Toàn cảnh làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Sáng 30-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM có buổi khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) giai đoạn tháng 1-2020 đến tháng 6-2022 nhằm góp ý cho dự án Luật đấu thầu sửa đổi.
Chiều cùng ngày, đoàn tiếp tục khảo sát và làm việc cùng nội dung này tại Bệnh viện quận 11. Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội TP cũng có buổi khảo sát và làm việc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Không có nguồn thu tái đầu tư, có sản phẩm đấu thầu bốn lần không được
Mở đầu buổi làm việc, ông Tôn Văn Tài - trưởng đơn vị đấu thầu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết bệnh viện với quy mô 3.201 giường bệnh, là tuyến cao nhất tiếp nhận và điều trị người bệnh từ các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Hiện bệnh viện đang tự đảm bảo toàn bộ hoạt động chi thường xuyên theo nghị định 60. Trong 6 tháng đầu năm 2022, bệnh viện thu 3.134 tỉ đồng, thấp hơn 6 tháng đầu năm 2019 (3.244,9 tỉ đồng)
Về cơ chế tự chủ tại bệnh viện còn tồn tại nhiều hạn chế. Theo đó, cơ cấu dịch vụ khám chữa bệnh chỉ tính 4/7 cấu phần (theo quy định là 7 cấu phần), 3 cấu phần chưa được tính vào là khấu hao tài sản, chi phí hoạt động gián tiếp để vận hành bệnh viện, chi phí đào tạo bồi dưỡng chuyển giao công nghệ.
Với thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao thì chưa tính chi phí quản lý, hao hụt, chi phí bảo quản, chi phí lưu kho; giá còn cố định, không điều chỉnh theo giá trúng thầu hằng năm.
Với chi phí tiền lương, bệnh viện chỉ tính cho bộ phận trực tiếp trên mức tiền lương cơ bản và một số phụ cấp; chưa tính cho bộ phận gián tiếp, chưa tính phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại.
Về giá vật tư tiêu hao, trong quá trình xây dựng nhà thầu, thẩm định kế hoạch từng chọn giá thấp nhất, nhưng vẫn không đấu thầu được. "Có món đấu thầu 4 lần không được. Vậy chọn giá nào là giá hợp nhất?", ông Tài chia sẻ.
Với khấu hao tài sản cố định, ông Tài cho hay bệnh viện không có nguồn thu để tái đầu tư, trang bị mới máy móc thiết bị. Người bệnh không được tiếp cận với các thiết bị tiên tiến và hạ tầng cơ sở khang trang.
Với những khó khăn từng cấu phần trên, mức giá nhà nước quy định cho hoạt động thu chưa tính phần tích lũy; chi phí quản lý, giá trị hư hao quá trình lưu bảo quản vật tư, thiết bị là một trong những nguyên nhân khiến nguồn thu và chi của bệnh viện không được cân đối.
Ông Tôn Văn Tài - trưởng đơn vị đấu thầu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: CẨM NƯƠNG
Ảnh hưởng chất lượng điều trị người bệnh, sẽ đề xuất Quốc hội
Ông Tài cũng cho biết thêm, do các dịch vụ chưa được quy tương đương nên đã gây ảnh hưởng rất lớn, làm người bệnh không được thanh toán BHYT, cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kỹ thuật phải tự bù phần thiếu.
Để cân đối không vượt tổng mức thanh toán, cân đối chi phí điều trị cho người bệnh, các bác sĩ phải gánh thêm nhiều nhiệm vụ khác như: chọn thuốc trong và ngoài danh mục BHYT chi trả, kỹ thuật cao, thuốc thanh toán theo tỉ lệ... Tuy nhiên chính điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Thay mặt đoàn khảo sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, đồng thời chia sẻ với khó khăn của bệnh viện đang gặp phải trong thời gian qua.
“Bệnh viện càng lớn, lượng bệnh nhân đến nhiều thì sức ép trong đảm bảo chất lượng là điều rất khó khăn trong điều kiện trang thiết bị hạn chế, đội ngũ cũng có số lượng nhất định”, bà Tuyết chia sẻ.
Qua đó, bà Tuyết cho hay đoàn khảo sát sẽ có ý kiến đề xuất Quốc hội nghiên cứu ban hành luật về các đơn vị sự nghiệp, tạo hành lang pháp lý để làm cơ sở cho các văn bản khác dưới luật được ban hành điều chỉnh có căn cứ. Từ đó, cũng làm rõ hơn các quan điểm, định hướng của Nhà nước dành cho đơn vị sự nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận