18/11/2018 09:46 GMT+7

Dạy tiếng Việt cho Tây - Kỳ 2: Những tình huống dở khóc dở cười

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - "Phát âm tiếng Việt cực khó nên hiểu nhầm dễ xảy ra và vô cùng khó tránh" - nhiều người nước ngoài học tiếng Việt đã thốt lên như vậy sau khi nếm trải những "tai nạn" chính mình gặp phải...

Dạy tiếng Việt cho Tây - Kỳ 2: Những tình huống dở khóc dở cười - Ảnh 1.

Các nữ sinh viên nước ngoài xinh đẹp đang học tiếng Việt tại Hà Nội - Ảnh: TÙNG VŨ

"Em bắt... công an"

Những năm 1980, ga Hàng Cỏ, Hà Nội không chỉ là nơi chứng kiến những cuộc chia ly và hội ngộ đầy xúc cảm của hành khách đi tàu. Đó còn là địa bàn hoạt động của "gái làng chơi". "Bắt khách" ở sân ga, rồi dẫn sang công viên Thống Nhất gần đó là xong một chuyến "tàu nhanh". Không ít sinh viên nước ngoài rất thông thạo, tìm hiểu kỹ lưỡng khu "đèn đỏ" này.

Một buổi sáng, khi GS Hoàng Trọng Phiến - trưởng khoa tiếng Việt Trường ĐH Tổng hợp - vừa đến trường đã thấy một sinh viên Mông Cổ chờ sẵn và xin được gặp. Vừa bước vào phòng, cậu sinh viên đã tỏ ra thành thật: "Tối qua, em bắt công an". Nghe vậy, GS Phiến tá hỏa: "Trời! Sao em lại bắt công an? Không chừng to chuyện, rắc rối...".

Phải đến khi cậu kể tường tận tối qua "trót dại", "dẫn bạn gái đi chơi" ở ga Hàng Cỏ bị công an đưa về đồn, vị chủ nhiệm khoa mới vỡ lẽ. GS Phiến giải thích tình huống ấy không thể nói "em bắt công an", mà đúng ra là "công an bắt em".

"Có sinh viên ra chợ Kim Liên thấy mọi người mua cà chua với giá rất rẻ, cô bán hàng lại "chua" thêm câu "rẻ thối ra". Vậy là khi về trường, nhìn thấy cô giáo mặc chiếc váy rất xinh liền nhanh nhảu vận dụng ngay: Cô mặc chiếc áo đẹp... thối!" - GS Phiến hóm hỉnh kể lại.

Rồi có nữ học viên người Anh rất thông minh vẫn được khen là nói hay, nói giỏi mà cũng có lần suýt "độn thổ" vì tiếng Việt. Ấy là khi cô gái này đến chơi nhà bạn trai người Việt nhưng bạn trai chưa về, chỉ có ông bố ngồi ở phòng khách. 

Đúng lúc này, cô có nhu cầu đi... WC. Tỏ ra thạo tiếng Việt, cô gái rành rọt hỏi: "Bác ơi, phòng đi đái ở đâu ạ?". Ông bố "ớ" ra một lúc mới chỉ cho cô gái kèm lời chỉ dẫn "Nhà vệ sinh! Nhà vệ sinh!".

Còn Justin Jay Jordens (Úc) - một trong hai sinh viên đầu tiên của khoa châu Á Đại học Quốc gia Australia sang học tập tại khoa tiếng Việt - lại nhớ mãi câu chuyện cô bạn đồng hương cùng đến từ xứ sở chuột túi thấy dưới sân ký túc xá có vài con bò gặm cỏ thì lạ lẫm và thích thú lắm. 

Đến khi cô giáo yêu cầu đặt câu với từ "trong", "ngoài", "trên", "dưới", thì cô gái xinh đẹp dù muốn nói "Ngoài sân, có nhiều con bò lắm" nhưng khi phát âm lại bật ra thành: "Ngoài sân, em có nhiều... bồ lắm".

Lý do chọn tiếng Việt để học - Video: Dương Liễu

Dạy tiếng Việt cho Tây - Kỳ 2: Những tình huống dở khóc dở cười - Ảnh 3.

Một tiết dạy tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Học... chửi bậy

Những năm 1990, Hakkan - sinh viên khoa tiếng Việt đến từ Thụy Điển - đã gây thương nhớ cho biết bao nữ sinh bởi vẻ điển trai của mình. Khi đó, Hakkan thường xuất hiện trong đoạn phim quảng cáo trên tivi cho thương hiệu tủ lạnh Electrolux. Anh đứng bên chiếc tủ lạnh đã cũ nhưng vẫn dùng "ngon lành" cùng dòng quảng cáo ấn tượng: "40 năm vẫn chạy tốt".

Dù nói tiếng Việt thuộc dạng "ngon lành" nhưng Hakkan cũng tự thừa nhận nhiều khi không hiểu người Việt nói gì vì nhiều người nói nhanh quá. Một hôm, Hakkan cùng thầy Hùng đang ngồi uống cà phê gần phố Mã Mây thì một thanh niên Việt đầu húi cua đi qua, nhìn thấy Hakkan liền tuôn một tràng: "Này, Hakkan. Đ* mẹ. Hôm qua, Hakkan hẹn ra uống rượu, Hakkan đ* ra, làm mất vui".

Hakkan nghe rất chăm chú nhưng không hiểu gì liền quay ra phân trần: "Thầy ơi, nó là bạn em. Nó bán nước chè ngoài quán kia thầy ạ. Nhưng nó nói gì em không hiểu. Hình như nó bảo hôm qua không uống rượu?".

Những từ này Hakkan không hiểu đúng là những từ sinh viên chưa được học trên giảng đường. Thầy đành phải giải thích trong tiếng Việt có một số từ không được hay lắm nên được xếp vào nhóm từ bậy. Nhưng trong một số trường hợp, với một số nhóm người, cách nói này lại được dùng với ý nghĩa rất thân mật, gần gũi.

Nghe thế, Hakkan thích quá, đề nghị: "Vậy thầy dạy em để em chửi nhau với chúng nó nhé. Khó mấy em cũng phải học. Chắc thằng này từ trước đến giờ hay nói từ bậy với em mà em không biết". Vậy là hai thầy trò rủ nhau về phòng riêng rồi đóng chặt cửa để dạy và học các câu vừa tục vừa bậy, các câu để chửi nhau.

Dạy tiếng Việt cho Tây - Kỳ 2: Những tình huống dở khóc dở cười - Ảnh 4.

Sinh viên quốc tế của khoa Việt Nam học giao lưu với đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: Khoa Việt Nam học cung cấp

Cà phê ... nhẹ?

Những thầy giáo có thâm niên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nhắc mãi về sự "hiểu lầm tai hại" đã từng xảy ra với những sinh viên Cuba sang Việt Nam học 50 năm trước.

Năm 1967, khi máy bay Mỹ leo thang ác liệt, các lưu học sinh nước ngoài được lệnh sơ tán khỏi Hà Nội. Điểm tập kết là một thôn nằm ở huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ. Trong 34 lưu học sinh khi đó có 10 người từ Cuba sang.

Bấy giờ, không chỉ dạy ngôn ngữ, mà việc phục vụ đời sống sinh hoạt cho lưu học sinh cũng đặc biệt được coi trọng. Sau mỗi tuần lại có buổi hỏi ý kiến góp ý để cải tiến bữa ăn. Nhiều tuần liền, nhóm sinh viên Cuba đều than "cà phê nhẹ quá". Nhân viên nhà bếp liền tăng độ đậm đặc lên dần. Đến một ngày sinh viên không chịu nổi phải la lên "đặc quá".

"Lúc bấy giờ mới vỡ lẽ: nặng - nhẹ, đặc - loãng là hai phạm trù khác hẳn nhau. Lúc đó ở ta chỉ có duy nhất một loại cà phê, trong khi ở Cuba thì có nhiều loại nặng - nhẹ khác nhau" - thầy Hồ Hải Thụy, người có mặt tại khoa từ những ngày đầu, nhớ lại.

Không dám nói từ "bưởi"

Có những sinh viên kêu tiếng Việt khó đến mức "nói một từ bình thường mà người nghe lại hiểu lầm thành từ rất bậy bạ chỉ cái bộ phận nhạy cảm của đàn ông".

"Tôi nín thở mỗi khi bạn cùng lớp học tiếng Việt nhắc đến "quả bưởi". Chính tôi cũng cố gắng nói cho đúng mà mỗi lần phát âm đều nghe tiếng cười rúc rích xung quanh. Đến nỗi có một thời gian đi chợ, muốn mua bưởi tôi chỉ có thể chỉ tay vào quả đó mà không dám cất lời" - một học viên nước ngoài thành thật kể về nỗi ám ảnh phát âm tiếng Việt.

____________________________________

Kỳ tới: Chuyện "Dâu tây" và "cô đĩ đẹp"

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên