16/10/2018 16:22 GMT+7

Quốc hội sẽ bầu tân Chủ tịch nước ngày 23-10

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Dự kiến Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp thứ 6 và tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức ngày 23-10, một ngày sau phiên khai mạc.

Quốc hội sẽ bầu tân Chủ tịch nước ngày 23-10 - Ảnh 1.

Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội Hà Nội, để Quốc hội xem xét bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp thứ 6 - Ảnh: N.TH

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16-10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp thứ 6 dự kiến làm việc 24 ngày chính thức. "Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền", ông Hạnh Phúc nói.

Một nội dung đáng chú ý vừa được bổ sung vào chương trình làm việc của kỳ họp tới là việc xem xét, thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dự kiến nghị quyết này và các văn kiện liên quan sẽ được thông qua trước ngày 13-11.

Chính phủ cũng vừa đề nghị bổ sung các báo cáo về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội: tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) giai đoạn 1, tuyến Cát Linh - Hà Đông; và đường sắt đô thị TP.HCM: tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Sau đó, Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao về việc thực hiện các nghị quyết sau chất vấn của Quốc hội, những lời hứa của người trả lời chất vấn kể từ đầu nhiệm kỳ.

Về công tác lập pháp, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua các dự án: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Kỳ họp này là kỳ họp cuối năm, Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng, đề nghị các đại biểu nêu gương, từ chối các cuộc tiệc tùng, gặp gỡ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Đại biểu xua tay với phóng viên là hình ảnh khó coi

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị sau các phiên Quốc hội họp riêng phải có thông cáo báo chí về nội dung cuộc làm việc, đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Chính phủ tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ: "Thực tế cho thấy chỉ có một số ít đại biểu Quốc hội chịu khó gặp gỡ, trả lời phỏng vấn báo chí, còn lại không ít đại biểu cứ xua tay khi phóng viên đề nghị trả lời gây hình ảnh rất khó coi".

"Mình cũng cần đặt mình vào vị trí của các phóng viên tác nghiệp tại kỳ họp. Tôi đề nghị các thành viên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tích cực trao đổi thông tin, trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm chủ tịch nước Giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm chủ tịch nước

TTO - Ngày 3-10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm chủ tịch nước.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên