28/10/2022 08:53 GMT+7

Tăng lương có giữ chân được cán bộ, công chức?

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Cán bộ, công chức, viên chức ồ ạt nghỉ việc và chuyển ra khu vực tư: do lương thấp, áp lực công việc nặng nề hay do những lý do khác? Chủ đề này được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ, tranh luận tại phiên thảo luận ở hội trường ngày 27-10.

Tăng lương có giữ chân được cán bộ, công chức? - Ảnh 1.

Cán bộ công chức hướng dẫn người dân làm thủ tục xây dựng tại UBND quận 3, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Từ năm 2020 đến tháng 6-2022 có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Các đại biểu cho rằng đây là một vấn đề đặt ra cho hoạt động quản trị của Chính phủ và cần nhìn nhận bản chất của thực trạng này.

Lương thấp, môi trường làm việc áp lực

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), việc chuyển dịch nhân lực công ra tư không chỉ do tiền lương mà là do áp lực công việc quá lớn. 

Từ đó, ông đề nghị Chính phủ trước hết là cải cách mạnh mẽ lề lối làm việc, phân cấp mạch lạc cho các cấp, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục áp lực công việc; bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết công việc, cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến, công bằng và minh bạch.

Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý. Quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt, trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc. Cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ dám làm, dám đột phá, vì lợi ích chung.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đồng tình nguyên nhân nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển việc do thu nhập thấp, áp lực công việc nhưng theo bà, còn có nguyên nhân từ môi trường công tác. 

Bà Thủy dẫn chứng hầu hết các bệnh viện công đều quá tải, ví dụ Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày có khoảng 9.000 người bệnh đến khám và có khoảng 4.000 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Mỗi ngày mỗi bác sĩ có thể khám vài chục, thậm chí cả trăm bệnh nhân cho nên rất áp lực. 

Khi chống dịch, nhân viên các trạm y tế xã, phường vất vả nhiều việc nhưng lương tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng.

Tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị y tế, thiếu thốn những điều kiện cần thiết để khám, chữa bệnh, môi trường làm việc cũng chưa thực sự tạo cơ hội để nhân viên y tế cống hiến hết mình cho nên cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của y, bác sĩ.

"Sẽ thật khó để gồng gánh, nuôi dưỡng những đam mê khi áp lực công việc thì rất cao nhưng thu nhập thì không đủ để trang trải những chi phí tối cần thiết của cuộc sống, ngoài ra còn phải đối diện với rất nhiều những áp lực khác trong môi trường công tác", bà Thủy nói và kiến nghị Chính phủ có những giải pháp để cải thiện môi trường làm việc của ngành y.

Tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt

Đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) đề xuất tăng lương cơ sở càng nhanh càng tốt. 

Bà Xương tha thiết mong Chính phủ nghiên cứu nâng mức lương phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 đến 70% tăng lên tất cả đều hưởng mức 100%. Xem xét nâng lương khởi điểm đối với bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định là sáu tháng, thay vì thực hiện từ 1-7-2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 1-1-2023. Đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa cho những người làm công ăn lương đã gần ba năm qua gồng mình chống chọi, nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch.

Dù vậy, ông Thái cũng cho rằng việc tăng lương không phải là giải pháp dài hơi để công chức, viên chức gắn bó với nghề ở khu vực công. Việc đẩy nhanh tiến độ cải cách chính sách tiền lương (lẽ ra làm từ năm 2021) mới thực sự là giải pháp căn cơ. 

"Mức tăng ấy trong điều kiện không thể cao hơn nữa ở thời điểm hiện tại cũng vẫn chưa thể đáp ứng đời sống của người làm công ăn lương. Điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản, cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng này", ông Thái nói.

Bộ Nội vụ nhận định thế nào?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn (chiếm 1,94%), nhưng tập trung ở hai lĩnh vực giáo dục, y tế là một thách thức cho sự nghiệp công.

Ngoài những nguyên nhân khách quan, bà Trà cũng thừa nhận về chủ quan, tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp hơn so với thu nhập cùng với trình độ làm việc ở khu vực tư. 

Áp lực công việc đối với công chức, viên chức ngày càng cao, nhất là viên chức y tế làm việc trong bối cảnh khó khăn, nguy hiểm của đại dịch COVID-19. 

Môi trường làm việc ở một số nơi có thể nói chưa tạo được động lực, cơ hội cho công chức, viên chức phát huy tốt năng lực sở trường. 

Quản trị trong khu vực công chưa có những thay đổi lớn, cơ bản vẫn theo lối quen, lề lối cũ. Trong khi đó, khu vực tư rất chú ý đến tiếp cận phương thức quản trị hiện đại, khích lệ người lao động làm việc, ghi nhận kịp thời giá trị đóng góp, cống hiến của người lao động.

Bà Trà cho biết giải pháp sắp tới Chính phủ sẽ cải cách chính sách tiền lương. Tiếp tục phải có hệ thống thể chế để cải cách lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời quan tâm, rà soát hệ thống thể chế để đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, chất lượng, hiệu quả hơn nữa.

Lao động ngành y dịch chuyển ở nhiều cấp

Nói về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay không chỉ riêng Việt Nam, sau giai đoạn kiểm soát dịch COVID-19, ở nhiều nước cũng đã xảy ra việc chuyển dịch làn sóng nguồn nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Qua đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới dự báo hệ thống y tế toàn cầu thiếu khoảng 15 triệu nhân lực trong năm năm 2022.

Theo bà Lan, hiện việc dịch chuyển diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến, từ cấp y tế cơ sở, trạm y tế đến các bệnh viện địa phương, trung ương. Trong đó có nhiều địa phương có số lao động lớn và nhiều bệnh viện lớn có sự dịch chuyển này.

Thời gian tới, Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi nghị định 56 về hỗ trợ phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bên cạnh đó là các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Riêng vấn đề tăng nhân lực y tế, bà Lan cho biết xin phép được báo cáo trong phiên trả lời chất vấn cùng bộ trưởng Bộ Nội vụ sắp tới.

Bộ Tài chính: tăng lương từ 1-1-2023 sẽ kéo theo tăng giá hàng hóa

HANH CHINH

Cán bộ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính - Ảnh: HỮU HẠNH

Giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị nên thực hiện tăng lương, Bộ Tài chính cho rằng trước nguy cơ lạm phát cao nên việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện một cách thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế - xã hội nói chung.

Vì vậy, Chính phủ tiếp tục tham mưu các cấp thẩm quyền chưa thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết 27 của trung ương trong năm 2023. Thay vào đó, đề xuất tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023.

Về thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2023 thay vì từ đầu năm, Bộ Tài chính cho hay do thời điểm đầu năm gần với Tết Dương lịch và âm lịch, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh. Nếu thực hiện vào thời điểm này sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát.

Về đề nghị xác định thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024, Bộ Tài chính cho hay do bối cảnh thế giới, trong nước đang chịu áp lực lạm phát lớn nên Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội lùi thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết 27 sau năm 2023.

Trường hợp các áp lực lạm phát giảm, không có biến động lớn về kinh tế - xã hội, Chính phủ sẽ khẩn trương trình các cấp thẩm quyền về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết 27.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay tăng lương là giải pháp quan trọng giải quyết đời sống và tâm lý cho giáo viên yên tâm công tác.

Thực tế hiện nay giáo viên thiếu và bỏ việc nhiều nhất là giáo viên mầm non, chiếm trên 40%.

Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non. Hiện nay phụ cấp này là 35%, vì vậy đề nghị tăng nhóm này tương tự phụ cấp ưu đãi y tế cấp cơ sở lên 100%, nếu không thì tăng tối thiểu lên 70% ngang mức ưu đãi cũ của y tế cấp cơ sở.

Ngoài ra, để có thể giảm được tỉ lệ thiếu giáo viên nên cân nhắc việc giảm biên chế 10% và số này nên cân nhắc việc tính vào tỉ lệ số giáo viên. Cạnh đó, đề nghị các địa phương tăng cường dùng ngân sách của địa phương để ký các hợp đồng đối với giáo viên không thuộc các chỉ tiêu biên chế do hiện nay đang thiếu một số các căn cứ pháp lý.

THÀNH CHUNG

Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân khó tăng lương cơ sở từ 1-1-2023 Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân khó tăng lương cơ sở từ 1-1-2023

TTO - Theo Bộ Tài chính, nếu thực hiện tăng lương cơ sở vào thời điểm 1-1-2023 sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên