![Nghiên cứu mới cảnh báo nguy cơ Trái Đất vượt giới hạn nhiệt độ - Ảnh 1. Lo lắng tìm cách giữ nhiệt độ bề mặt Trái đất dưới 1,5°C - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/bien-doi-khi-hau-thoa-thuan-paris-nhiet-do-trai-dat-17392675055451642209689.png)
Hình ảnh từ máy bay không người lái cho thấy sông Tapajos khô cạn đáy trong đợt hạn hán nghiêm trọng hồi tháng 10-2024, ở rừng quốc gia Tapajos, bang Para (Brazil) - Ảnh: REUTERS
Theo Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015, các quốc gia trên thế giới sẽ phải nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giữ cho nhiệt độ bề mặt Trái đất dưới 1,5°C. Đây được xem là mục tiêu quan trọng nhất của thỏa thuận lịch sử này.
Tuy nhiên, các nghiên cứu mới được công bố hôm 10-2 trên tạp chí Nature Climate Change đã kết luận rằng dường như thế giới đang thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, khi nhiệt độ Trái đất đang trên đà tăng vượt ngưỡng giới hạn 1,5°C của Thỏa thuận Paris về khí hậu trong hai thập kỷ tới.
Những phát hiện đáng lo
Nghiên cứu của ông Alex Cannon, nhà khoa học tại Cơ quan Môi trường và biến đổi khí hậu Canada (ECCC), phát hiện ra rằng có 60% đến 80% khả năng ngưỡng giới hạn Thỏa thuận Paris đặt ra đã bị vượt qua. Điều này là bởi 12 tháng liên tiếp vừa qua, nhiệt độ bề mặt đã luôn ở mức ít nhất 1,5°C, theo Đài CNN.
Báo cáo cho biết nếu thế giới trải qua 18 tháng liên tiếp ở mức nhiệt độ 1,5°C hoặc cao hơn thì "gần như chắc chắn" mục tiêu quan trọng nhất của Thỏa thuận Paris đã bị phá vỡ.
![Lo lắng tìm cách giữ nhiệt độ bề mặt Trái đất dưới 1,5°C - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/bien-doi-khi-hau-thoa-thuan-paris-nhiet-do-trai-dat-2-1739277664065180123291.png)
Một người phụ nữ mang nước đi qua hồ Puraquequara khô cạn đáy trong đợt hạn hán nghiêm trọng hồi tháng 10-2024, ở bang Amazonas (Brazil) - Ảnh: REUTERS
Một nghiên cứu khác do ông Emanuele Bevacqua, một nhà khoa học về khí hậu tại Trung tâm Helmholtz ở Đức dẫn đầu, phát hiện ra rằng nếu xu hướng ấm lên vẫn tiếp tục như hiện nay, gần như chắc chắn năm 2024 sẽ mở đầu cho giai đoạn 20 năm đầu tiên nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng đến giới hạn của Thỏa thuận Paris.
Nếu nhiệt độ Trái đất duy trì trên 1,5°C, khí hậu sẽ càng khắc nghiệt. Những hiện tượng cực đoan như hạn hán, lũ lụt và hỏa hoạn sẽ trở nên khốc liệt hơn khả năng thích nghi của con người và hệ sinh thái trên Trái đất.
Điều này có thể thấy rõ: trong ba tháng từ tháng 3-2024, các đợt sóng nhiệt đã khiến nhiều vùng ở Ấn Độ nóng kỷ lục, có nơi lên tới hơn 50°C. Hiện tượng khắc nghiệt đã khiến hơn 40.000 trường hợp bị say nắng và ít nhất 110 trường hợp tử vong, theo Hãng tin Reuters.
Cả hai bài báo đều nhấn mạnh rằng hành động nhanh chóng và mạnh mẽ về khí hậu vẫn có thể làm giảm khả năng phá vỡ các mục tiêu của Thỏa thuận Paris trong những thập kỷ tiếp theo.
Kịch bản xấu nhất
Tuy nhiên, bài nghiên cứu của nhà khoa học khí hậu James Hansen cho biết việc nhiệt độ bề mặt Trái đất đã vượt qua ngưỡng 1,5°C là điều không thể đảo ngược, theo CNN.
Ông chỉ ra sự mất cân bằng giữa năng lượng đến từ Mặt trời và năng lượng thoát ra qua tỏa nhiệt ra không gian đã tăng gấp đôi. Điều này đồng nghĩa rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu không những không giảm đi mà còn đang tăng tốc.
Nghiên cứu của ông Hansen dự đoán thế giới sẽ vượt ngưỡng nhiệt độ 1,5°C trong thập kỷ này và vượt 2°C trước năm 2050.
![Lo lắng tìm cách giữ nhiệt độ bề mặt Trái đất dưới 1,5°C - Ảnh 3.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/11/bien-doi-khi-hau-thoa-thuan-paris-nhiet-do-trai-dat-3-1739278040599510034012.png)
Một người đàn ông đứng trên đống xác ô tô bị hư hỏng sau trận lũ lịch sử ở Valencia (Tây Ban Nha), tháng 10-2024 - Ảnh: REUTERS
Nếu mức nhiệt độ bề mặt Trái đất chạm ngưỡng 2°C, hàng triệu người sẽ gặp nguy hiểm và nguy cơ kích hoạt các điểm tới hạn của Trái đất, như tan băng và sự hủy diệt của các rạn san hô trên thế giới, tăng lên đáng kể. Khi đó, hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ cực kỳ thảm khốc.
Theo tập san khoa học Nature, các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu không hành động, vào cuối thế kỷ này, số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ nói chung vào cuối thế kỷ này có thể tăng gần 50% - khoảng 2,3 triệu người - chỉ tính riêng ở châu Âu.
“Chúng ta cần tăng gấp đôi nỗ lực để tránh ngưỡng 2°C thậm chí còn nguy hiểm hơn bằng cách cắt giảm nhanh chóng và mạnh mẽ lượng khí thải nhà kính”, giáo sư khoa học khí hậu Richard Allen tại ĐH Reading (Anh) nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận