30/09/2022 09:03 GMT+7

Vì sao bác sĩ K. nghỉ việc?

THANH HUYỀN - N.HÙNG
THANH HUYỀN - N.HÙNG

TTO - Cho rằng mình không tự ý 'nghỉ ngang', bác sĩ T.C.K. mong muốn Sở Y tế Cà Mau thu hồi văn bản đề nghị các cơ sở y tế không tiếp nhận mình.

Vì sao bác sĩ K. nghỉ việc? - Ảnh 1.

Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời, nơi bác sĩ T.C.K. vừa nghỉ việc - Ảnh: THANH HUYỀN

Chiều 29-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Dũng - giám đốc Sở Y tế Cà Mau - cho rằng bác sĩ T.C.K. tự ý nghỉ việc khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. 

Cũng theo ông Dũng, bác sĩ T.C.K. được UBND tỉnh Cà Mau cử đi học năm 2013, cam kết sau khi ra trường sẽ trở về địa phương phục vụ ít nhất năm năm. 

Sau khi tốt nghiệp, bác sĩ T.C.K. về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Trần Văn Thời được 3 năm 1 tháng thì nghỉ việc, chưa đủ thời gian phục vụ theo cam kết.

"Thời gian qua, có nhiều bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn Cà Mau nghỉ việc và được giải quyết theo nguyện vọng. Chúng tôi sẵn sàng cho nghỉ khi có lý do chính đáng. Sở dĩ chúng tôi ra công văn như vậy vì bác sĩ T.C.K. "nghỉ ngang". 

Đơn vị công tác mời về để giải quyết, tìm hiểu lý do nhưng bác sĩ T.C.K. vẫn không hợp tác, không phản hồi", ông Dũng giải thích thêm.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều cùng ngày, bác sĩ T.C.K. xác nhận việc mình đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi chưa đủ thời hạn phục vụ năm năm như cam kết lúc đăng ký ứng tuyển đào tạo theo địa chỉ.

Bác sĩ K. cho biết anh không được nhận hỗ trợ từ ngân sách mà phải bỏ tiền túi trả học phí. Anh phải vay tiền ngân hàng để đi học và đến nay vẫn còn nợ hơn 200 triệu đồng. 

Bác sĩ K. cho hay anh thuộc khóa sinh viên cử tuyển bị Sở Y tế chiếm dụng tiền học phí, không nộp cho trường khiến phải lao đao khi thi cử (vụ chiếm dụng này đã bị tòa án đưa ra xét xử năm 2020 - PV).

Theo bác sĩ K., lương của anh ở bệnh viện chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, gần đây bệnh viện cũng thường xuyên chậm lương nên ngày 1-8 đã gửi đơn xin nghỉ việc với lý do thu nhập không đủ sống. 

"Bản thân cũng ý thức và cố gắng đi làm thêm ở phòng mạch cách nơi làm việc hơn 30km để kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng vẫn không ổn. Hiện tại tôi còn một em nhỏ đang đi học phải ở với bà ngoại, cha tôi phải đi làm bảo vệ ở TP.HCM để kiếm tiền trả nợ ngân hàng cho tôi", bác sĩ K. nói.

Vì sao bác sĩ K. nghỉ việc? - Ảnh 2.

Quyết định của bênh viện chấm dứt hợp đồng lao động với bác sĩ K. từ ngày 1-10 - Ảnh: THANH HUYỀN

Bác sĩ Huỳnh Văn Tạo - giám đốc Bệnh viện huyện Trần Văn Thời - xác nhận bác sĩ K. không thuộc diện phải bồi thường kinh phí đào tạo vì tự trả học phí. 

"Bệnh viện nhận đơn của bác sĩ K. cũng có gọi em lên để thuyết phục em ở lại làm việc cho bệnh viện. Sau đó chúng tôi sẽ cử em K. đi học thêm rồi sau đó ở lại lâu dài với bệnh viện mà em K. không đồng ý", bác sĩ Tạo nói. 

Quá thời hạn báo trước 45 ngày, bác sĩ K. thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng và bệnh viện đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.

Bác sĩ K. cho biết xin nghỉ việc tại bệnh viện là chuyện chẳng đặng đừng. "Mặc dù ý thức được nghỉ việc không theo cam kết sẽ ảnh hưởng đến công việc sau này nhưng không ngờ bị ảnh hưởng lớn đến vậy. Tôi có làm đơn xin nghỉ nộp lãnh đạo và được Bệnh viện Trần Văn Thời giải quyết cho nghỉ tôi mới nghỉ chớ đâu có nghỉ ngang không thông báo", bác sĩ K. nói và mong muốn Sở Y tế Cà Mau thu hồi văn bản "chặn đường làm việc" của anh.

Ý kiến về văn bản của Sở Y tế Cà Mau

Bác sĩ N.N.Cường (hiện đang công tác tại tỉnh Phú Thọ) cho hay việc xử lý của Sở Y tế Cà Mau là "nặng tay". "Trong trường hợp này Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã có hình thức khá nặng tay với bác sĩ.

Đặc biệt, công văn Sở Y tế đề nghị tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc, trong và ngoài công lập không tiếp nhận tuyển dụng với bác sĩ. Như vậy, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đang vượt quyền khi đề nghị đến cả những cơ sở y tế ngoài tỉnh, trực thuộc Bộ Y tế", bác sĩ Cường nhận định.

Theo thông tin từ Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, trường hợp như ở Cà Mau nên căn cứ theo hợp đồng, ngay cả trường hợp địa phương không chi trả phí đào tạo thì việc bác sĩ được đi học phải có vai trò của địa phương (cử đi học). Vì vậy, bác sĩ học xong phải căn cứ thỏa thuận và cam kết hai bên để sắp xếp việc làm.

"Khi bác sĩ không thực hiện đúng thỏa thuận thì tỉnh phải có động thái", thông tin kể trên cho hay. Tuy nhiên, vị này không bình luận việc nên hay không nên phát công văn đi cả nước đề nghị không tiếp nhận bác sĩ như Cà Mau đã làm.

L.ANH - DƯƠNG LIỄU

Chuyện Sở Y tế Cà Mau đề nghị cơ sở y tế cả nước Chuyện Sở Y tế Cà Mau đề nghị cơ sở y tế cả nước 'cấm cửa' một bác sĩ không mới

TTO - Chuyện một bác sĩ ở Cà Mau đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn phục vụ 5 năm theo cam kết khiến Sở Y tế ra văn bản đề nghị cơ sở y tế cả nước "cấm cửa" không phải mới.

THANH HUYỀN - N.HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên