15/11/2022 15:39 GMT+7

Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm, thất thoát, lãng phí

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, Chính phủ phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí với các dự án sử dụng vốn nhà nước.

Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm, thất thoát, lãng phí - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp chiều 15-11 - Ảnh: PHẠM THẮNG

Chiều 15-11, với 487 đại biểu Quốc hội có mặt đã tán thành thông qua nghị quyết đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó Quốc hội thống nhất đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực.

Tuy nhiên nghị quyết Quốc hội cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế như lập, thẩm định dự toán ngân sách nhà nước chưa sát thực tế.

Nợ đọng thuế, thất thu, chậm thu, thu không đúng, không đủ; vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra tương đối phổ biến.

Cạnh đó, hàng nghìn dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần, có thất thoát, lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Số vốn không sử dụng hết, hủy dự toán và chuyển nguồn hằng năm còn lớn và có xu hướng gia tăng.

Công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 rất chậm. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến.

Nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất kéo dài, nhưng chậm được khắc phục, xử lý. Diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án.

Công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc, chưa kịp thời tháo gỡ, dẫn đến chậm triển khai dự án không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, mà còn gây thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất.

Hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí rất lớn...

Về nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Quốc hội thống nhất từ năm 2023, phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ, Thủ tướng tập trung nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó yêu cầu năm 2023 phải làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật.

Hiện 79.670ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong báo cáo của đoàn giám sát.

Ngoài ra là 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ, 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc và 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong báo cáo của đoàn giám sát.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án đầu tư công, vốn nhà nước khác.

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất quy mô, tài liệu lên tới 200kg Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất quy mô, tài liệu lên tới 200kg

TTO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn chứng vừa qua cuộc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí rất quy mô và theo thông tin của tổng thư ký Quốc hội, tài liệu lên tới 200kg cùng hàng trăm báo cáo.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên