14/08/2018 10:46 GMT+7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng vị thế mới của Việt Nam

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Tổng bí thư khẳng định công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua đạt nhiều kết quả quan trọng và là điểm sáng trong toàn bộ thành tựu chung của đất nước. Ngành ngoại giao cần đổi mới tư duy đối ngoại, xây dựng vị thế và tâm thế mới của VN.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng vị thế mới của Việt Nam - Ảnh 1.

Các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cùng hơn 500 đại biểu tham dự Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 ở Hà Nội sáng 13-8 - Ảnh: TRÍ DŨNG

Sáng 13-8, Hội nghị ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề "Ngoại giao Việt Nam: Chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII" khai mạc với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, cùng với 500 đại biểu, trong đó có 100 người là trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài.

Hội nghị lần này tập trung thảo luận, đánh giá tình hình thế giới trong 2 năm qua, nhằm đề xuất phương hướng xử lý những vấn đề đối ngoại nổi lên hiện nay và định hướng công tác đối ngoại trong 3 năm tới.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua đạt nhiều kết quả quan trọng và là điểm sáng trong toàn bộ thành tựu chung của đất nước. Ngành ngoại giao cần đổi mới tư duy đối ngoại, xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam.

Nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia trên biển của chúng ta sẽ đứng trước một số thách thức mới. Đó là do sự biến động phức tạp của tình hình, sự thay đổi so sánh lực lượng, sự tính toán của các nước liên quan, sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế

Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Thách thức về bảo vệ chủ quyền, hội nhập kinh tế

Trong bài phát biểu chỉ đạo dài 40 phút, Tổng bí thư đã nêu rõ các vấn đề đối ngoại có tác động lớn đến môi trường an ninh và phát triển của đất nước.

Tổng bí thư cho rằng môi trường chính trị, an ninh kinh tế của khu vực và thế giới đang bất ổn, có các tác động nhanh mạnh, bất ngờ hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn rất quyết liệt.

Theo Tổng bí thư, chính trị cường quyền trở lại mạnh hơn, nhất là trong khu vực. Do đó, việc thực hiện nhiệm vụ bao trùm, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.

"Nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia trên biển của chúng ta sẽ đứng trước một số thách thức mới. Đó là do sự biến động phức tạp của tình hình, sự thay đổi so sánh lực lượng, sự tính toán của các nước liên quan, sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế" - Tổng bí thư nêu.

Tổng bí thư còn nhận định rằng các cơ chế kiểm soát bất đồng, khủng hoảng trong khu vực chưa phát huy hiệu lực hiệu quả. Các thể chế đa phương khó đạt được lập trường chung đủ mạnh.

Bên cạnh đó, kinh tế đối ngoại sẽ tiếp tục gặp những thách thức mới. Chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn đã xảy ra.

Vai trò của thể chế đa phương lớn như WTO và APEC đang bị đe dọa. "Hiện nay vai trò của các thể chế đa phương đang có xu hướng giảm đi trước lối hành xử chính trị cường quyền coi trọng song phương" - Tổng bí thư chỉ ra.

Trước đó, trong phần báo cáo tham luận tại hội nghị về đối ngoại quốc phòng, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - thứ trưởng Bộ Quốc phòng - cũng chỉ ra các xu hướng bất ổn đang hiện hữu trong khu vực và thế giới. 

Chẳng hạn như chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thực dụng, coi trọng lợi ích riêng, bất chấp lợi ích chung đang có chiều hướng lan rộng hơn.

Các nước lớn đang có cạnh tranh chiến lược gay gắt, sẵn sàng mặc cả trên lưng các nước khác, mà nạn nhân không ai khác chính là các nước nhỏ.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng vị thế mới của Việt Nam - Ảnh 3.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị ngoại giao - Ảnh: TRÍ DŨNG

Còn nhiều việc phải làm

Tuy có nhiều thách thức nhưng Tổng bí thư cho rằng nhìn chung, các xu hướng lớn trong cục diện thế giới cơ bản có lợi cho Việt Nam. Dư địa để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ đối ngoại nói chung và các nước quan trọng nói riêng đang tăng lên. 

Do đó, tuy tình hình thế giới biến động khó lường nhưng không vì thế mà giảm chủ trương hội nhập quốc tế và đẩy mạnh công tác đối ngoại.

Tổng bí thư nhận xét công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua đã giúp duy trì củng cố môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế, xử lý các vấn đề biên giới - lãnh thổ, đưa các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam đi vào chiều sâu, hiệu quả và thúc đẩy công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa...

Tuy nhiên, Tổng bí thư nhấn mạnh ngành ngoại giao nói riêng và đối ngoại nói chung tuyệt nhiên không được tự mãn với những kết quả đã đạt được vì còn nhiều việc phải làm phía trước.

Tổng bí thư yêu cầu ngành ngoại giao cần kiểm điểm kỹ, rút kinh nghiệm và đánh giá những hạn chế để khắc phục như tình trạng triển khai chậm các cam kết quốc tế, công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương có lúc còn thiếu chặt chẽ, công tác nghiên cứu chiến lược cần được tăng cường...

Ngoài ra, Tổng bí thư còn đặt ra một số câu hỏi quan trọng nhằm gợi mở để hội nghị thảo luận. Ví dụ, "Trong quan hệ với các nước đối tác quan trọng, nhất là các nước lớn, có những điểm nghẽn nào cần tháo gỡ hoặc khâu đột phá nào cần mở ra?", "Trong một số tình huống, đã thật sự chủ động chưa và có bị gặp bất ngờ nào không?"...

8 yêu cầu lớn cho ngành ngoại giao

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra 8 yêu cầu lớn đối với ngành ngoại giao trong thời gian tới, cụ thể:

1 Đổi mới tư duy đối ngoại, xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam.

2 Tiếp tục quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.

3 Phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình các cơ chế đa phương.

4 Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là kinh tế đối ngoại và an ninh - quốc phòng, đưa quan hệ các nước láng giềng và nước lớn đi vào chiều sâu, hiệu quả.

5 Tiếp tục triển khai có hiệu quả hội nhập quốc tế.

6 Coi trọng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược.

7 Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa bộ, ban, ngành, địa phương; nhất là Bộ Ngoại giao và quốc phòng, an ninh trong công tác đối ngoại.

8 Đặc biệt chú trọng công tác xây dựng ngành, bao gồm sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

* Đại sứ Việt Nam tại Philippines LÝ QUỐC TUẤN:

Mỗi người phải tự ý thức nâng cao chuyên môn

Với tư cách cá nhân, tôi cảm thấy rất vui vì có sự quan tâm và chỉ đạo rất sát sao của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tám yêu cầu lớn trong phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư cũng chính là kim chỉ nam trong công tác đối ngoại trong thời gian tới với những định hướng lớn và cụ thể.

Trong tình hình thế giới biến đổi rất nhanh và khó lường hiện nay đặt ra yêu cầu cho các cán bộ ngoại giao phải nâng cao năng lực, sáng tạo, chủ động hơn nữa để phục vụ các mục tiêu trong tình hình mới.

Tôi cho rằng từng người trong từng vị trí của mình phải có nghiên cứu sâu, đáp ứng các công tác đối ngoại.

Ví dụ, các đại sứ phải hiểu rõ địa bàn của mình, quan hệ giữa hai nước, tiến hành các hoạt động xúc tiến để thúc đẩy quan hệ.

Chẳng hạn, Việt Nam và Philippines là quan hệ đối tác chiến lược. Để nội hàm quan hệ được thực chất, phải tìm ra những điểm chung giữa quan hệ hai nước để giúp hai nước gắn kết và gần gũi với nhau.

Philippines và Việt Nam có khác biệt quan điểm trong vấn đề Biển Đông. Với vai trò là đại sứ, tôi sẽ cố gắng tăng điểm đồng và giảm thiểu điểm khác biệt trong thời gian tới, nhằm phục vụ thiết thực quan hệ hai nước và vì lợi ích quốc gia của Việt Nam.

* Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ PHẠM QUANG VINH (giai đoạn 2014-2018):

Tăng cường nội lực để tránh rủi ro

Cục diện quan hệ quốc tế hiện nay đòi hỏi chúng ta phải ngày càng đào tạo nhiều hơn các cán bộ công tác đối ngoại, làm sao để triển khai công việc vừa sáng tạo, vừa chủ động và bản lĩnh để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trong sự bất ổn của tình hình chính trị, kinh tế và thế giới, bao gồm cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, để tránh rủi ro và bị ảnh hưởng, điều quan trọng nhất chúng ta cần làm là tăng cường nội lực, có những biện pháp ứng phó.

Điều quan trọng hơn, trong một thế giới ngày càng tương tác hội nhập như thế này, chúng ta cần kiên trì chủ trương hội nhập quốc tế, đây là chủ trương đổi mới và phát triển kinh tế.

Nếu chúng ta đang ở "tầm" ngày càng có vị trí lớn hơn trong khu vực và thế giới và quan hệ song trùng lợi ích với các nước nhiều hơn, thì việc đa dạng hóa thị trường, nguồn cung, cũng như các nguồn cung ứng về tài chính và kỹ thuật là cách tốt để ứng phó với những rủi ro về kinh tế toàn cầu, không chỉ từ các cuộc chiến tranh thương mại.

QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên