là trải nghiệm đáng nhớ trên đất Qatar.

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 6: Muốn lai rai, coi chừng sai - Ảnh 4.

Ở nước Hồi giáo Qatar, rượu bia cực kỳ hạn chế và phải tuân theo luật nghiêm ngặt Ảnh TRUNG NGHĨA

Khó say nên khó... quậy

Trước ngày đến Qatar, chúng tôi được khuyến cáo kỹ nên tìm hiểu các điều luật sở tại như hành vi mang rượu, uống rượu, say xỉn ngoài khu vực được phép, xả rác, khạc nhổ, vệ sinh nơi công cộng, ẩu đả, đánh nhau khiến nạn nhân phải chữa thương 20 ngày (được xem là nghiêm trọng) và chửi thề đều có thể bị phạt tù và (hoặc) phạt tiền nhiều mức độ khác nhau.

Loạt trận đầu tiên tại World Cup 2022 cho thấy không vì thiếu vắng bia bọt có cồn mà sự cổ vũ sôi động từ khán đài giảm đi. Trong khi đó, những cảnh tượng xấu khó coi thường thấy ở các kỳ World Cup trước như các CĐV say xỉn mặt đỏ bừng rồi lắm lúc lại choảng nhau chí tử, đập phá hàng quán hay ngoài sân vận động rất khó có thể xảy ra ở Qatar.

*******************

Những năm 2005-2008, lao động Việt Nam từng đến Qatar đông đảo, cao điểm lên đến khoảng 10.000 người. Năm 2016 chỉ còn khoảng 2.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc ở Qatar. Hiện nay còn khoảng dưới 700 người, chủ yếu là công nhân lao động, người làm nhà hàng khách sạn, chăm sóc thẩm mỹ...

>> Kỳ tới: Cộng đồng Việt ở Qatar

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 5: Giấc mơ hái sao trên trời ở Qatar Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 5: Giấc mơ hái sao trên trời ở Qatar

TTO - Sau World Cup, ILO sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ, giới chủ và người lao động nhập cư để hỗ trợ điều chỉnh luật pháp, thông lệ của Qatar phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

TRUNG NGHĨA (từ Doha)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên