17/10/2018 10:52 GMT+7

Cử tri băn khoăn về tiêu cực thi cử, độc quyền sách giáo khoa

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Giáo dục là một trong những lĩnh vực bị “điểm danh” nhiều nhất trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 17-10.

Cử tri băn khoăn về tiêu cực thi cử, độc quyền sách giáo khoa - Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn: Tiêu cực trong chấm thi tốt nghiệp THPT gây bức xúc trong dân - Ảnh: Quochoi.vn

Đề nghị công khai về sách giáo khoa

Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn thông báo: "Cử tri đánh giá cao việc triển khai chủ trương cải cách, đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng, Nhà nước, ghi nhận nỗ lực của Bộ Giáo dục và đào tạo trong việc tổ chức triển khai và những kết quả, thành tích đã đạt được".

Sau đó là phần "tuy nhiên" khá dài: "Cử tri và nhân dân phản ánh việc triển khai áp dụng chương trình Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục 1 đã gần 40 năm qua nhưng chưa có đánh giá đầy đủ và toàn diện; việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa còn bất cập dẫn đến tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học; phần lớn sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần gây lãng phí cho xã hội".

"Các sai phạm, tiêu cực trong khâu chấm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2018 - 2019 tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi và uy tín của ngành giáo dục, gây bức xúc trong nhân dân", ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Do đó, Mặt trận Tổ quốc "đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo có báo cáo tổng thể và công khai các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, tránh tình trạng 'độc quyền'; thực hiện rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong tổ chức thi và tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm".

Nhiều bức xúc trong quản lý đất đai, tài nguyên

Cũng theo báo cáo, cử tri tiếp tục phản ánh việc sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở một số địa phương không theo quy hoạch; vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác đá, cát, sỏi trái phép, không phép; việc đền bù, tái định cư khi thu hồi đất chưa công khai, minh bạch; giá bồi thường chưa phù hợp; còn một số sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai chưa được giải quyết thỏa đáng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện bức xúc, kéo dài.

Cử tri cũng lo về tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước và không khí tiếp tục xảy ra ở các khu công nghiệp, khu dân cư, nông thôn và đô thị, ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người dân. Việc nhập khẩu phế liệu chưa được kiểm soát chặt chẽ cũng là vấn đề được nêu trong báo cáo.

Đông đảo cử tri nông thôn quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, bền vững; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng; chủ động các phương án thích ứng với biến đổi khí hậu, kịp thời cảnh báo, phòng chống bão, lũ, sạt, lở, thực hiện trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống; thực hiện bố trí lại các khu dân cư ra khỏi vùng, khu vực có nhiều nguy cơ sạt, lở, lũ lụt.

Cử tri băn khoăn về tiêu cực thi cử, độc quyền sách giáo khoa - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu: Cứ nói đời sống nông dân cải thiện nhiều thì bà con không nghe đâu - Ảnh: Quochoi.vn

Phải dám nhìn thẳng vào mắt người dân

Thảo luận về báo cáo, chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết trong các cuộc tiếp xúc cử tri, bức xúc thường xuyên nhất của bà con vẫn là lĩnh vực nông nghiệp và chủ yếu là nói về khó khăn.

Theo ông Giàu, trong gần hai thập kỷ qua nền nông nghiệp Việt Nam đã phát triển nhanh, nhưng so với các lĩnh vực khác thì tụt hậu quá xa. Các tỉnh đã chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp có mức bình quân thu nhập đầu người cao như Bình Dương (138 triệu đồng/năm), Bắc Ninh (133 triệu), Vĩnh Phúc (129 triệu), trong khi hai vựa lúa An Giang, Đồng Tháp có mức thu nhập bình quân rất thấp (chỉ 34 triệu).

"Đầu tư thấp, chính sách chưa đủ mạnh nên tình trạng nó vậy. Mình cứ nói đời sống nông dân cải thiện nhiều thì bà con không nghe đâu, đời sống người ta khó khăn như vậy. Tôi đề nghị đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng nông thôn, nông nghiệp", ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, nghe bà con nói qua nói lại những vấn đề cũ, đại biểu Quốc hội phải dám nhìn vào mắt người dân và nhìn thẳng vào trái tim mình.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu

Dân không chịu nếu Quốc hội Dân không chịu nếu Quốc hội 'chỉ ca ngợi thành tích'

TTO - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh "nếu ra Quốc hội mà chỉ ca ngợi thành tích thì người dân không chịu", đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ báo cáo về những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên