Công nhân tại một nhà máy ở Khu công nghiệp hậu cần cảng Tam Hiệp (Quảng Nam) đeo khẩu trang trong lúc làm việc - Ảnh: L.T.
Trong tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng đã tăng mức độ kiểm soát tình trạng sức khỏe công nhân, quy trình sản xuất được siết chặt hơn.
Dịch giã quen rồi, hết đơn hàng mới lo!
Sáng 4-8, tại khu công nghiệp (KCN) dịch vụ thủy sản Thọ Quang, KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Cầm..., số công nhân đến các nhà máy vẫn đông đảo. Mọi người đều đi xe máy do xe buýt tại Đà Nẵng đã ngừng, ai nấy đều mang khẩu trang 1-2 lớp kín mít, được đo thân nhiệt, buộc rửa tay bằng nước sát khuẩn ngay từ cổng.
Bên ngoài các nhà máy mọi ngày đông đúc người mua bán, hàng quán san sát nay im ắng, thay vào đó là dây đỏ trắng hạn chế ra vào, đi lại căng xung quanh các nhà máy, công ty.
Chị Trần Thị Liên Hương (37 tuổi, trú ở phường Mân Thái, TP Đà Nẵng), làm việc ở Công ty chế biến thủy hải sản HT ở KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang, cho biết dù có lo lắng về dịch bệnh mỗi khi bước ra cổng nhà nhưng công việc vẫn duy trì để làm hàng xuất khẩu. Chị Hương cho biết chồng chị làm nghề xây dựng nhưng nay TP cách ly thì ở nhà giữ con.
"Mình phải đi làm để có thu nhập (7-8 triệu đồng/tháng) cáng đáng chi tiêu gia đình" - chị Hương nói và cho biết mỗi ngày chị phải đổi khẩu trang nhiều lần để ra vào phân xưởng làm lạnh, khi làm việc cũng được khuyến cáo cách nhau 2m và không giao tiếp, nói chuyện. Đến giờ ăn trưa thì công nhân thay nhau đi ăn, bị giãn cách nên thời gian đầu chị em cảm thấy khó chịu nhưng cũng đã quen.
"Dịch bệnh nên ai cũng phải tự giữ mình. Công ty báo là hết đơn hàng xuất khẩu mới là chuyện lo, chưa rõ có việc làm nữa không chứ dịch giã này biết hết bao giờ. Công việc ở Đà Nẵng dừng lại hết nên tìm sẽ khó khăn.
Việc thực hiện cách ly phải thực hiện nghiêm, đi làm về ở nhà suốt chứ không dám đi đâu, nếu mà ho, sốt, đau họng là công ty không cho làm việc nên ai cũng tự giữ mình, cho gia đình, cộng đồng" - chị Hương chia sẻ thêm.
Ai cũng lo giữ sức khỏe để được làm việc
Trong khi mọi người tất bật chống dịch, các nhà máy ở Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn hoạt động để duy trì việc làm cho người lao động. Trong ảnh: công nhân tan ca chiều 4-8 tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Tại KCN Hòa Cầm, Công ty CP cơ khí Hà Giang Phước Tường hiện chỉ còn vài chục người làm việc và ai nấy đều mang khẩu trang, đứng khoảng cách hơn 2m để làm việc. Giám đốc công ty Hà Đức Hùng cho hay hiện phân xưởng cơ khí chế tạo, xây lắp các thiết bị chỉ còn phân nửa công nhân làm việc do nhiều lao động ở Quảng Nam bị cách ly từ ngày Đà Nẵng công bố cách ly nên không đến làm việc.
Hiện các công trình ở TP tạm dừng nên nhu cầu sản phẩm không có, các đơn hàng khác thì tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến nguy hiểm nên công ty tạm ngưng cung cấp, hằng ngày phải giãn tiến độ sản xuất để duy trì hoạt động công ty, có công việc, thu nhập cho công nhân để giữ chân công nhân.
"Công ty cũng đã trang bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn, đảm bảo giãn cách khi làm việc... theo các quy định của KCN về phòng chống dịch nên gần 10 ngày qua tình hình sản xuất vẫn ổn" - ông Hùng thông tin và cho biết công ty cũng khuyến cáo công nhân khi trở về nhà thì hạn chế ra ngoài khi không cần thiết để đảm bảo sức khỏe, thực hiện nghiêm chỉnh chỉ thị cách ly.
Trong khi đó, tại Tổng công ty CP dệt may Hòa Thọ với hàng vạn công nhân ở các phân xưởng, nhà máy đặt khắp miền Trung, ông Nguyễn Đức Trị, tổng giám đốc, cho biết công ty hiện vẫn duy trì hoạt động sản xuất bình thường nhưng để đảm bảo an toàn cho người lao động, yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 thì công ty nghiêm ngặt thực hiện đo thân nhiệt người lao động, đeo khẩu trang, xịt khuẩn, rửa tay, giữ khoảng cách trong làm việc, ăn ca, chia nhỏ các bữa ăn...
Công nhân tan ca chiều 4-8 tại KCN Hòa Khánh, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Nghiêm ngặt điều kiện phòng chống dịch
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao và các KCN TP Đà Nẵng Phạm Trường Sơn xác nhận hiện trong 4 KCN có 6 công nhân dương tính với COVID-19, đã được cách ly y tế kịp thời, sức khỏe hiện ổn định.
Đây đều là những người đi chăm sóc, thăm nom liên quan đến ổ dịch COVID-19 ở các bệnh viện. Trong đó có 3 lao động chỉ đến doanh nghiệp trong 15 phút làm thủ tục nghỉ việc, nghỉ sinh ở bộ phận văn thư chứ không làm việc ở phân xưởng.
Ngay sau khi phát hiện các công nhân mắc COVID-19, ban cùng các cơ quan chức năng tiến hành khoanh vùng, dập dịch, triển khai điều tra, xác minh F1, F2 áp dụng các biện pháp cách ly theo dõi, khử trùng toàn bộ trụ sở làm việc, sản xuất của các đơn vị, gia đình. Vận động người lao động, những ai có liên quan đến các ca bệnh phải khai báo y tế, tự cách ly ở nhà (vẫn được hưởng lương) để đảm bảo an toàn cho bản thân, doanh nghiệp và cộng đồng.
Ông Sơn nói thêm ban cùng công đoàn phối hợp theo dõi sát sao và động viên đối với bệnh nhân và các trường hợp đang thực hiện cách ly. Đối với các trường hợp cần cách ly nhiều lao động theo yêu cầu của ngành y tế, ban quản lý đã đề nghị doanh nghiệp ngừng sản xuất cho đến khi tình hình ổn định.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ông Sơn cho hay một số công ty có số lượng công nhân nhiều, áp lực sản xuất lớn nên đã duy trì và nâng cấp nghiêm ngặt những điều kiện phòng chống dịch, tránh tình trạng chủ quan, không đảm bảo giãn cách giữa các công nhân. Ban có những giải pháp kiểm tra thường xuyên lẫn đột xuất, kịp thời nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp chấn chỉnh.
"Hằng ngày tổ chức các tổ công tác đi kiểm tra thực tế hoạt động các doanh nghiệp về công tác phòng chống dịch như đo thân nhiệt, đeo khẩu trang khi ra vào và sản xuất, quy định khoảng cách công nhân khi sản xuất và khi vào ăn ca..." - ông Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Trung, chủ tịch công đoàn Khu công nghệ cao và các KCN TP Đà Nẵng, cho biết hiện đang chờ chỉ đạo từ UBND TP nhưng ban vận động các doanh nghiệp có đơn hàng cho nghỉ 50% công nhân để thực hiện giãn cách sản xuất (2-3 ngày/tuần) để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Về tình hình lao động, ban thường xuyên động viên, hỗ trợ, ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp để vừa thực hiện công tác phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất, xúc tiến đầu tư.
Quảng Nam: chống dịch nghiêm ngặt để nhà máy hoạt động
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tại KCN hậu cần cảng Tam Hiệp (Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, Quảng Nam) nhiều công ty, nhà máy đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Từ những ngày trước, nhà máy sản xuất vật liệu không nung của Công ty TNHH Phú Long (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) đã thông báo đến toàn thể cán bộ công nhân viên nghiêm túc thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, không được lơ là chủ quan, thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, hạn chế tiếp xúc với người ngoài công ty, đặc biệt là bộ phận nhân viên bán hàng phải chuẩn bị làm việc riêng, phải giữ khoảng cách an toàn với khách hàng đến mua hàng ở công ty. Khi có các triệu chứng ho, khó thở, sốt phải báo ngay cho bảo vệ hoặc ban quản lý của công ty để có biện pháp kịp thời, không để ảnh hưởng đến công việc của công ty. Bảo vệ của công ty phải thường xuyên kiểm tra giám sát chặt chẽ người ra vào cổng của công ty.
Ông Nguyễn Văn Thân - giám đốc Công ty TNHH Phú Long - cho biết công ty quy định rất rõ, không cho vào cổng những cán bộ công nhân viên chức và khách hàng không chấp hành việc đeo khẩu trang phòng chống dịch và phải báo cáo với ban giám đốc về các vấn đề đột xuất liên quan đến việc dịch bệnh phát sinh nếu có.
Ông Trần Văn Tân - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cũng đã có công văn yêu cầu Sở Công thương phối hợp với các sở, địa phương tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện biện pháp, phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhất là những doanh nghiệp có các nhà quản lý, chuyên gia, người lao động vào làm việc hằng ngày tại tỉnh.
LÊ TRUNG
Giữ việc làm: rất quan trọng
Ông Lê Văn Đường, tổng giám đốc Công ty TNHH Nhật Linh (Đà Nẵng), cho hay hiện chỉ có các phân xưởng sản xuất và cung ứng trang thiết bị dạy học, nội thất còn hoạt động, các mảng đầu tư hạ tầng, dịch vụ nghỉ nên chỉ còn ít công nhân làm việc. Các hoạt động sản xuất duy trì để phục vụ đơn hàng thường xuyên và quan trọng là có việc làm cho người lao động để họ có thu nhập.
Để đảm bảo phòng chống dịch, công ty chọn những người đảm bảo sức khỏe, thực hiện kiểm tra thân nhiệt công nhân 2 lần/ngày, sát khuẩn tay mọi lúc, giãn cách nhà ăn bằng cách ngồi cùng hướng và 1 bàn chỉ 1 người trên 2m, thực hiện giãn sản xuất, mỗi người làm việc từ 2-3 ngày/tuần thay phiên nhau.
Theo Ban quản lý khu công nghệ cao và các KCN TP Đà Nẵng, hiện có 73.500 công nhân đang làm việc, trong đó 52% là lao động ngoại tỉnh. Hiện trong 4 KCN ở Đà Nẵng có 6 công nhân dương tính với COVID-19 thuộc 6 doanh nghiệp khác nhau nằm trong KCN Hòa Khánh (2 ca), KCN Đà Nẵng (1 ca), KCN dịch vụ thủy sản Thọ Quang (1 ca) và KCN Hòa Cầm (2 ca). Do ảnh hưởng dịch nên đã có 14 doanh nghiệp trong các KCN tạm dừng hoạt động, cho công nhân ngừng việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận