Ông Trần Anh Tuấn, chủ tịch hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ nội vụ - Ảnh: B.NGỌC
* Số công chức xin thôi việc, nghỉ việc đang tăng nhanh tại các bộ, ngành, địa phương. Theo ông, đâu là nguyên nhân, có phải họ nghỉ việc chỉ vì tiền lương thấp, không đủ sống?
- Thời gian qua đúng là có hiện tượng công chức, viên chức ở một số bộ, ngành, địa phương xin thôi việc và hiện tượng này có xu hướng tăng nhanh. Lý do thì có nhiều, như "theo nguyện vọng cá nhân", "do tiền lương thấp", "do sức khỏe", "do điều kiện gia đình", "do môi trường không phù hợp"...
Trước vấn đề này, Bộ Nội vụ đã kịp thời có văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương báo cáo tình hình công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc. Nhưng để trả lời vì sao thời gian gần đây có số lượng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc tăng nhanh, không thể vội vàng đưa ra các lý do.
Không nên chỉ đơn thuần cho rằng công chức, viên chức xin thôi việc là do lương thấp. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mức tiền lương cao hay thấp đúng là quan trọng, có sức hấp dẫn, thu hút, giữ chân người lao động nhưng không phải là yếu tố duy nhất.
Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp công chức, viên chức là vụ trưởng, phó giám đốc sở hoặc cao hơn cũng vẫn xin thôi việc, với các lý do khác nhau mà không phải vì lương thấp.
* Tình trạng hàng chục ngàn công chức, viên chức rời bỏ khu vực công trong thời gian qua theo ông có bất thường không? Việc này ảnh hưởng thế nào tới chất lượng dịch vụ của khu vực nhà nước?
- Nhìn tổng thể, công chức, viên chức xin thôi việc là chuyện bình thường trong kinh tế thị trường.
Cũng như người sử dụng lao động có quyền lựa chọn lao động có tay nghề cao, có năng lực và trách nhiệm, giỏi chuyên môn, người lao động cũng có quyền lựa chọn, tìm kiếm việc làm có lương cao, môi trường và điều kiện làm việc tốt, phù hợp với nghề nghiệp, năng lực, sở trường của mình.
Không làm ở khu vực công thì làm ở khu vực tư. Trong kinh tế thị trường, nơi nào có sức hấp dẫn, có môi trường tốt, tạo được động lực làm việc, có chế độ tiền lương phù hợp, đảm bảo cuộc sống, phát huy được năng lực, sở trường của mình thì đều thu hút người lao động. Ngược lại thì họ ra đi.
Nhìn dưới góc độ phạm vi các cơ quan, tổ chức nhà nước, tình trạng công chức, viên chức xin thôi việc, xin nghỉ việc tăng nhanh trong thời gian gần đây là vấn đề rất cần phải quan tâm. Vì người xin thôi việc, xin nghỉ việc thường lại là những người làm việc tốt, có năng lực chuyên môn cao. Họ xin nghỉ việc để chuyển sang làm việc ở khu vực tư hoặc doanh nghiệp.
Còn những người "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", hạn chế và yếu về năng lực thì chẳng bao giờ xin nghỉ việc, trừ khi cơ quan đưa họ vào diện tinh giản biên chế. Điều này dẫn đến chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất lượng dịch vụ công sẽ có nguy cơ giảm
Tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc hiện nay phải được xem xét, nghiên cứu nghiêm túc để khắc phục. Nhiều ý kiến cho rằng do lương thấp nên công chức, viên chức xin thôi việc để chuyển sang khu vực tư làm việc do ở đó lương cao hơn.
Điều này đúng vì "có thực mới vực được đạo". Làm công chức, viên chức là một vinh dự được phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, nhưng tiền lương cũng phải đủ nuôi sống bản thân mình và gia đình.
Hiện nay tiền lương trung bình của công chức, viên chức khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Lương trung bình khu vực doanh nghiệp khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng trở lên.
Chế độ công chức, viên chức của nước ta đã chuyển từ hệ thống chức nghiệp sang hệ thống việc làm từ 2008 - 2010, nhưng chế độ tiền lương của chúng ta đến nay vẫn thực hiện theo tư duy và cơ chế cũ, chưa được cải cách, chưa thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm.
Bên cạnh yếu tố tiền lương thiếu sức hấp dẫn, còn nhiều yếu tố khác dẫn đến tình trạng xin thôi việc, nghỉ việc của công chức, viên chức.
Đó là nhu cầu và các mong muốn của người lao động (môi trường và điều kiện làm việc, tiền lương thu nhập, cách điều hành của lãnh đạo, sự tôn trọng, động lực làm việc); chế độ tuyển dụng, sử dụng, quản lý đối với công chức, viên chức và mối quan hệ của nó với yêu cầu công vụ, nhiệm vụ; sự đòi hỏi đối với trách nhiệm, chất lượng, sức ép công việc và cơ chế trả lương, đãi ngộ...
Những yếu tố này cần được nghiên cứu để tìm ra các nguyên nhân và có các giải pháp khắc phục.
Cán bộ công chức TP Thủ Đức giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân - Ảnh: TỰ TRUNG
* Bối cảnh hiện nay, theo ông, có cần giải pháp để giữ chân công chức có năng lực, giúp họ gắn bó lâu dài với các cơ quan nhà nước?
- Theo tôi, rất cần có ngay các giải pháp để giữ lại trong đội ngũ công chức, viên chức những người làm được việc, để họ gắn bó lâu dài với khu vực công. Nhưng trước khi đưa ra các giải pháp cần phải nghiên cứu để làm rõ nguyên nhân vì sao lại có tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc, xin thôi việc.
Giải pháp cần ngay lúc này là khẩn trương cải cách chế độ tiền lương cũng như đổi mới cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với cơ chế thị trường.
Tiếp tục tinh giản biên chế theo đúng chủ trương của Đảng, đào thải những người không làm được việc và mời tuyển những người làm việc tốt, có tâm, có tài về thay thế.
Tôn trọng, tạo động lực làm việc cho công chức, viên chức, có chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng và động viên khen thưởng kịp thời khi sức ép công việc gia tăng, yêu cầu trách nhiệm lớn (như phòng chống dịch bệnh vừa qua).
Đổi mới tư duy về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ quan, đơn vị, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập, không giao kinh phí theo đầu biên chế, mà thực hiện giao kinh phí gắn với nhiệm vụ được giao, cho phép thực hiện chế độ công chức hợp đồng.
* Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận