14/02/2025 14:04 GMT+7

Đàm phán chấm dứt chiến tranh: Ukraine và châu Âu lo bị Mỹ bỏ bên lề

Ngày 13-2, các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp và Đức nhấn mạnh không được loại Ukraine và châu Âu khỏi bất kỳ cuộc đàm phán trong tương lai về số phận của Ukraine.

Đàm phán chấm dứt chiến sự: Ukraine và châu Âu sẽ bị bỏ bên lề? - Ảnh 1.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte ra hiệu khi ông tổ chức họp báo trong cuộc họp của các bộ trưởng Quốc phòng NATO tại trụ sở liên minh quân sự này ở Brussels, Bỉ ngày 13-2 - Ảnh: REUTERS

Ông Yehor Cherniev, nghị sĩ Ukraine thuộc Đảng Đầy tớ Nhân dân của Tổng thống Volodymyr Zelensky, gần đây đã nói: "Tôi nghĩ chính quyền ông Trump hiểu rõ rằng nếu Ukraine dừng chiến đấu, cuộc chiến sẽ không dừng. Nhưng nếu Nga dừng lại, cuộc chiến sẽ kết thúc".

Vậy phải chăng chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ cần thuyết phục Nga dừng cuộc chiến, xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc? Không cần sự tham gia của Ukraine hay châu Âu trong các cuộc đàm phán?

Đàm phán về Ukraine mà không có Ukraine?

Thực tế từ trước cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, một mối lo ngại đã nổi lên tại Ukraine và châu Âu: Ông Trump có thể tìm cách loại Kiev và Brussels khỏi một số cuộc đàm phán và ép Ukraine phải nhượng bộ.

Sau cuộc điện đàm Trump - Putin và cuộc điện đàm Trump - Zelensky hôm 12-2, các đồng minh của Kiev tại châu Âu càng nhấn mạnh: Không được loại Ukraine và châu Âu khỏi bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.

"Không thể có chuyện đàm phán về Ukraine mà không có Ukraine tham gia. Tiếng nói của Ukraine phải là trọng tâm của bất kỳ cuộc đàm phán nào" - Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey nói trước báo giới tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Bỉ ngày 13-2, khi 32 bộ trưởng Quốc phòng của tổ chức này gặp nhau để thảo luận về vấn đề Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói: "Đối với tôi, rõ ràng là châu Âu phải tham gia vào các cuộc đàm phán và tôi nghĩ điều đó rất dễ hiểu, đặc biệt nếu châu Âu được cho là đóng vai trò trung tâm hoặc chính trong trật tự hòa bình". Ông nói thêm châu Âu "sẽ phải sống trực tiếp" với kết quả đàm phán.

Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố: "Ukraine và châu Âu phải là một phần của bất kỳ cuộc đàm phán nào".

Hiện nay các nhà lãnh đạo châu Âu đang đi trên một con đường đầy thách thức, tìm cách duy trì vai trò là đối tác tích cực trong việc tìm kiếm hòa bình ở Ukraine. Châu Âu đang cố gắng cho Mỹ thấy được rằng họ đang làm những gì ông Trump yêu cầu (như chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng) trong lúc họ tìm cách có được một chỗ ngồi trong bàn đàm phán cho chính họ và Ukraine.

Tất nhiên là có... Ukraine và châu Âu

Căn cứ vào các tuyên bố chính thức của phía Mỹ lúc này, giới quan sát cho rằng khi chính quyền ông Trump tổ chức các cuộc đàm phán với Nga về xung đột Nga - Ukraine, thì Ukraine và châu Âu sẽ không bị bỏ bên lề.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth liên tục nhấn mạnh rằng ông Trump cũng là một doanh nhân, một người chuyên thương lượng và do đó sẽ có thể buộc phải đưa ra một số giải pháp. Khi được hỏi tại cuộc họp báo ở Bỉ liệu ông có thể đảm bảo rằng Ukraine sẽ không bị loại khỏi các cuộc đàm phán và châu Âu sẽ được tham gia hay không, ông Hegseth nói: "Về cơ bản, đó không phải là quyết định của tôi".

Ông nói thêm bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ được tiến hành với "cả hai" ông Putin và ông Zelensky. Bộ trưởng Hegseth nhắc lại lập trường của Tổng thống Trump: Trong lúc các quốc gia châu Âu và các đồng minh NATO cần chi nhiều hơn cho quốc phòng, Nhà Trắng vẫn ủng hộ liên minh.

Ông Hegseth cho biết Mỹ sẽ tiếp tục gửi viện trợ quân sự cho Ukraine vốn đã được phân bổ dưới thời Tổng thống Joe Biden, nhưng ám chỉ rằng Tổng thống Trump sẽ sử dụng vấn đề viện trợ bổ sung như một công cụ đàm phán.

Trong cuộc điện đàm hôm 12-2, Tổng thống Trump thuật lại ông và Tổng thống Putin đã nhất trí "hợp tác rất chặt chẽ với nhau, gồm cả việc đến thăm đất nước của nhau" và "để các đội ngũ tương ứng của chúng tôi bắt đầu đàm phán ngay lập tức" về vấn đề Ukraine. 

Nhưng tuyên bố của ông sau đó giúp trấn an phần nào. Tại Nhà Trắng ngày 13-2, khi được một phóng viên hỏi liệu Ukraine có được ngồi vào bàn đàm phán của Mỹ với Nga hay không, ông Trump nói: "Tất nhiên là có. Ý tôi họ là một phần của việc đó. Sẽ có Ukraine, Nga và cũng sẽ có những người khác tham gia".

Một số quan chức tại châu Âu cho rằng nếu không có sự tham gia của Ukraine và châu Âu, thì sẽ "không có các cuộc đàm phán đáng tin cậy và thành công" và sẽ "không có hòa bình lâu dài".

Đàm phán chấm dứt chiến sự: Ukraine và châu Âu sẽ bị bỏ bên lề? - Ảnh 3.Người Ukraine sụp đổ niềm tin sau điện đàm Trump - Putin

Cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Putin đã thổi bùng lên sự giận dữ và cảm giác bị phản bội của người dân Ukraine, khiến họ lo sợ cho tương lai quê hương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên