Sáng 19-5, Câu lạc bộ Sài Gòn Xanh tổ chức thu gom rác trên các tuyến kênh thoát nước trên đường Tô Ngọc Vân, đường Linh Đông, phường Linh Đông, TP Thủ Đức (TP.HCM); ngoài ra còn tiến hành lắp đặt phao chắn rác.
Sài Gòn Xanh giải cứu kênh Sài Gòn
Cụ thể, Câu lạc bộ Sài Gòn Xanh sẽ tiến hành "giải cứu" hai tuyến kênh thoát nước trên đường Tô Ngọc Vân (đoạn giao với đường Linh Đông) và đường số 20, phường Linh Đông.
Hai tuyến kênh này đều là các tuyến kênh thoát nước nhân tạo nên thường xuyên dồn ứ rác, dòng nước kênh đen ngòm, ô nhiễm trầm trọng.
Dưới dòng kênh chứa đủ loại rác thải từ thùng, hộp xốp, bao ni lông, rau quả thối khiến dòng kênh hôi thối nồng nặc, nước kênh đen ngòm.
Đoạn kênh thoát nước trên đường Tô Ngọc Vân (đoạn giao với đường Linh Đông) sau khi thu gom rác sẽ được lắp đặt phao chắn rác.
Còn đoạn kênh thoát nước trên đường số 20 đã được lắp đặt phao từ trước sẽ ra quân tiến hành thu gom rác.
Kênh thoát nước trên đường Tô Ngọc Vân sẽ là điểm kênh thứ 6 được lắp đặt phao chắn rác, trước đó Sài Gòn Xanh đã lắp đặt phao chắn rác trên nhiều tuyến kênh TP Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh.
Lắp đặt phao chắn rác
Anh Nguyễn Lương Ngọc - trưởng Câu lạc bộ Sài Gòn Xanh - cho biết trong hơn 18 tháng hoạt động, nhóm đã vớt được 2.400 tấn rác, lắp đặt 5 phao chắn rác trên các tuyến kênh, đoạn kênh ngay ngã ba Linh Đông - Tô Ngọc Vân sáng 19-5 sẽ lắp đặt phao chắn rác thứ 6 trên địa bàn thành phố.
Về thiết kế của phao chắn rác, anh Ngọc cho biết phao chắn được thiết kế theo từng đoạn ngắn được kết nối lại với nhau, mỗi đoạn khoảng 0,5m. Điều kiện để lắp đặt phao chắn rác thì các kênh nước phải được lưu thông, kênh không quá hẹp.
Anh Ngọc cho biết mỗi lần lắp đặt phao chắn rác đều phối hợp thông qua ý kiến địa phương, UBND phường, tương tự quá trình lắp đặt phao chắn rác kênh trên đường Tô Ngọc Vân có sự phối hợp của Câu lạc bộ Sài Gòn Xanh cùng với UBND phường Linh Đông, TP Thủ Đức.
Cũng theo anh Ngọc, quá trình vớt rác, đặt phao chắn rác trên các tuyến kênh còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về thiết bị, máy móc, cần sự phối hợp của đông đảo tình nguyện viên.
Trung bình mỗi lần dọn kênh, rạch cần từ 50-100 người.
Chi phí lắp đặt phao chắn rác rất cao, trung bình dao động từ 3 - 30 triệu tùy độ rộng, sâu của kênh.
Đa số chi phí lắp đặt đều từ quỹ câu lạc bộ và tiền thiện nguyện của các nhà hảo tâm, hơn một năm qua câu lạc bộ đã kêu gọi được hơn 1 tỉ đồng tiền thiện nguyện để đóng góp trong việc thu gom, đặt phao chắn.
"Mục tiêu đến hết năm 2024, Câu lạc bộ Sài Gòn Xanh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan địa phương để tiến hành lắp đặt phao chắn rác trên 100 tuyến kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM, sau khi lắp đặt vẫn sẽ thường xuyên ra quân thu gom rác mỗi tháng một lần" - anh Ngọc chia sẻ.
“Biệt đội Sài Gòn Xanh” là ai?
“Biệt đội Sài Gòn Xanh” là tên gọi của một nhóm các bạn trẻ yêu môi trường, dọn dẹp rác thải trên kênh, mương bị ô nhiễm. Thành lập vào tháng 12-2022, do trưởng nhóm Nguyễn Lương Ngọc (Shin) lấy cảm hứng từ nhóm Padawara của Indonesia cũng làm về chủ đề này.
Từ một nhóm nhỏ rất ít thành viên, nay nhóm đã phát triển thành quy mô câu lạc bộ với thành viên trên 30 người là các thanh niên, sinh viên, học sinh yêu thích bảo vệ môi trường.
Hành động của “biệt đội” đặc biệt này đã lan tỏa thông điệp tích cực đến mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường để biến Sài Gòn thành đô thị xanh.
Trước đó “biệt đội Sài Gòn Xanh” đã đạt được nhiều giải thưởng như Z-project 2023 tại Wechoice Awards 2023, bằng khen tặng của Thành Đoàn TP.HCM về việc lan tỏa năng lượng tích cực trong bảo vệ kênh, rạch TP.HCM.
Hình ảnh vớt rác, đặt phao chắn rác sáng 19-5:
Hơn 30 bạn trẻ ra quân vớt rác trước khi đặt phao chắn rác tại kênh trên đường Tô Ngọc Vân, với đủ các loại rác thải trôi về phải mất hơn 1 tiếng mới có thể dọn sạch - Ảnh: NGỌC QUÝ
Sau khoảng hơn 1 tiếng lắp ráp, một chiếc phao khoảng 4m được thả xuống kênh thoát nước Tô Ngọc Vân - Ảnh: NGỌC QUÝ
Phao chắn rác được lắp đặt từ đầu năm nay tại điểm kênh thoát nước trên đường số 20, phường Linh Đông, TP Thủ Đức giúp việc thu gom rác dễ dàng hơn, kênh nước không bị tắc nghẽn - Ảnh: NGỌC QUÝ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận