23/11/2022 09:10 GMT+7

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 5: Giấc mơ hái sao trên trời ở Qatar

TRUNG NGHĨA (từ Doha)
TRUNG NGHĨA (từ Doha)

TTO - Sau World Cup, ILO sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ, giới chủ và người lao động nhập cư để hỗ trợ điều chỉnh luật pháp, thông lệ của Qatar phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 5: Giấc mơ hái sao trên trời ở Qatar - Ảnh 1.

Người nhập cư sắm đồ thể thao cổ vũ World Cup ở Doha - Ảnh: TR.N.

Hàng nghìn lao động nhập cư đến từ Nam Á (Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Nepal), một số từ châu Phi được xem trực tiếp truyền hình qua màn ảnh lớn các trận cầu World Cup 2022 tại Fanzone ở Khu công nghiệp phía tây nam thủ đô Doha. Họ - vốn là lực lượng lao động xây dựng cơ sở hạ tầng World Cup trong nhiều năm qua - đã không bị lãng quên...

Qatari là thiểu số

Người dân chính gốc Qatar được gọi là Qatari và tất cả đều là người Ả Rập. Điều thú vị tiếng Ả Rập là ngôn ngữ chính thức của đất nước này nhưng tiếng Anh được sử dụng rộng rãi. 

Theo ghi nhận của chúng tôi trong những ngày ở Qatar, phần lớn người dân ở đây ai cũng nói được tiếng Anh, đặc biệt là trong buôn bán, làm ăn, dịch vụ... 

Điều này do Qatar từng là quốc gia do Anh bảo hộ (chính thức độc lập năm 1971), lại là đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc rất rõ ràng nên cần một ngôn ngữ chung mà ai cũng có thể hiểu được.

Người Qatari có quốc tịch Qatar chỉ chiếm khoảng 400.000 người (tức 1/7 dân số), còn lại đều là ngoại kiều và người nhập cư chủ yếu là công nhân lao động từ nước ngoài như Ấn Độ (đứng đầu với hơn 700.000 người), Pakistan (khoảng 400.000 người), Nepal, Philippines, Bangladesh... 

Hơn 99% dân số sống ở thành thị và mức tăng trưởng dân số quốc gia này chủ yếu là nhờ người nhập cư (năm 1950, Qatar chỉ có 25.000 người, sau 7 thập niên lên đến 2,9 triệu người).

Dù vậy, theo những người Việt sống lâu năm ở Qatar, việc được nhập quốc tịch là vô cùng khó khăn. 

"Trước đây có hai quy định chủ yếu trong hồ sơ là bạn phải sống ở Qatar 20 năm và thông thạo tiếng Ả Rập. Gần đây có chính sách dành cho trẻ em sinh ra trên đất Qatar, biết tiếng Ả Rập và sống ít nhất 10 năm có thể xin nhập tịch", anh Nguyễn Văn Long, trong Ban liên lạc Cộng đồng người Việt tại Qatar, cho biết.

Theo thăm dò của chúng tôi thì những người định cư lâu năm ở đây cũng không quá bận tâm chuyện được nhập tịch hay không bởi biết rõ nó như "hái sao trên trời". Chị Adriana Desouza gốc Brazil nói: "Không thành vấn đề gì, chúng tôi yêu thích việc sống lâu dài ở Qatar, miễn là có công ăn việc làm".

Buổi tối ngày 21-11, chúng tôi có dịp đến thăm ngôi nhà khá khang trang trong khu đô thị Sidra (tây bắc thủ đô Doha) của đôi vợ chồng nhập cư Norman Borlagdatan đến từ Philippines. Người vợ làm y tá tại Bệnh viện Hamad, còn chồng làm bảo dưỡng thiết bị y tế Bệnh viện Sidra. 

"Chúng tôi từng sống và làm việc ở UAE nhưng không thoải mái bằng khi sang Qatar làm việc kể từ 5 năm qua. Ở đây đỡ đắt đỏ hơn và dành dụm từ thu nhập tốt hơn", anh Norman nhận xét.

Khi "kafala" thay đổi

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 5: Giấc mơ hái sao trên trời ở Qatar - Ảnh 2.

Người nhập cư làm vệ sinh ở Qatar với không khí World Cup tràn ngập khắp nơi Ảnh TRUNG NGHĨA

Do là quốc gia đông đúc người nhập cư nên chính sách lao động ở Qatar là vấn đề hệ trọng. Các nhóm nhân quyền và những người chỉ trích quốc gia vùng Vịnh đăng cai tổ chức World Cup đã liên tục nêu mối lo ngại mức lương thấp, điều kiện sống tồi tàn và vấn đề an toàn của người lao động ở Qatar. 

Năm 2014, các tổ chức công đoàn quốc tế đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Lao động quốc tế của Liên Hiệp Quốc (ILO) chống lại Nhà nước Qatar với cáo buộc nước này không giải quyết các vi phạm về quyền lao động. 

Sau một thời gian đàm phán căng thẳng, Nhà nước Qatar và ILO đã thống nhất đưa ra chương trình hỗ trợ cải cách lao động lớn.

Người lao động ở Qatar trước đây muốn thay đổi công việc phải xin phép chủ rất "trần ai khoai củ" do đây là một trong những quy định rắc rối nhất của "hệ thống kafala" (giám sát lao động). Nhân viên quá lệ thuộc vào chủ đã tạo ra tình trạng bóc lột lao động. 

Sau những thay đổi kể từ năm 2020, giờ đây người lao động có thể thay đổi công việc sau thời gian thông báo. Hơn 350.000 đơn xin thay đổi công việc đã được chấp thuận trong hai năm sau khi luật mới được ban hành, mang lại kết quả tích cực cho toàn bộ nền kinh tế Qatar.

Người lao động nhập cư, bao gồm cả người giúp việc trong gia đình (160.000 người nhập cư, trong đó 60% là phụ nữ), cũng không còn phải có giấy đồng ý từ chủ thuê mới được xuất cảnh rời khỏi Qatar. 

Tháng 3-2021, Qatar trở thành quốc gia đầu tiên ở vùng Vịnh áp dụng mức lương tối thiểu không phân biệt đối xử cho tất cả người lao động, thuộc mọi quốc tịch, trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả giúp việc gia đình. 

Điều này dẫn đến việc 13% lực lượng lao động bình dân (280.000 người) có mức lương tăng lên ngưỡng tối thiểu mới hằng tháng là 1.000 riyal (7 triệu đồng) trở lên.

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 5: Giấc mơ hái sao trên trời ở Qatar - Ảnh 3.

Một gia đình nhập cư tại Doha - Ảnh: TR.N.

Vẫn phải cải thiện

Trong vài năm qua, Qatar thực hiện các bước cải thiện khả năng tiếp cận công lý của lao động nhập cư đơn cử như mở nền tảng trực tuyến cho người lao động gửi khiếu nại online. 

Số lượng khiếu nại của người lao động gửi tới Bộ Lao động Qatar đã tăng từ 11.000 đơn (năm 2021) lên 25.000 đơn (năm 2022). Một năm qua, 67% đơn khiếu nại được giải quyết sớm và hầu hết các trường hợp tòa án phân xử (84%) mang lại công bằng cho người khiếu nại.

Việc người lao động nhập cư đã có lương thấp lại còn phải trả phí "bôi trơn" để được tuyển dụng phổ biến trên toàn thế giới bất chấp luật pháp nhiều quốc gia cấm hoặc giới hạn phí tuyển dụng và các chi phí liên quan. 

Luật pháp Qatar quy định rằng người lao động không được trả phí tuyển dụng, nhưng một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu Khảo sát kinh tế và xã hội Qatar thực hiện cho thấy 54% người lao động nghèo đã phải lót tiền để đến được Qatar. 

Khoản phí tổn ban đầu này thường đặt người lao động rơi vào tình thế khó khăn, nợ "hụi chết" nên dễ bị bóc lột hoặc lạm dụng hơn. 

Kể từ năm 2019, chính phủ nước này thành lập thêm 14 cơ sở thị thực tại 6 quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka... để cung cấp thông tin chính xác cho người lao động và giảm rủi ro họ bị lừa dối trong hợp đồng tuyển dụng sang Qatar mưu sinh.

ILO cho rằng Qatar phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp tục áp dụng và thực thi đầy đủ các cải cách luật lao động nước này. Sau World Cup, ILO sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ, giới chủ và người lao động nhập cư để hỗ trợ điều chỉnh luật pháp, thông lệ của Qatar phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Đây mới chính là di sản lâu dài nhất từ World Cup tại nước chủ nhà Qatar, sau 28 ngày diễn ra giải đấu sẽ trôi qua rất nhanh.

Qatar là đại gia dầu khí với sản lượng khai thác có thể lên tới trên 600.000 thùng/ngày. Họ có mỏ khí tự nhiên lớn nhất thế giới North Dome và xuất khẩu ồ ạt từ năm 1995. Nhờ sản lượng khai thác ổn định (chiếm 70% nguồn thu quốc gia), Qatar vươn lên thành nước có thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao bậc nhất thế giới.

Qatar kỳ vọng có thể thu về 17 tỉ USD từ sự kiện đăng cai World Cup, biến thành cú hích kinh tế quốc gia, đặc biệt ở ngành xây dựng và du lịch.

Tờ Gulf Times dẫn nguồn FocusEconomics cho hay GDP của Qatar dự kiến sẽ đạt 216 tỉ USD và GDP bình quân đầu người 80.956 USD vào cuối năm 2022.

"Nhịn bia 3 tiếng thì có sao?" - Chủ tịch FIFA Gianni Infantino phát biểu bảo vệ cho quyết định giờ chót gây tranh cãi dữ dội từ chính quyền Qatar là tuyệt đối không bán thức uống có cồn ở sân vận động World Cup. Phái viên Tuổi Trẻ theo chân thổ địa đi mua bia rượu ở xứ này...

Kỳ tới: Muốn lai rai, coi chừng sai

Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 4: Nỗi lòng người nhập cư mùa World Cup Đi Qatar xem World Cup - Kỳ 4: Nỗi lòng người nhập cư mùa World Cup

TTO - Đến Qatar thật không dễ phân biệt bạn đang tiếp xúc với người bản xứ Qataris hay người nhập cư có thẻ cư trú được sống và làm việc ngắn hạn hoặc dài hạn ở nước này.

TRUNG NGHĨA (từ Doha)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên