12/08/2022 14:29 GMT+7

Công chức nghỉ việc hàng loạt: 'Tôi cảm phục những người dám đi đến cùng với nghề'

NHIÊN KỲ (TP.HCM)
NHIÊN KỲ (TP.HCM)

TTO - "Trong từng ấy năm, tôi chạnh lòng vì con cháu trong nhà lẫn học trò, từ chối con đường làm thầy" - không than van hay trách cứ gì ai, trên đây là những dòng cảm xúc của một nhà giáo trong thời buổi cơm áo gạo tiền khi năm học mới sắp bắt đầu.

Công chức nghỉ việc hàng loạt: Tôi cảm phục những người dám đi đến cùng với nghề - Ảnh 1.

Giáo viên Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM đón học sinh ngay tại cổng trường sau đại dịch COVID-19 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến của bạn đọc Nhiên Kỳ gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.

Những ý kiến chia sẻ gần đây về công chức nói chung và giáo viên nói riêng nghỉ việc là xác thực, khi mà lẽ ra nhiều năm nay tiếng nói của họ đã phải được lắng nghe!

Tôi đã rời nghề và chọn im lặng, bởi cảm thấy nếu có giãi bày cũng không có sự thấu hiểu nào! Tôi cảm phục những người dám đi đến cùng với nghề hoặc lý do nào đó chán nghề mà không dám bỏ!

Bản thân tôi vẫn tiếp tục với nghề, chỉ là không còn chính danh! Tôi không biết đó là may mắn hay cái nghiệp nó thế!

Đôi lúc cũng lăn tăn ý nghĩ trở lại, nhưng rồi nhiều lý do khiến tôi chùn bước! Tôi không hề tiếc bậc lương hay "sổ lương hưu", chỉ là chút chạnh lòng, cảm thấy mình sức chẳng theo lòng!

Còn ở trong nghề, xét riêng thu nhập, tôi biết mình vẫn sống được, công việc thuộc sở trường, ý thích, nhưng tôi vẫn chọn buông! Trong từng ấy năm, tôi chạnh lòng vì con cháu trong nhà lẫn học trò, từ chối con đường làm thầy!

Khi nói đến thu nhập của công việc đi dạy, tôi cảm thấy như một sự xúc phạm, rẻ rúng! 

Tôi nghe và đọc thấy suy nghĩ của nhiều người về chúng tôi, buồn, nhưng khó trách, vì suy cho cùng, họ cũng không ở trong ngành! Hôm nay, tôi tường tận thêm về đời sống của những y bác sĩ, chẳng có lời nào hơn ngoài hai chữ đồng cảm!

Chúng tôi vẫn đủ tự trọng, để không muốn nói đến thu nhập nữa, muốn gạt nó sang bên, để hoàn thành "chức phận" của mình. 

Chỉ mong sự thấu hiểu, rằng chúng tôi cũng cần có thời gian cho bản thân, gia đình của mình. Chỉ mong sự thấu hiểu, người thầy muốn thăng hoa trong mỗi giờ giảng thì phải có nguồn năng lượng tích cực, nó đến từ sự cân bằng, không phải từ sổ sách, những buổi họp, những "trăm voi đổ đầu tằm"... 

Tôi nhận ra sức lực tôi từng có lúc bị hút cạn vì những việc không thuộc về chuyên môn của mình! Tôi chọn tự mình trân trọng và vẫn đi tiếp với nghề theo cách riêng của mình. 

Năm học lại sắp sửa bắt đầu...

Theo bạn, ngoài nguyên nhân lương không đủ sống, chế độ ưu đãi không cao, còn lý do nào khác khiến hàng loạt cán bộ, viên chức nhà nước xin nghỉ việc hàng loạt?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Công chức nghỉ việc hàng loạt: Thầy thuốc và thầy giáo cứ phải Công chức nghỉ việc hàng loạt: Thầy thuốc và thầy giáo cứ phải 'an bần lạc đạo'?

TTO - Có hai ngành nghề luôn được xã hội ưu ái gọi bằng "thầy", đó là thầy thuốc và thầy giáo. Một nghề chữa lành những tổn thương và một nghề gieo hạt trồng người. Phải chăng vì khoác áo thanh cao nên hai vị thầy ấy cứ phải "an bần lạc đạo"?

NHIÊN KỲ (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên