Lần đầu tiên tôi mới hiểu hết nghĩa của từ run bần bật.
Không nhiều người biết đến TP Diyarbakır hẻo lánh của tôi ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng nơi đây đang là tâm điểm đau thương sau trận động đất kinh hoàng ngày 6-2. Lúc 4h15 sáng, tôi lay con dậy, ôm con bé còn ngái ngủ lao ra ngoài thoát thân. Chồng tôi làm nghề xây dựng, đang công tác ở Pakistan. Khi động đất xảy ra, chỉ có hai mẹ con ở nhà.
Ôm con tháo chạy ở Thổ Nhĩ Kỳ
Không nghĩ được nhiều, tôi lấy áo ấm và nón trùm cho con, giật vội cho mình cái áo khoác rồi ôm con lao ra. Thấy xung quanh mọi người đều bỏ chạy, chắc sợ nên con bé khóc to.
Làm dâu ở Thổ Nhĩ Kỳ đã 6 năm, 3 năm trước tôi cũng gặp một trận động đất mạnh hơn 6 độ nhưng không gây thiệt hại lớn về người. Sau lần đó, khi mua nhà cách đây 2 năm, tôi nhắc chồng phải mua ở tầng trệt để lỡ có động đất thì chạy cho nhanh. Người Thổ không ai thích ở tầng trệt, căn hộ ở tầng càng cao họ càng thích.
Ấy thế mà khi động đất xảy tới, dù đã ở tầng trệt, tôi cũng không thể chạy nhanh được. Sợ quá nên chân tôi ríu lại, té lên té xuống. Một tay tôi cầm ba lô đựng hộ chiếu và điện thoại, một tay dắt con, đầu tóc bù xù, trên người vẫn mặc bộ đồ ngủ. Phải 5 - 10 phút sau tôi mới chạy được ra sảnh và kịp khoác áo ấm lên người.
Hoang mang, bối rối, không biết đi đâu nhưng tôi hiểu mình phải ra khỏi tòa nhà. Thấy tôi tần ngần đứng đó, chị hàng xóm bảo: "Chị có xe, em lên xe đi với chị". Tôi lên mà không biết sẽ đi đâu. Chạy được một đoạn thì người anh chồng của tôi gọi điện, dặn đứng đợi để anh ấy tới đón.Nhưng vì xe cũng đang hướng về phía nhà mẹ chồng (cách nhà tôi 5km) nên tôi nói sẽ tự đến nhà mẹ chồng.
Lúc đến nơi, vì ba mẹ chồng ở trên tầng 6 chung cư nên tôi không dám lên mà chỉ đứng dưới sảnh. Rất nhiều người cũng đang ở đó. Bên trong tòa nhà, nhiều người bồng bế con túa ra. Lúc đứng chờ, tôi mới bắt đầu thấy lạnh buốt vì quần áo sơ sài. Con tôi run cầm cập vì tuyết tan ướt giày, ướt vớ. Sau đó, hai mẹ con cùng ông bà nội ngồi ở sảnh đợi anh chồng từ ngoại ô chạy vào đón tất cả về nhà.
Ai cũng khóc
Anh chồng ở cách chúng tôi chỉ 10km nhưng mất hơn 1 tiếng mới tới được vì kẹt xe trầm trọng. Khi anh tới, thấy anh đưa theo cả vợ con vì anh không yên tâm để họ ở nhà khi cả thành phố đang hỗn loạn. Chiếc xe 4 chỗ lúc này chất lên 8 người - 5 người lớn và 3 trẻ em - đi ngược lại ngoại ô. Cũng 10km đó nhưng lần này mất hơn 2 tiếng.
Đến trưa, nhận ra mẹ con tôi không kịp mang theo quần áo, anh chồng chở ba mẹ và tôi đi ngược về nhà tôi lấy đồ. Tòa chung cư vẫn còn đó, nhưng tường ở khu bếp nhà tôi đã nứt nham nhở.
Lấy quần áo xong, tôi vừa bước lên xe thì động đất lần thứ hai - mạnh không kém lần đầu. Chúng tôi đang ở ngoài đường, ngồi trong xe mà chiếc xe rung lắc kinh khủng. Không ai có thể tưởng tượng đã động đất một lần, khoảng 10 tiếng sau lại thêm lần nữa. Cả nhà chồng tôi ai cũng khóc.
Chúng tôi trở ra ngoại ô, lại kẹt xe. Tôi thấy sự hoảng loạn trên mỗi gương mặt. Về tới nhà anh chồng, lại xảy ra rung lắc, dù không nhiều nhưng vì sợ quá cả nhà quyết định ra hồ bơi công cộng gần đó ngủ qua đêm. Tới nơi, có rất nhiều người đã ngủ ở đó. Chúng tôi đem theo 1-2 cái mền. Thật may ở sảnh hồ bơi có lò sưởi nên đêm không lạnh.
Chúng tôi đã tạm ổn
14h ngày 7-2 tôi về lại nhà ba mẹ chồng, cũng ở thành phố Diyarbakır. Tôi báo tin cho em trai đang ở Việt Nam là mình vẫn ổn. Mẹ tôi không còn, tôi còn ba nhưng không dám cho ba biết vì sợ ông buồn và lo lắng cho tôi.
Gia đình bên chồng tôi có hai trẻ em và một người lớn thiệt mạng trong thảm họa. Sau những phút căng thẳng nhất, lúc này tôi chỉ muốn khóc. Tôi thấy trống rỗng, không có dự tính gì nhiều. Mẹ con tôi sẽ ở nhà ông bà nội trong vài tuần tới. Nhà ông bà không bị hư hại nhiều, chung cư mới xây vài năm và có công nghệ chống động đất. Chúng tôi tạm gọi là ổn nhưng vẫn bị khủng hoảng tinh thần.
Nhiều cô dâu Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ biết tôi sống ở vùng động đất đã liên hệ hỏi thăm. Tôi cũng thấy sứ quán Việt Nam có thông báo số điện thoại hỗ trợ công dân nhưng nghĩ mẹ con mình không đến nỗi nào. Nếu sứ quán Việt Nam có nguồn lực, hãy cứu trợ những người khác, cứu người Thổ cũng được vì còn nhiều người Thổ khó khăn, mất mát trong thảm họa này.
Chưa có thông tin người Việt thương vong
Cộng đồng người Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ đang chung tay ủng hộ đồ dùng, nhu yếu phẩm cho các nạn nhân trong thảm họa động đất kép theo lời kêu gọi của chính phủ nước này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, anh Dương Nam Phương, sống tại TP Istanbul, quản trị viên nhóm Facebook Cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết hàng hóa ủng hộ chủ yếu là quần áo, giày dép, tất, chăn, drap, gối, đệm. Số hàng này được đưa đến các điểm tập kết để chuyển tới người đang trú trong các căn lều tạm giữa thời tiết vô cùng lạnh giá.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện có khoảng 200 người Việt đang sinh sống, thường xuyên liên lạc với nhau qua cộng đồng hoặc theo dõi trang Facebook của Đại sứ quán Việt Nam tại đây. Khi động đất xảy ra, đại sứ quán đã đưa thông tin liên hệ và số hotline lên trang Facebook của cộng đồng để bà con tiện liên hệ.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, có ít người Việt sinh sống tại 10 tỉnh thành bị ảnh hưởng động đất và đến nay chưa ghi nhận trường hợp người Việt nào thiệt mạng, nhưng có một số người bị thiệt hại nhà cửa và hoảng loạn về tinh thần khi phải ôm con nhỏ tháo chạy lúc sáng sớm giữa trời giá rét.
THANH HIỀN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận