Bảng thông tin tại Phòng khám đa khoa Sài Gòn Gò Công, với tên của nhiều bác sĩ đến từ các bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: T.DƯƠNG
Như Tuổi Trẻ từng phản ánh, thời gian gần đây việc đội ngũ y bác sĩ rời bệnh viện công chuyển sang bệnh viên tư làm việc đã gióng lên hồi chuông báo động về việc chảy máu chất xám ở các cơ quan nhà nước.
Việc bốn bác sĩ Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) đã trốn việc ở bệnh viện trong một thời gian dài để xuống một phòng khám tư nhân ở Gò Công (Tiền Giang) làm việc, như giọt nước làm tràn ly, chứ không phải cá biệt.
Xem đây là thực trạng chung của ngành y tế Việt Nam, nhiều bạn đọc cho rằng vấn đề là lãnh đạo Bộ Y tế có muốn thay đổi hay không mà thôi, bởi thực tế từ trung ương đến địa phương, các bác sĩ giỏi đều có "chân trong chân ngoài".
Việc bốn bác sĩ ở Bệnh viện Thủ Đức bỏ ca trực trong giờ làm là sai, nhưng theo nhiều bạn đọc, thay vì trách thì nên tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
"Thay vì trách, thử hỏi đã trả thu thập, phúc lợi tương xứng với những bác sĩ chưa, những người hy sinh cho xã hội nhiều nhất, đặc biệt qua đợt dịch COVID-19. Báo Tuổi Trẻ nên làm thêm loạt bài công việc hằng ngày của một bác sĩ công không làm tư và lương, phúc lợi của họ và xem họ có thể sống bằng chính một công việc được không?" - bạn đọc Vinh Gia đề xuất.
"Nếu cảm thấy bệnh viện công không phù hợp, bác sĩ nên nghỉ ra bệnh viện tư, đừng chạy như thế, bệnh nhân nhiều khi chưa được khám kỹ. Công ra công, tư ra tư, đừng một chân hai việc".
Ý kiến bạn đọc Tran Tue
Hết sức cảm thông và chia sẻ, bạn đọc Minh tự giới thiệu mình cũng là người trong ngành, viết: "Có dạo tôi phải cày thêm như thế này, vì lương chỉ vừa đủ trả tiền nhà trọ, ngoài giờ hành chính thì chẳng có nơi nào thuê mình, giờ tôi nghỉ hẳn để ra tư làm, dễ thở hơn hẳn. Trách thì ít, mà thương thì nhiều".
Dù không là người cùng ngành, nhưng thông cảm với chế độ, lương ở các cơ quan nhà nước rất bèo bọt, bạn đọc Karama phân tích khá công tâm: "Cũng đáng trách và cũng đáng thương cho các bác sĩ này, nguyên do cũng vì lương quá thấp nên phải chạy ra ngoài kiếm thêm thu nhập".
Theo bạn đọc này, giá như lương đủ sống và đủ nuôi con ăn học, mua được nhà ở... thì không ai lặn lội, bon chen để kiếm thêm. "Tôi cũng là viên chức làm ở một trường đại học, vẫn phải làm thêm, thậm chí chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống" - bạn đọc nickname Karama bổ sung.
Nhìn nhận vấn đề ở góc độ những người dân không có điều kiện đến các bệnh viện lớn khám bệnh, nay có bác sĩ có chuyên môn đến các vùng sâu vùng xa khám, vừa tiết kiệm chi phí vừa đỡ tốn thời gian đi lại, một số bạn đọc cho rằng đây là việc đáng làm và nên phát huy.
Về ý này, bạn đọc Quyên viết: "Đọc bài này thật sự tôi thấy vui cho dân Tiền Giang vì được khám với bác sĩ giỏi ở thành phố mà không phải cực khổ lặn lội lên Sài Gòn".
Còn về chuyện các bác sĩ trốn việc công "chân trong chân ngoài", theo bạn đọc này cũng nên thông cảm bởi họ phải đi xa xuống tỉnh làm thêm cũng cực khổ lắm, và họ bỏ công sức ra làm việc để kiếm thêm thu nhập.
"Nếu họ có sai về quy định ngày giờ công thì sẽ có cấp trên xử lý. Mọi người đừng nặng lời với họ. Tội cho họ và tội cho những người bệnh ở tỉnh lẻ mỗi lần lên TP rất khó khăn, cực khổ" - bạn đọc đề nghị.
Bổ sung thêm về tiện ích của sự tăng cường này, bạn đọc nickname Võ Nhân viết: "Tôi đã đến đây khám bệnh, thấy phòng khám uy tín, chất lượng vì đã đưa những bác sĩ giỏi từ thành phố về đây khám cho người dân, tôi đỡ thời gian lên thành phố rất nhiều".
Bên cạnh các ý kiến chia sẻ và thông cảm, cũng có không ít ý kiến đề nghị phải xử lý kỷ luật để không còn cảnh lấy công làm tư hoặc ăn cắp thời giờ của Nhà nước.
Về ý này, bạn đọc Nguyễn Toàn viết: "Đây là việc cực kỳ nghiêm trọng trong công tác quản lý của Bệnh viện Thủ Đức. Đề nghị Sở Y tế cho thanh kiểm tra một loạt bệnh viện công khác, không để tình trạng này diễn ra".
"Cái này thì quá là sai rồi. Nếu bác sĩ nghỉ hẳn một nơi rồi làm thì không nói gì. Đằng này vào bệnh viện công làm hưởng danh tiếng rồi trong giờ làm việc bỏ bệnh nhân đi khám bệnh chỗ khác xa quá là xa! Bệnh nhân lỡ mà chuyển nặng thì sao? Sao bác sĩ có thể xem thường tính mạng bệnh nhân đến vậy? Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý" - bạn đọc nickname Tina bổ sung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận