Tác giả bài viết (thứ hai từ trái sang) và các công nhân nhập cư ở sân vận động Al Thumama - Ảnh: CTV
Thế nhưng nếu bạn chịu khó nói câu khẩu ngữ "Salaam-Alaikum" (lời chào hỏi thông dụng của người Ả Rập) rồi hỏi: "Anh/chị quê ở đâu?" hay "từ đâu đến?" sẽ nhận được những nụ cười tươi.
30.000 người có việc nhờ World Cup
Chị Adriana Desouza gốc Brazil, làm ở sân bay, đã định cư ở Qatar 15 năm. Ông Nishad bán shop lưu niệm ở ga metro từ Ấn Độ sang Qatar đã 10 năm. Vợ chồng bà Lindsay đi dạo ở sân vận động gốc Philippines. Ông Mohamad Hudaib rời quê hương Jordan từ năm 1967, đi làm phóng viên ở Pakistan rồi sang Qatar.
Cô nữ nhân viên bán vé ở Bảo tàng quốc gia Qatar đến từ Cameroon. Những người bảo vệ ở các siêu thị mua sắm, cơ quan, thư viện gốc Kenya hay Uganda... Đi đến đâu, chúng tôi cũng gặp người nhập cư làm đủ mọi ngành nghề và không khỏi bật thốt lên rằng "Qatar là một thế giới thu nhỏ!".
Những công nhân lao động đến từ các nước châu Á đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển thần kỳ của xã hội Qatar cũng như tổ chức World Cup. Những cao ốc tráng lệ, những cao tốc hiện đại, hệ thống tàu điện ngầm không người lái bóng loáng ở thủ đô Doha.
Nhiều khu khách sạn nghỉ dưỡng siêu sang, những công trình lấn biển nhân tạo, mỏ dầu - khí đốt và những tuyệt tác kiến trúc giao thoa giữa phong cách nhà cửa truyền thống Trung Đông lẫn thẩm mỹ sáng tạo phương Tây ở Qatar đều do bàn tay của các lao động nhập cư làm nên. Còn Nhà nước Qatar thì chỉ việc chỉ đạo, chi tiền, nghiệm thu và tận hưởng.
Qatar đã thuê hơn 30.000 công nhân nhập cư từ khắp nơi trên thế giới xây các sân vận động "năm sao" phục vụ World Cup 2022. Chính quyền nước này tuyên bố các công nhân "được đối xử với phẩm giá và sự tôn trọng tối đa, phúc lợi của họ là trọng tâm của di sản mà giải đấu World Cup để lại".
Công nhân nhập cư lao động phổ thông cũng hưởng 21 ngày phép + nghỉ 9 ngày lễ quốc gia mỗi năm (quản lý cấp trung được nghỉ phép 38 ngày). Họ nhận lương cơ bản từ 1.800 riyal đến 2.800 riyal/tháng (gần 20 triệu đồng VN). Cấp đốc công, quản lý, giám đốc bộ phận có thể từ 4.000 riyal/tháng (28 triệu đồng VN) trở lên.
Nhóm bốn nhân viên kỹ thuật IT đến từ Ấn Độ mà chúng tôi tình cờ quen tại sân vận động 974 ở Doha cũng rất thoải mái khi nói về việc làm của mình. "Cảm ơn World Cup đã cho chúng tôi cơ hội làm việc và có thu nhập" - anh Shiyas Vadakketho cười nói rồi cùng nhóm đồng nghiệp vào bên trong sân vận động để bắt đầu một ngày làm việc cho giải đấu bóng đá.
Thế nhưng tại sao lại có những phản ảnh gây dư luận ầm ĩ về tình trạng bóc lột lao động đối với người di cư làm công nhân bị ngược đãi, điều kiện sống, làm việc và an toàn thấp kém và thậm chí bị ép buộc?
"Mặc dù chính quyền đưa ra những quy định nghiêm ngặt về bảo hộ lao động và lương tối thiểu cho công nhân xây sân vận động và các công trình liên quan đến World Cup nhưng cũng có trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh" là những công ty làm ăn ẩu tả, trốn tránh trách nhiệm, ngược đãi, chậm lương, thiếu quan tâm đến đời sống công nhân họ", kỹ sư người Việt ở Qatar Nguyễn Văn Long nhìn nhận. N
hật báo Gulf Times đưa tin có 45 công ty cung ứng nguồn lao động do vi phạm đã bị Qatar rút giấy phép trong năm 2022.
Chủ quán người Ấn phục vụ thực khách là người lao động nhập cư - Ảnh: T.NG.
"Miễn gia đình tôi vui"
Tiếp xúc với nhóm công nhân Bangladesh và theo chân họ làm công việc thu dọn xà bần bên ngoài sân vận động Al Thumama ở Doha, chúng tôi thấy họ rất vui vẻ với người mới quen. Có vẻ những công việc cực nhọc nhất đã qua và giờ đây là những phần việc nhẹ nhàng hơn cho World Cup diễn ra tươm tất.
Nhưng đáng nhớ nhất vẫn là ấn tượng về Mohammad Wasib - công nhân xây dựng đến từ TP Multan (Pakistan). Nhờ World Cup, anh đã có cơ hội sang Qatar để tham gia xây dựng hai công trình sân vận động ở thủ đô Doha.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về đời sống lao động nhập cư, Wasib nhiệt tình đưa tôi đến khu vực dùng cơm trưa bình dân của các công nhân ở gần sân vận động 974. Tại đây, chúng tôi luôn nhận được những nụ cười hiền hòa và mến khách lạ của các công nhân cho dù họ đang phải vội vã ăn cơm trong quán rồi trở lại với công việc. Ngay cả ông chủ quán cơm người Ấn to tròn cũng rất vui vẻ với khách lạ.
Có lẽ vì cùng là người xa quê lập nghiệp nên các sắc dân dân nhập cư đến Qatar thường chăm chỉ làm việc, mưu sinh và hữu hảo với mọi người đồng cảnh ngộ xung quanh họ?
Khi ngồi nhâm nhi ly cà phê mang đi mà Wasib nhất mực mua để mời khách ("Bạn có thể mời lại tôi ở lần sau gặp lại" - anh nói để người đối diện đỡ áy náy), chúng tôi cảm thấy nao lòng khi nghe Wasib trút tâm sự về cuộc đời, về sự lựa chọn của anh khi rời quê hương yêu dấu đến Qatar kiếm sống.
Nơi đây không phải là miền đất hứa hoặc thiên đường cho số đông, nhưng không thể phủ nhận là nơi giúp bao người đủ mọi tầng lớp xã hội nhẫn nại mưu sinh với công việc thượng vàng hạ cám của họ.
Đồng thời, với những người con có hiếu như Wasib thì công việc ở Qatar với mức lương tháng 2.500 riyal đã giúp anh gửi tiền về cho cha mẹ ở Pakistan. Ánh mắt Wasib như ngấn nước khi nói: "Tôi không cần biết bản thân mình có vui hay không, miễn gia đình tôi ở quê nhà vui và hạnh phúc là được".
Tổ chức Lao động quốc tế của Liên Hiệp Quốc (ILO) trong một báo cáo mới công bố cho biết Qatar "đã đạt được tiến bộ trong cải cách lao động, song vẫn còn những thách thức trong quá trình thực hiện".
ILO ghi nhận những thay đổi đã cải thiện điều kiện sống và làm việc cho hàng trăm nghìn công nhân - ước tính chiếm 85% dân số Qatar - mặc dù cần có thêm những nỗ lực để đảm bảo rằng tất cả người lao động đều có thể hưởng lợi xứng đáng và bình đẳng nhờ chương trình "cải cách kafala".
Báo cáo của ILO cũng cho thấy ít nhất 50 công nhân đã thiệt mạng vào năm 2020 và hơn 500 người bị thương nặng.
Một bộ phận chuyên trách mới về An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp trong Bộ Lao động Qatar đang được thành lập, tập trung vào việc ngăn ngừa tai nạn lao động và tuân thủ luật pháp để bảo vệ người lao động (giảm sự phụ thuộc vào chủ, được xuất cảnh hồi hương thuận lợi, điều chỉnh mức lương tối thiểu, ngăn chặn tình trạng chậm trả lương, nền tảng trực tuyến cho người lao động khiếu nại, vấn đề bồi thường thích đáng trong trường hợp người lao động bị thương hay tai nạn nghề nghiệp...).
----------------
"Qatar giàu muốn gì chả được", "Qatar chả có gì ngoài tiền"... có thể là câu cửa miệng nói vui vừa... ghen tị. Thế nhưng đến Qatar, bạn sẽ thấy xứ sở nhỏ bé này không chỉ giàu về tiền của mà có những điều lý thú như người bản xứ là... thiểu số và chính sách cho dân lao động nhập cư là vấn đề hệ trọng.
Kỳ 5: Qatar "chả có gì ngoài tiền?!"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận