Đấu thầu thuốc giá rẻ: Thiệt thòi cho dân, kéo lùi công nghiệp dược

THÙY DƯƠNG 07/08/2022 07:13 GMT+7

TTCT - Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đang diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đang diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước. Các địa phương, bệnh viện (BV) vẫn loay hoay, hoạt động điều trị của các BV vốn đã khó càng thêm khó. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trao đổi với phó giáo sư, dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, phó chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, về việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế.

Đấu thầu thuốc giá rẻ: Thiệt thòi cho dân, kéo lùi công nghiệp dược - Ảnh 1.

Bà Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: DUYÊN PHAN

Thưa bà, cũng vẫn hình thức đấu thầu như mọi năm, tại sao năm nay lại thiếu thuốc, trang thiết bị trầm trọng đến vậy?

- Do cơ chế đấu thầu thuốc có rất nhiều vấn đề nên tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị sớm muộn sẽ xảy ra. Hai năm xảy ra dịch bệnh COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, một số nhà máy trong nước và ngoài nước bị thiếu hụt nhân công, thiếu hụt nguồn nguyên liệu... 

Gần đây trong ngành y tế xảy ra nhiều vụ "bắt bớ" nên trong ngành có tâm lý dè dặt, sợ sai trong đấu thầu, sợ bị kỷ luật, xử lý hình sự...

Hiện nay, để cung ứng được thuốc thì chỉ có con đường đấu thầu. Nhưng theo tôi, đấu thầu mất nhiều thời gian, thường phải mất vài tháng cho một đợt. 

Và việc này cũng rất mất công sức, đặc biệt là công sức của những nhân viên y tế - những người được đào tạo để sử dụng thuốc chứ không phải được đào tạo để đi mua bán thuốc. Đấy là cái rất khó, chưa kể cách làm này còn gây thiệt hại cho chúng ta về thời gian, công sức, tiền bạc…

Theo cơ chế đấu thầu hiện nay, kết quả đấu thầu năm sau phải thấp hơn năm trước trong khi vật giá luôn leo thang. Với cơ chế đấu thầu như vậy liệu các loại thuốc có đảm bảo chất lượng?

- Riêng đối với mặt hàng thuốc, chất lượng phải là quan trọng nhất. Nhưng đối với cơ chế đấu thầu hiện nay chủ yếu vẫn là đấu giá. 

Dù cho chúng ta có phân ra các nhóm nhưng cuối cùng khi phân xong thì vẫn phải chọn thuốc nào rẻ nhất, kết quả là loại thuốc rẻ nhất trúng thầu. Loại thuốc rẻ nhất này được làm giá kế hoạch cho năm sau đó. 

Từ mức giá của kế hoạch này sẽ dự trù cho năm sau và cái giá trúng đầu của năm sau bắt buộc phải thấp hơn hoặc bằng giá kế hoạch đó, vì vượt là sai luật. Như vậy, theo lý thuyết giá đấu thầu thuốc sẽ từ từ giảm dần.

Giá kế hoạch đúng ra phải được xây dựng dựa trên giá của thị trường, CPI, lạm phát... Tôi đồng ý là bắt buộc phải có giá kế hoạch, nếu không có giá kế hoạch chúng ta không thể dự trù được gói thầu là bao nhiêu. 

Chưa kể, có những trường hợp các bên tham gia đấu thầu cùng bắt tay nhau nâng giá lên quá cao thì không ổn. Giá đấu thầu không thể xây dựng trên giá trúng thầu trước đó nhưng chúng ta vẫn làm như thế và bây giờ TP.HCM loay hoay bằng cách xin đấu thầu tập trung. 

Đấu thầu tập trung có thay đổi được gì khi tất cả luật đấy, quy tắc, quy trình không thay đổi, ngoài chuyện khi đấu thầu tập trung sẽ chỉ còn một mặt hàng và bảo hiểm sẽ rất dễ dàng trong việc thanh toán với một cái giá thống nhất trong toàn thành phố?

Nếu công ty cung cấp mặt hàng duy nhất này bị đứt hàng hoặc bị sự cố gì đó thì toàn bộ TP.HCM sẽ rơi vào khủng hoảng chứ không lấy cái này đắp cho cái kia được.

Mặt khác, bác sĩ kê thuốc cho bệnh nhân phải có nhiều lựa chọn vì trong điều trị mỗi người có một nhận thức và kinh nghiệm đối với các loại thuốc, nếu chỉ có một loại thuốc thì không thể đa dạng trị liệu.

Như vậy, giá thuốc đấu thầu ngày càng rẻ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân?

- Giá thuốc đấu thầu ngày càng rẻ thì quỹ bảo hiểm y tế có lợi nhất, không sợ vỡ quỹ nhưng lại thiệt thòi cho người dân khi mua bảo hiểm y tế nhưng không được chữa trị đúng mức. Giá thuốc rất rẻ như vậy còn kéo lùi cả hệ thống điều trị cũng như gây ra sự thụt lùi của ngành công nghiệp dược. 

Ngành công nghiệp dược hướng tới phát triển bền vững, hướng đến những sản phẩm chất lượng, xuất khẩu được nhưng cuối cùng bây giờ cái nào rẻ mạt thì bán trong nước, bán cho BV, bán cho người dân mình, còn mặt hàng nào tốt thì xuất khẩu.

Hiện nay có tâm lý lo ngại, sợ sai khi đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Theo bà, vì sao đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế lại dễ sai?

- Quy trình của đấu thầu rất phức tạp, rất dễ sai nhưng cũng không loại trừ là đôi khi cũng có cái bắt tay, phết phẩy, hoa hồng giữa các bộ phận thầu. Các BV rất e ngại đấu thầu. 

Thực ra, gom việc đấu thầu vào trung tâm mua sắm thì nhân sự cũng từ của các BV, nhưng thay vì các BV đấu thầu riêng lẻ thì mô hình này gom lại làm chung.

Đấu thầu là hạ sách. Lúc họp Quốc hội khóa 13, một số chuyên gia kinh tế đã tranh luận rất dữ về những dự án giao thông của Việt Nam mà Trung Quốc trúng thầu. Trung Quốc đã bỏ thầu rất rẻ nhưng trúng xong mới phát sinh đủ thứ, thi công ì ạch, như vụ trúng thầu đường sắt Cát Linh. Các chuyên gia đã nói giá như đừng đấu thầu mà làm cách khác thì có thể chúng ta đã lựa chọn được những nhà cung cấp có chất lượng tốt hơn.

Việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế gây khó khăn gì cho nhiều BV khi đã phải tự chủ hoàn toàn như hiện nay?

- Nên học các BV tư nhân, họ mua thuốc, mua máy móc có vấn đề gì đâu? Hệ thống BV công dùng đủ quy trình áp đặt nhưng cuối cùng kết quả đạt được như thế nào? Tôi thấy BV tự chủ được một thứ là Nhà nước không chi lương. 

Còn hai chuyện quan trọng nhất về tài chính và về tổ chức nhân sự, BV không hề được tự chủ. BV không được quyết định ai là giám đốc BV, không chọn được người tài. Không có cơ chế lương để có thể giữ chân người tài. Bất cứ thứ gì liên quan đến tài chính BV đều phải xin phép.

Đấu thầu thuốc giá rẻ: Thiệt thòi cho dân, kéo lùi công nghiệp dược - Ảnh 2.

Người dân mua thuốc có bảo hiểm y tế tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM. Ảnh: DUYÊN PHAN

BV có nguồn thu từ giữ xe, từ dịch vụ ăn uống..., kho bạc đều thu đầy đủ. BV cũng phải nộp 20% thuế doanh nghiệp đối với những hoạt động đó. Tất cả nguồn thu của BV trong khám chữa bệnh dịch vụ đều được đưa vào theo đúng quy định, từ quỹ phát triển sự nghiệp tới quỹ này, quỹ kia... Không phải BV cứ cộng vào muốn trả lương nhân viên cao như thế nào là trả đâu. BV mua bất cứ cái gì cũng phải theo quy định mà quy định thì không được cập nhật.

Đối với thuốc thì khá rõ nhưng với trang thiết bị là cả vấn đề. Các BV chỉ trông chờ vào Nhà nước rót tiền để mua trang thiết bị thì đếm trên đầu ngón tay, rất khó, rất lâu. Làm xong dự án, mua được các trang thiết bị y tế thì thiết bị đó đã lỗi thời, không sử dụng được, chưa kể chi phí bảo trì, bảo dưỡng... cái gì cũng vướng.

Hiện các BV hoạt động được, có máy móc xét nghiệm cho bệnh nhân đa số theo hình thức đặt máy móc. Tức BV sẽ đấu thầu hóa chất chạy máy, vật tư tiêu hao. Sau khi trúng thầu, các công ty cung cấp hóa chất sẽ cho BV mượn máy để sử dụng hóa chất đó. 

Khi bệnh nhân sử dụng máy móc, xét nghiệm giữa BV và công ty sẽ chia nguồn thu được theo tỉ lệ mà hai bên thỏa thuận. Hiện hơn 90% BV làm theo mô hình này. Thực tế cũng có trường hợp tiêu cực, tỉ lệ ăn chia không phù hợp, BV bị thiệt nhưng công ty và lãnh đạo BV có lợi (do được "lại quả"). 

Đã có những trường hợp bị kỷ luật, bị xử lý nhưng đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có một quy định pháp luật cụ thể nào về hình thức đặt máy móc và tỉ lệ ăn chia như thế nào là phù hợp để các BV yên tâm làm. 

Đây là hình thức rất linh động và có lợi cho bệnh nhân, nếu không ở hệ thống BV công lập sẽ không bao giờ được trang bị đủ máy móc, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Khi bệnh nhân được bảo hiểm y tế thanh toán theo những chi phí xét nghiệm này sẽ đỡ gánh nặng cho bệnh nhân và làm cho bảo hiểm y tế tăng thêm giá trị, thu hút người dân tham gia.

TP.HCM đang thành lập trung tâm mua sắm tập trung với mong muốn đạt được giá thầu hợp lý, thống nhất. Nhận định của bà về trung tâm sắp được thành lập này?

- Tôi rất mong thành phố rút kinh nghiệm của lần thành lập trung tâm này mấy năm trước để việc hoạt động của trung tâm mới này tốt hơn. Nhưng thực tâm tôi thấy vẫn rất khó bởi luật vẫn còn đó, chỉ khác là làm ở mức độ tập trung, lớn hơn. 

Theo tôi, đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và cũng không phải là biện pháp tốt nhất để có thể cung ứng thuốc trong BV. Nên bỏ đấu thầu, còn bỏ đấu thầu thì thay bằng gì? Chúng ta nên mạnh dạn suy nghĩ lại, phải tập trung nhiều chuyên gia để xây dựng một cách khác, học tập mô hình, kinh nghiệm của các nước khác để làm tốt hơn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận