Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, năm học 2022-2023 sẽ bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông - Ảnh: VĨNH HÀ
Bài viết trên Tuổi Trẻ Online "Công chức nghỉ việc hàng loạt: Thầy thuốc và thầy giáo cứ phải ‘an bần lạc đạo’?", thu hút sự quan tâm của độc giả. Là nhà giáo, tôi có mấy chia sẻ với hệ quy chiếu là người trong cuộc.
Lương giáo viên thấp cỡ nào?
Bảng dưới đây, tôi tính chi tiết, với hiệu trưởng có 20 năm công tác, giáo viên mới ra trường, có thời gian công tác là 10 năm, 20 năm.
Bảng trên cho thấy lương giáo viên THPT trong thời gian tập sự 12 tháng (hưởng 85%), bình quân 1 ngày lương (1 tháng có 30 ngày) xấp xỉ 127.010 đồng, và giáo viên có 10 năm đứng lớp thì lương bình quân 1 ngày là 219.107 đồng.
Dịp 20-11, trường khéo lo thì từ 500.000 - 1 triệu đồng/giáo viên; thu nhập tăng thêm dịp cuối năm thêm được mấy triệu đồng nữa; những ngày lễ còn lại, "hoành tráng" lắm là cán đích 200.000 đồng/giáo viên.
Dạy thêm thì không phải giáo viên nào cũng dạy và không phải môn học nào học sinh cũng đi học. Học thêm nhộn nhịp ở trường gắn với vùng thuận lợi; trường xa tít, để trò đến lớp chính khóa có khi thầy cô lên rẫy "bắt" các em về học, lấy đâu ra trò mà dạy thêm!
Bố 17 năm làm sếp giáo dục...
Hôm rồi ngồi cà phê cùng anh bạn đã nghỉ hưu, sau một hồi "khoe" với tôi chiến lược nhà đất, anh chuyển chủ đề qua con cái. Cậu cả nhà anh, công việc nhà nước đàng hoàng, có cơ hội thăng tiến nhưng anh muốn con nghỉ việc.
Hiện anh giúp vốn cho vợ chồng cháu mở cửa hàng vật liệu xây dựng. Tôi hỏi: "Sao anh thích cháu nghỉ việc nhà nước?", anh nói: "Mình làm sếp giáo dục 17 năm, xây dựng trường lớp, không ai qua mình (số lượng)". Anh thật lòng, đại ý, "hết thảy" cũng không giá trị bằng 1/2 lô đất (trong nhiều lô đất của anh). Sếp giáo dục còn thế, huống chi giáo viên "tay trắng, phấn trắng" thì sao "bắt giặc"?
Gia đình du lịch hè, em làm tư nhân "bao tất"!
Cô học trò cũ, nay là cán bộ quản lý một trường THPT, kể tôi nghe chuyến du lịch hè của gia đình em. Tôi đùa: "Thế chị cả lo "đong đầy" chứ?", cô thật lòng: "Dạ, em của em chi hết thầy ạ!".
Nhà có 4 con gái, 1 là tiến sĩ, 1 là thạc sĩ đều dạy học; cô út cử nhân và "chạy ngoài" là khá nhất, gần như "chủ chi" mọi việc. Cô ấy còn nói với chị mình: "Nghỉ dạy đi, về đây, ngay hôm sau có việc tốt hơn". Tôi hỏi: "Ý em sao?", vẻ đắn đo, cô: "Dạ, em xem thế nào rồi thu xếp, thưa thầy".
Giáo viên luôn căng thẳng với... minh chứng
Nói không ngoa, cứ mỗi lần giáo dục đổi thay là y như rằng sau đó là những ngày dài giáo viên đánh vật với minh chứng. Lạ thật, có những minh chứng chẳng đâu vào đâu, và chẳng ai đọc, vậy mà vẫn làm khổ nhau.
Xếp loại chuẩn nghề nghiệp, đánh giá thi đua, kế hoạch đầu năm, kiểm điểm cuối năm... đến hẹn lại làm nặng thêm đôi vai giáo viên, họ chán ngán sinh đối phó, vô cảm khởi nguồn từ đây. Trong môi trường mà nền tảng vật chất và tác động tinh thần đều thiếu và trống thì mỗi ngày đến lớp, rồi sao đây?
Có diễn giả, cái này ư, dạy trước, sau đều được, chỉ mấy ý trọng tâm rồi học sinh hoạt động, hồ sơ có công văn hướng dẫn đổi mới rồi mà! Quả là ngồi phòng máy lạnh, chứ một bài soạn để lên lớp chủ động với mọi tình huống, nếu soạn thật - dạy thật - đánh giá thật, giáo viên phải mất từ 3 ngày đến 1 tuần.
Lao động nhà giáo âm thầm, miệt mài là thế đó. Còn hồ sơ, nếu chi li, xin thưa, giáo viên phải... 24/7!
Ai chở mùa hè của tôi đi đâu?
Từ 3 tháng hè trước đây, rồi 2 tháng, nay thực tế không ít giáo viên không trọn tháng hè. Ôn thi đến đầu tháng 7, coi thi, chấm thi, tuyển sinh vào lớp 10, chuẩn bị tựu trường, ôn tập và tổ chức kiểm tra lại... Giáo viên xoay tít khi hè về.
Tham quan hè, trường tổ chức, trường không, và tiền đâu mà cả nhà đi du lịch? Thôi thì, hè xoay xở dạy thêm, bán hàng online, môi giới đất đai... phụ sinh hoạt gia đình.
Ấy vậy mà, khung kế hoạch thời gian năm học luôn có câu "thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian hè, hoặc có thể bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm...", đố hiệu trưởng nào làm được cho tất cả giáo viên!
Hiệu trưởng loay hoay và những đứt gãy…
Làm hiệu trưởng không phải "ngự" trên ngai, họ như "trên đe, dưới búa". Ai cũng mong môi trường làm việc tích cực, dân chủ, đổi mới, sáng tạo - nhưng hiệu trưởng có đủ điều kiện cần và đủ để thực hiện không? Để duy trì hoạt động dạy - học, lắm lúc hiệu trưởng phải đánh đổi, những đứt gãy tạo khoảng "lạnh" giữa họ với giáo viên, suy cho cùng, vì đâu nên nỗi?
Giáo viên nghỉ việc tuy có nhưng ít, bởi chuyển đổi nghề nghiệp làm sao khi tốt nghiệp từ trường sư phạm?
Về dạy các trường ngoài công lập, không phải địa phương nào cũng có, thành phố tôi ở chỉ một trường tư thục với số học sinh còn khiêm tốn, sao ôm trọn?
Nhiều giáo viên, tôi biết, con em của họ không chọn theo nghiệp của ba mẹ mình. Đó phải chăng là cách mà giáo viên… chuyển đổi nghề nghiệp?
Thực trạng đó đáng lo lắm, chúng ta nói từ bao năm rồi, giờ là lúc phải hành động để thầy thuốc, thầy giáo giỏi nghề, tận tụy dưới "đèn không hắt bóng", với phấn trắng cùng bảng đen. Chứ "an bần lạc đạo" e rồi trên tivi cũng chẳng có!
Theo bạn, ngoài nguyên nhân lương không đủ sống, chế độ ưu đãi không cao, còn lý do nào khác khiến hàng loạt cán bộ, viên chức nhà nước xin nghỉ việc hàng loạt?
Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận