19/11/2022 09:54 GMT+7

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 1: Qatar, vì sao sa mạc nở hoa?

TRUNG NGHĨA (từ Doha, Qatar)
TRUNG NGHĨA (từ Doha, Qatar)

TTO - Phái viên Tuổi Trẻ đang có mặt tại Qatar ghi nhận nhiều điều mắt thấy tai nghe từ quốc gia nhỏ bé giữa vùng Trung Đông này.

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 1: Qatar, vì sao sa mạc nở hoa? - Ảnh 1.

Nhiều lời ong tiếng ve hoài nghi, thậm chí phê phán, phản đối, "chính trị hóa" sự kiện Qatar đăng cai tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh FIFA World Cup 2022. 

Trở lại Qatar sau nhiều lần quá cảnh lẫn vào thăm nước này trong tour ngắn hạn, chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi sân bay quốc tế Hamad của đất nước nhỏ bé chỉ 2,8 triệu dân này vừa được mở rộng với công suất đón hành khách nâng từ 30 triệu lên 58 triệu khách/năm. 

Sân bay có cả phòng chờ riêng dành cho người mắc chứng tự kỷ và khuyết tật. Có rất nhiều công nhân đến từ Việt Nam đã tham gia dự án mở rộng sân bay này, đóng góp sức lao động cho nước sở tại nâng cấp hạ tầng cửa ngõ chào đón thế giới để trở thành điểm đến và trung chuyển lý tưởng ở vùng Trung Đông.

Hayya: đến đây nào bạn ơi!

"Rất vui khi bạn đã đến Qatar và World Cup. Mọi người ở đây sẵn sàng cho giải đấu lớn nhất hành tinh", anh tài xế taxi Nima đưa rước khách ở sân bay Hamad hào hứng nói với chúng tôi. 

Mùa World Cup, đất nước nổi tiếng khắt khe và an ninh nghiêm ngặt này thay đổi cung cách đón khách bất ngờ khi áp dụng thẻ định danh điện tử cho 1,8 triệu cổ động viên bóng đá đến đây nhập cảnh dễ dàng bằng Hayya Card. 

Đúng như tên gọi Hayya (có nghĩa là "Mời bạn đến đây"), Qatar mời gọi khách đến với nhiều hậu đãi thú vị như ai có thẻ Hayya sẽ nhận được ngay từ sân bay sim điện thoại gọi, nhắn tin và vào Internet miễn phí trong hai ngày - quãng thời gian đủ để CĐV xem một trận đấu rồi đi. Ngoài ra, người có Hayya còn nhận nhiều ưu đãi mua sắm, giải trí, nhận thông tin cần biết rất tiện lợi qua app điện thoại.

Trên con đường từ sân bay về nhà trọ ở khu Madinat Khalifa South, mạn tây bắc thủ đô Doha, chúng tôi ngắm nhìn những thảm cỏ hoa trồng giữa sa mạc đang khoe sắc, những giàn bông giấy hồng thẫm nơi các khu dân cư hai bên đường, vô số kiểu dáng và kích cỡ cờ xí, biểu ngữ về World Cup và chào mừng khách đến giăng khắp mọi nơi mà chợt nhớ tuyên bố gần đây của cựu chủ tịch FIFA Sepp Blatter rằng "Chọn Qatar đăng cai World Cup là sai lầm!".

Ông Blatter khi còn đương chức 12 năm trước chính là người công bố kết quả Qatar được bầu chọn làm chủ nhà World Cup 2022. Không ai hiểu vì sao ông "quay xe" như vậy. Và cũng không ai hiểu vì sao một sự kiện thể thao mang tính đoàn kết, hàn gắn thế giới không phân biệt chủng tộc, màu da, quốc gia như World Cup lại bị một bộ phận truyền thông xới lên ầm ĩ về... chính trị, nhân quyền và đạo đức của nước chủ nhà. 

Đến nỗi FIFA chính thức kêu gọi mọi người "hãy tập trung nói về bóng đá". Còn đại diện nước chủ nhà, nữ Bộ trưởng Bộ Phát triển xã hội và Gia đình Qatar Mariam bint Ali bin Nasser Al Misnad, khẳng định vào hôm 16-11: "Đất nước Qatar chúng tôi chào đón mọi người đến đây xem bóng đá, nhưng chúng tôi đồng thời cũng là một quốc gia có luật pháp, giá trị đạo đức, văn minh và truyền thống văn hóa riêng cần được tôn trọng".

Bà Al Misnad nói Qatar đón nhận những góp ý chân thành để phát triển tốt hơn, còn những tin đồn, tố cáo thiếu chính xác, âm mưu xuyên tạc và động cơ tấn công sẽ khiến đất nước của bà "lấy đó làm động lực để chứng tỏ sự thật và thực lực của mình". 

Thật vậy, mọi ánh mắt trên thế giới đổ dồn về Qatar kể từ ngày khai mạc World Cup 20-11 không chỉ muốn biết kết quả những trận cầu mà còn xem đất nước này thành công ra sao.

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 1: Qatar, vì sao sa mạc nở hoa? - Ảnh 2.

Qatar từ một làng chài nghèo đã trở thành quốc gia giàu có, hiện đại - Ảnh: TR.N.

"Nhỏ mà có võ"

Đến Qatar mới thấy con số khổng lồ 220 tỉ USD là tổng chi phí Nhà nước Qatar bỏ ra trong 12 năm qua để tổ chức World Cup (bao gồm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng với 22 tuyến cao ốc mới, xây thêm 7/8 sân vận động) là có cơ sở. 

Qatar đã có mục tiêu trở thành quốc gia Hồi giáo vùng Trung Đông và thế giới Ả Rập đầu tiên đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, bất chấp những bất lợi về khí hậu nắng nóng sa mạc, diện tích nhỏ bé, ít phòng lưu trú... 

Du khách và cổ động viên bóng đá đến Qatar mùa World Cup "tận hưởng ké" hệ thống đường cao tốc hiện đại, phương tiện metro với ba tuyến vàng, xanh, đỏ kết nối 37 nhà ga và 7 sân vận động quanh Doha mới tinh tươm như đồng xu xuất xưởng.

Điều gì đã khiến Qatar phát triển thần kỳ trong thời gian ngắn kỷ lục 70 năm từ một làng chài nghèo hẻo lánh, một thuộc địa cũ của Anh để trở thành một quốc gia có GDP đầu người cao bậc nhất thế giới (92.080 USD/người/năm), nổi lên thành một trung tâm vùng Vịnh và đăng cai được World Cup? 

Giàu có nhờ khai thác tài nguyên tự nhiên thì rõ rồi (Qatar có trữ lượng khí đốt tự nhiên và trữ lượng dầu mỏ lớn thứ ba thế giới), nhưng không lẽ chỉ có bơm dầu, khí đốt lên bán?

Chúng tôi mang những câu hỏi này khi đến tham quan Bảo tàng quốc gia Qatar ở thủ đô Doha. Đây có lẽ là một trong những bảo tàng lớn, hiện đại và đẹp nhất thế giới, được ví như "bông hồng sa mạc" và tái hiện lịch sử đất nước từ khi chưa có bước chân người đến lịch sử hiện đại thông qua cổ vật, tranh ảnh, tương tác 3D... 

Xuất phát điểm từ nghề mò ngọc trai và đánh cá, người Qatar từng trải qua nghèo khổ, đói ăn ở những năm 1920. Cuối thập niên 1930, họ mới khai thác dầu và sau đó bùng nổ khai thác khí thiên nhiên. 

Nhiều thế hệ gia tộc Al-Thani lãnh đạo Qatar từ những năm 1900 đến nay đã biết chi tiền có được từ bán dầu, khí đốt cho việc cải tạo và hiện đại hóa đất nước, bao gồm xây trường học, bệnh viện, nhà máy, hạ tầng giao thông viễn thông...

Để tăng trưởng bền vững, người Qatar những năm gần đây nổi lên như một thế lực đầu tư tài chính đáng gờm của thế giới từ bất động sản ở London hay nắm quyền ở CLB bóng đá Paris Saint-Germain (Pháp)... 

Đây mới là bước căn cơ để Qatar giương cao ngọn cờ Tầm nhìn 2030 (Qatar National Vision 2030) và xa hơn nữa. Qatar trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao, với hàng trăm tòa nhà chọc trời ở khu đô thị tài chính West Bay lẫn giữ gìn rất tốt truyền thống bản địa với những khu chợ trăm năm như Souq Waqif hay làng văn hóa Katara ở Doha.

Cho đến lúc này, Qatar đã giải quyết mọi thử thách World Cup khá tốt bằng hầu bao rủng rỉnh, đặc trưng xã hội mở thu hút dân nhập cư sinh sống, làm ăn và cống hiến chung cho xã hội. Nhà nước Qatar tin rằng giải đấu sẽ để lại một di sản lâu dài về nhiều mặt từ cơ sở hạ tầng hiện đại, môi trường, phát triển dân sinh, du lịch, hàng không và tiếp tục tổ chức các sự kiện thể thao lớn (ví dụ Asian Cup 2023).

Những trận đấu bóng đá đỉnh cao toàn cầu sắp bắt đầu trên xứ sa mạc. Và những câu hỏi lớn về Qatar sẽ tiếp tục được trả lời...

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 1: Qatar, vì sao sa mạc nở hoa? - Ảnh 3.

Không khí World Cup sôi nổi đã tăng nhiệt ở khu phố cổ thủ đô Doha - Ảnh: TR.N.

"World Cup ở Qatar 2022 là một cơ hội lịch sử để truyền tải hình ảnh danh dự về bản sắc của chúng tôi với tư cách là người Ả Rập và người Hồi giáo, để cho cả thế giới thấy sự thật không bị bóp méo và định kiến. Chúng tôi không cảm thấy lo sợ mà tự hào về văn hóa và tôn giáo của mình. Chúng tôi chấp nhận sự khác biệt của người khác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau".

Bộ trưởng Bộ Phát triển xã hội và Gia đình Qatar Mariam bint Ali bin Nasser Al Misnad

Trận khai mạc World Cup Qatar - Ecuador trên sân vận động Al Bayt ở miền bắc Qatar (cách thủ đô Doha 50km) vào đêm 20-11 sẽ cho thấy đội tuyển chủ nhà có thể đi bao xa tại giải đấu mà quốc gia này đã mất 12 năm "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" để tổ chức.

Kỳ tới: Tuyển Qatar đi bao xa?

5 điều cấm kỵ với người hâm mộ khi đến Qatar xem World Cup 2022 5 điều cấm kỵ với người hâm mộ khi đến Qatar xem World Cup 2022

TTO - Khi du lịch đến Qatar để xem các trận đấu ở World Cup 2022, người hâm mộ cần phải cảnh giác 5 điều sau đây, tránh bị phạt tiền hoặc ngồi tù.

TRUNG NGHĨA (từ Doha, Qatar)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên