NATO thảo luận về các phản ứng
Trong bài viết đăng ngày 7-2, báo Telegraph của Anh cho biết tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thảo luận về việc triển khai quân đến Greenland - vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, nhằm đáp trả đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sử dụng quân đội để chiếm hòn đảo này.
Các nguồn tin ngoại giao của tờ báo tiết lộ hàng chục đồng minh châu Âu, trong đó có Đức, được cho đã có các cuộc đàm phán không chính thức về "những gì quân đội NATO có thể làm" nếu tổng thống Mỹ thực hiện những lời đe dọa trước đó.
Đã có câu hỏi được đưa ra về việc có thể viện dẫn điều 5 về phòng thủ tập thể trong trường hợp Mỹ xâm lược một quốc gia thành viên NATO hay không.
Tuy nhiên, phương án này đã nhanh chóng bị loại trừ vì nó đòi hỏi sự đồng thuận của toàn bộ 32 quốc gia thành viên NATO, bao gồm cả Mỹ.
NATO mới chỉ một lần kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể theo điều 5, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ.
Thay vào đó, điều 4 - vốn cho phép một quốc gia thành viên khởi động các cuộc tham vấn khẩn cấp nếu toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh bị đe đọa - được coi là biện pháp khả thi hơn.
Một phương án khác đang được xem xét là sử dụng quân đội NATO để lấp vào các khoảng trống an ninh ở Bắc Cực, nhằm đáp ứng mối lo ngại của ông Trump.
Băng tan tại khu vực này đang mở ra các tuyến hàng hải mới và tạo điều kiện tiếp cận nguồn tài nguyên đất hiếm mà cả Nga và Trung Quốc đều đang tìm cách kiểm soát.
Châu Âu chia rẽ về cách đối phó với ông Trump
Các phát biểu của ông Trump đã khiến các nước châu Âu chia rẽ về cách làm sao để phản ứng mà không làm trầm trọng thêm căng thẳng xuyên Đại Tây Dương.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz, một trong những người chỉ trích mạnh mẽ ông Trump, nhấn mạnh "biên giới không thể bị thay đổi bằng vũ lực".
Song Thủ tướng Đan Mạch, bà Mette Frederiksen, kêu gọi các đồng minh không phản ứng với tổng thống Mỹ để tránh làm căng thẳng thêm tình hình hiện tại.
Bà hoan nghênh mối quan ngại về an ninh của Mỹ ở Bắc Cực và cam kết củng cố hiện diện quân sự của Copenhagen ở Greenland, nhưng nhấn mạnh hòn đảo này "không phải để bán".
Đan Mạch đã công bố kế hoạch chi 1,5 tỉ USD để tăng cường an ninh tại Greenland, bao gồm 2 tàu tuần tra, 2 máy bay không người lái và 2 đội tuần tra xe trượt tuyết. Nước này cũng đã cam kết nâng cấp một sân bay để cho phép tiêm kích F-35 hoạt động từ Greenland.
Thủ tướng Đan Mạch đã bắt đầu chuyến công du châu Âu, để bảo đảm sự ủng hộ của các quốc gia thành viên EU và các đồng minh NATO.
Pháp và Đức cũng đã công khai đề xuất việc gửi quân đội châu Âu tới Greeland, để hỗ trợ lực lượng Mỹ đồn trú tại đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận