09/04/2025 12:35 GMT+7

Cực Bắc có thể dịch chuyển hơn 27m vì biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu làm tan chảy các tảng băng và sông băng, khiến nước trên toàn cầu phân bổ lại và cuối cùng có thể khiến cực Bắc địa lý của Trái đất dịch chuyển.

cực - Ảnh 1.

Băng tan ở Bắc cực - Ảnh: AFP

Nghiên cứu mới phát hiện tình trạng tan băng nhanh chóng do biến đổi khí hậu có thể làm dịch chuyển vị trí các cực địa lý của Trái đất trong những năm tới, theo trang LiveScience ngày 9-4.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ) cho biết khi băng tan và khối lượng nước trong đại dương được phân bổ lại trên toàn cầu, cực Bắc địa lý và cực Nam địa lý của Trái đất có thể dịch chuyển tới 27m vào năm 2100 khi trục quay của hành tinh chúng ta thay đổi.

Khi Trái đất quay, những thay đổi trong phân bố khối lượng hành tinh khiến địa cầu của chúng ta "lắc lư" trên trục như một con quay. Nhiều sự "lắc lư" này diễn ra đều đặn và có thể dự đoán được. Một số trong đó là do những thay đổi trong áp suất khí quyển và các dòng chảy đại dương trong khi số khác là kết quả của sự tương tác giữa lõi và các lớp vỏ của Trái đất.

Nghiên cứu mới nhận thấy các tảng băng và sông băng tan chảy cũng có thể tác động đến sự phân bố khối lượng nói trên và làm dịch chuyển các cực Trái đất.

Nhóm nghiên cứu tại ETH Zurich đã xem xét chuyển động của các cực trong giai đoạn từ năm 1900 đến 2018 và các dự báo về sự tan băng để ước tính các cực có thể dịch chuyển bao xa dưới tác động từ các kịch bản biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Nhóm phát hiện theo kịch bản phát thải khí nhà kính xấu nhất, cực Bắc địa lý của Trái đất có thể dịch chuyển hơn 27m về phía tây vào năm 2100. Với kịch bản lạc quan hơn, cực này có thể di chuyển tới 12m so với vị trí trước đó vào năm 1900 của nó.

Nước tan chảy từ các tảng băng ở Greenland và Nam cực đóng vai trò lớn nhất trong các mô phỏng nói trên, tiếp đó là sự tan chảy của các sông băng.

Nói cách khác, đất ở bề mặt của lớp vỏ bị chìm xuống dưới sức nặng của các sông băng thời kỳ băng hà và trồi lên khi băng tan đã làm thay đổi sự phân bố khối lượng trong vỏ Trái đất và làm dịch chuyển các cực.

"Điều này có nghĩa là những hoạt động của con người đã làm dịch chuyển cực nhiều hơn tác động của thời kỳ băng hà", đồng tác giả nghiên cứu Mostafa Kiani Shahvandi, nhà khoa học Trái đất làm việc tại Đại học Vienna (Áo), cho biết.

Theo đó, sự thay đổi trục quay của Trái đất có thể gây gián đoạn việc định vị vệ tinh và tàu vũ trụ. Các nhà khoa học đã lập bản đồ vị trí tàu vũ trụ một phần dựa vào trục quay của Trái đất (như một tham chiếu). Nếu trục này thay đổi theo thời gian, việc xác định chính xác vị trí của tàu vũ trụ có thể gặp khó khăn hơn.

Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục kiểm tra dữ liệu khí hậu cổ đại để xác định mức độ các cực đã dịch chuyển trong hàng triệu năm trong các đợt biến đổi khí hậu tự nhiên trong quá khứ. Từ đó giúp họ hiểu hơn về quy mô thực sự của tác động của con người đối với sự dịch chuyển của các cực của Trái đất.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters.

Cực Bắc có thể dịch chuyển hơn 27m vào năm 2100 vì biến đổi khí hậu - Ảnh 2.Sông băng thế giới tan nhanh chưa từng có, một năm mất 270 tỉ tấn

Lượng băng mất đi trong một năm tương đương với lượng nước mà toàn bộ dân số thế giới tiêu thụ trong 30 năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên