20/11/2018 12:08 GMT+7

'Đại biểu không nên tranh luận với chất vấn của đại biểu khác'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói như vậy khi phóng viên nêu lại chuyện đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

Đại biểu không nên tranh luận với chất vấn của đại biểu khác - Ảnh 1.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6 của Quốc hội sáng 20-11 - Ảnh: LÊ KIÊN

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. 

* Báo Giao thông: Tại phiên chất vấn, việc tranh luận giữa đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Hữu Cầu khá gay gắt, sau đó Đảng ủy Công an trung ương đã có văn bản gửi đến Đảng đoàn Quốc hội. Xin hỏi là đến nay Đảng đoàn Quốc hội có ý kiến gì chưa?

- Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: Tại phiên chất vấn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn bộ trưởng Bộ Công an, nhưng đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tranh luận lại với đại biểu Nhưỡng. Tôi có theo dõi thì thấy số liệu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra chưa chính xác.

Đúng là Đảng ủy Công an trung ương có văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội về việc này. Vừa qua Ban Công tác đại biểu đã có trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu đã thông tin lại cho báo chí.

Nguyên tắc của chất vấn là đại biểu chất vấn bộ trưởng chứ không phải đại biểu chất vấn lẫn nhau. Lẽ ra các đại biểu chỉ tranh luận với nhau tại các phiên thảo luận chứ không phải tranh luận với nhau tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.

Chính vì vậy, khi đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị các đại biểu tranh luận với nhau bên ngoài phòng họp.

* Báo Thanh Niên: Nếu đánh giá mức độ thành công của Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) thì các ông cho bao nhiêu điểm? Sau khi bỏ điều luật về xử lý tài sản bất minh, luật này còn gì để khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước?

- Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường: Lần này Quốc hội sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật PCTN, đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỉ lệ tán thành cao. 

Thứ nhất là luật đã mở rộng phạm vi điều chinh phòng chống tham nhũng sang khu vực tư; có các quy định liên quan đến quà tặng; có nội dung mới như kiểm soát xung đột lợi ích…

Luật này cũng đưa ra chế định kiểm soát tài sản, thu nhập, quy định chặt chẽ, cụ thể hơn trước, đó là các quy định về cơ quan có trách nhiệm kiểm soát, xác minh, cơ sở xác minh tài sản, thu nhập.

Hiện nay chúng ta đang xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý theo hướng nếu phát hiện tài sản đó do phạm tội mà có thì sẽ bị điều tra, xử lý, sung công.

Không đưa quy định xử lý tài sản bất minh vào Luật phòng chống tham nhũng Không đưa quy định xử lý tài sản bất minh vào Luật phòng chống tham nhũng

TTO - Dù là chủ đề thảo luận sôi nổi trong suốt 3 kỳ họp đối với dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), quy định xử lý tài sản bất minh cuối cùng vẫn không được đưa vào luật.

* Báo Tuổi Trẻ Online: Thưa tổng thư ký, với tư cách đại biểu Quốc hội, ông có hài lòng về nội dung Luật PCTN (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua mà không có quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được nguồn gốc?

(Theo giải thích của ông Cường thì các biện pháp xử lý tài sản đối với tội phạm đã được pháp luật hình sự quy định, không cần đợi Luật PCTN. Nhưng dư luận trông đợi các biện pháp xử lý tài sản bất minh triệt để, không để quan chức trả lời như "bỡn cợt dư luận" là buôn chổi đót để xây biệt phủ, hay bán cây cảnh tiền tỉ để mua đồng hồ Rolex…)

- Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: Khi chúng ta thông qua Luật PCTN (sửa đổi), điều về xử lý tài sản bất minh vẫn quy định như luật hiện hành. Các phương án khác đưa ra thì khi thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội, không có phương án nào đạt quá bán.

Nguyên tắc của chúng ta là cái gì chắn chắn rồi, chín rồi thì đưa vào luật. Còn vấn đề chưa chín, chưa chắc chắn, ví dụ như biện pháp thu thuế hay đưa ra tòa để xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý khi thăm dò đại biểu đều không quá bán thì chưa quy định vào luật.

Thăm dò như vậy cho thấy đại biểu Quốc hội còn rất băn khoăn. Chúng tôi thấy rằng cần có thời gian thực hiện cho chín thì mới đưa vào luật. Chứ cũng không phải là chưa đưa được quy định này vào luật thì chúng ta không hài lòng, bởi chúng ta đang thực hiện luật cũ rồi.

Luật này cũng có quy định biện pháp mạnh hơn, đó là đối với cán bộ, đảng viên kê khai mà xác định thiếu trung thực thì sẽ bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng, nhà nước. Ví dụ, nếu anh ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nếu bị phát hiện ra thì sẽ bị xóa tên. Như vậy là mạnh mẽ hơn trước đấy chứ.

* Báo Tuổi Trẻ Online: Đến nay, có lẽ Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn với 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp). Theo ông, đã đến lúc sửa đổi quy định này cho phù hợp với thông lệ quốc tế chưa?

- Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: Đây là chúng ta lấy phiếu tín nhiệm chứ không phải là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ở nước ngoài là họ bỏ phiếu bất tín nhiệm nên mới có hai mức.

Chúng ta quy định thông qua lấy phiếu tín nhiệm, với những người mà quá nửa ĐBQH tín nhiệm thấp thì có thể từ chức; còn nếu có từ 2/3 trên tổng số ĐBQH tín nhiệm thấp thì đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm, khi đó phiếu mới có hai mức.

Quốc hội bế mạc một kỳ họp nhiều nội dung quan trọng Quốc hội bế mạc một kỳ họp nhiều nội dung quan trọng

TTO - Phát biểu bế mạc sáng nay 20-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng kỳ họp thứ 6 đã diễn ra trong không khí dân chủ, trách nhiệm.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên