Khi Công ty giày da Huê Phong tuyên bố cho khoảng 2.200/4.700 công nhân tại nhà máy ở TP.HCM nghỉ việc sau khi giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định, đây chỉ là giọt nước tràn ly thể hiện rõ nét sự khó khăn của các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch COVID-19.
Từ tháng 4 và 5-2020 trở đi, nhu cầu mua hàng ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đều giảm rất mạnh.
Phần lớn các doanh nghiệp trong hai ngành xuất khẩu chủ lực là dệt may và da giày chỉ nhận được khoảng 40-50% nhu cầu mua hàng của các thương hiệu lớn. Và với nhu cầu giảm hơn một nửa so với mức bình thường này, các nhà đặt hàng cũng chỉ phân bổ đơn hàng cho các doanh nghiệp có thành tích sản xuất tốt (chất lượng, thời gian giao hàng, chi phí sản xuất cạnh tranh).
Còn những doanh nghiệp quy mô nhỏ càng gặp khó khăn hơn do đã ứng trước một khoản tiền lớn để mua nguyên phụ liệu, trả lương nhân công trong khi hàng vẫn chưa xuất được, nên buộc phải cho công nhân nghỉ việc.
Phải nhìn nhận một cách sòng phẳng, việc cắt, giảm lao động hiện đang diễn ra ở rất nhiều doanh nghiệp chứ không riêng gì Công ty Huê Phong. Ít thì giảm 20%, nhiều thì 50% hoặc hơn. Có doanh nghiệp áp dụng phương pháp chờ việc, ngưng việc theo quy định, hoặc hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Riêng những doanh nghiệp không thấy kỳ vọng gì về tình hình kinh doanh ít nhất từ 4-6 tháng tới thì sẽ chọn hình thức đơn phương dừng hợp đồng. Huê Phong đã dùng cách này, mà nói đơn giản là sa thải lao động một cách đúng luật.
Theo dự báo, phải qua hết tháng 7-2020, nhu cầu đơn hàng mới khôi phục khoảng 60%, hoặc cao hơn. Nhưng để các doanh nghiệp còn tồn tại được đến thời điểm thị trường hồi phục hay không mới là vấn đề then chốt, dù Chính phủ đã đưa ra rất nhiều giải pháp tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ, "giải cứu" doanh nghiệp.
Đơn cử như gói chính sách hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng mà Chính phủ yêu cầu ngân hàng triển khai cho doanh nghiệp. Đến nay, các doanh nghiệp ngành da giày vẫn chưa tiếp cận được với lý do rất đơn giản: họ không thể chứng minh sẽ có doanh thu trong các tháng tới, nên các ngân hàng rất ngại cho vay.
Hay với quy định cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng nếu 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc, hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh, thì cũng không doanh nghiệp nào đáp ứng được các "tiêu chuẩn" này.
Hai dẫn chứng trên cho thấy dù có nhiều chính sách hỗ trợ đưa ra, nhưng nếu các cấp có thẩm quyền vẫn tính toán theo kiểu "ăn chắc mặc bền" thì tới đây sẽ còn rất nhiều "Huê Phong" khác xuất hiện.
Do đó, điều có thể làm ngay được lúc này là các ngân hàng cần nhanh chóng rà soát những doanh nghiệp có quá trình giao dịch minh bạch, có đơn hàng và thị trường xuất khẩu ổn định để đưa gói hỗ trợ tín dụng đi vào thực chất.
Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp có tiềm năng nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường khi vấn đề tài chính được giải tỏa: mua được nguyên liệu, trả lương chờ việc cho công nhân, hoặc hỗ trợ một số chính sách cho người lao động khi còn giãn việc.
Có vậy, cơ hội mới bật lên từ lò xo nén như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập. Đừng để nó nén xong rồi không còn sức để bung lại được thì thật đáng tiếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận