![Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo châu Âu đừng biến 'Chú Sam' thành 'Chú Ngốc' - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/bo-truong-quoc-phong-my-17394970091351283535088.jpg)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ngày 13-2 - Ảnh: REUTERS
"Đừng phạm sai lầm, Tổng thống Trump sẽ không cho phép bất kỳ ai biến 'Chú Sam' thành 'Chú Ngốc'", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth phát biểu tại một cuộc họp báo ở trụ sở NATO (Bỉ) ngày 13-2.
"Chú Sam" (Uncle Sam) là một biệt danh cho nước Mỹ. Theo giai thoại, nó bắt nguồn từ một người tên Samuel Wilson chuyên cung cấp thịt bò đóng thùng cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Mỹ - Anh năm 1812.
Ông Wilson đã đóng lên các thùng thịt chữ "U.S.", vốn là viết tắt cho chữ "United States", nhưng những người lính đã gọi chệch thành Uncle Sam, từ đó biệt danh "Chú Sam" ra đời và được chấp nhận rộng rãi như một cách để chỉ Mỹ.
Trở lại câu chuyện ông Hegseth tại NATO, trong họp báo ngày 13-2, ông cũng nhấn mạnh châu Âu nên chịu trách nhiệm chính về quốc phòng trên lục địa châu Âu, thôi việc bắt Mỹ phải làm điều đó. Người đứng đầu Lầu Năm Góc bác bỏ ý kiến cho rằng ông đang làm suy yếu NATO hoặc an ninh châu Âu.
"NATO là một liên minh tốt, liên minh phòng thủ thành công nhất trong lịch sử, nhưng để tồn tại trong tương lai, các đối tác của chúng ta phải làm nhiều hơn nữa cho quốc phòng của châu Âu. Chúng ta phải làm cho NATO vĩ đại trở lại", ông nói.
Tổng thống Trump trước đó đã kêu gọi các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP, một con số theo nhiều nhà quan sát là sẽ khó đạt được trong thời gian ngắn.
Trước đó, dưới sức ép của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên và cuộc xung đột Nga - Ukraine, phần lớn quốc gia thành viên NATO đã dành hơn 2% GDP cho quốc phòng. Khối này đã theo đuổi mục tiêu 2% suốt nhiều năm, song chưa bao giờ tất cả các thành viên cùng đạt được.
Chuyến công du châu Âu đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth đã gây ra một làn sóng chỉ trích ở châu Âu, sau khi ông tuyên bố vào ngày 12-2 rằng việc biên giới Ukraine trở lại như trước năm 2014 là không thực tế.
Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, sau đó kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ khác kể từ tháng 2-2022.
Tổng thống Trump đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12-2, và yêu cầu các quan chức Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần ba năm.
Lời đề nghị của ông Trump với ông Putin, cùng những nhượng bộ tiềm năng đã gây ra sự báo động cho cả Ukraine và các đồng minh châu Âu trong NATO.
Theo Hãng tin Reuters, các nước này lo ngại Nhà Trắng có thể đạt được thỏa thuận với Nga mà không tính đến lợi ích và vai trò của họ.
"Chúng tôi, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, đơn giản là sẽ không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu không có chúng tôi", Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh ngày 13-2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận