Đến cuối buổi chiều, bà họp báo và ra tuyên bố “không chống lại việc từ chức hay giải tán quốc hội nếu như giải pháp này chấm dứt được các phản kháng... Tôi tin rằng chẳng ai muốn tái diễn lịch sử mà ai cũng đã thấy dân chúng khổ sở và mất mạng”.
Phát biểu của chỉ huy trưởng cảnh sát thủ đô Khamronvit Thupkrajang trên truyền hình Kênh 7 sáng qua là một giải thích cho lời của bà Yingluck chiều hôm trước. Tướng Khamronvit, người chịu trách nhiệm bảo vệ chính phủ chống lại các cuộc bạo động, tuyên bố: “Tôi thà mất mặt với những người phản kháng còn hơn phải nhìn thấy có người biểu tình chết hay bị thương. Họ có thể chiếm bộ chỉ huy cảnh sát của tôi bất cứ lúc nào họ muốn. Sẽ không có đụng độ hôm nay. Cảnh sát bảo vệ bộ chỉ huy cảnh sát thủ đô sẽ không bắn hơi cay để giải tán họ nữa, trái lại sẽ mở vòng rào và vỗ tay hoan nghênh khi họ đến. Cảnh sát từ nay sẽ chỉ tập trung bảo vệ sự sống và tài sản của nhân dân thay vì cản người biểu tình...”.
Quân đội thì đứng trung lập (tướng tổng tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha hôm chủ nhật tuyên bố với cả thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsuban lẫn Thủ tướng Yingluck rằng quân đội không muốn thấy máu đổ thêm), cảnh sát thì “mở cổng thành”, chỗ dựa lớn nhất còn lại của Thủ tướng Yingluck Shinawatra là nông dân qua hình ảnh phe áo đỏ quen thuộc.
Thế nhưng từ tháng 8, nông dân Thái điêu đứng vì gạo tồn như núi mà trợ cấp chính phủ thì giảm nên cũng giảm hậu thuẫn cho người đứng đầu chính phủ. Một thăm dò dư luận của Đại học Bangkok từ đầu tháng 8 đã cho thấy tỉ lệ ủng hộ chính phủ giảm xuống đến mức thấp nhất.
Bà Yingluck từng hứa nếu đắc cử sẽ mua lúa trực tiếp từ nông dân, vốn chiếm 2/5 dân số và đa số trồng lúa, với giá gần gấp đôi giá thị trường, khoảng 15.000 baht (500 USD)/tấn, trên cơ sở tự tin rằng gạo Thái giá luôn cao ngất. Các cố vấn của bà Yingluck lập luận: tài trợ, nông dân sẽ có thêm tiền, cung nội địa sẽ tăng, kích thích kinh tế; trong khi đó cứ tạm cất gạo, bớt xuất khẩu, giá gạo trên thị trường quốc tế sẽ tăng, lúc đó sẽ xuất khẩu lấy tiền về, dư sức tài trợ cho nông dân.
Theo The Economist, Chính phủ Thái đã chi đến 12,5 tỉ USD mua gạo của nông dân trong năm đầu chiến dịch tích cốc này. Trong thời gian đó, gạo Ấn Độ và Việt Nam chiếm lĩnh thị trường với giá thấp quen thuộc, lại thêm gạo châu Phi tự trồng cấy, thế là gạo Thái ế, tồn đọng đến 18 triệu tấn. Năm nay Chính phủ Thái dự kiến phải chi đến 15 tỉ USD cho việc “bảo trợ” nông dân, nhưng giảm tài trợ từ 15.000 baht/tấn còn 13.500 baht. Đối với hơn chục triệu nông dân từng hậu thuẫn các chính quyền Shinawatra, bị giảm trợ cấp 1.500 baht/tấn là của đau con xót.
Chừng đó cũng đủ biến thành một mất mát to lớn cho bà Yingluck trong cuộc khủng hoảng hiện tại, nhất là khi thứ năm 5-12 này, dịp sinh nhật lần thứ 85 của Quốc vương Bhumibol Adulyadej, khó được phép để “ồn ào đổ máu” tiếp.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Phát lệnh bắt lãnh đạo biểu tình ở Thái LanTòa án Thái Lan ra lệnh bắt thủ lĩnh biểu tìnhNgười biểu tình chiếm trụ sở Bộ Tài chính Thái LanThủ lĩnh biểu tình tại Thái Lan tuyên bố bất tuân lệnh bắtThái Lan: biểu tình lan rộng ra nhiều tỉnh thànhPV Tuổi Trẻ: Bangkok không ngủ trong đêm biểu tình đến sáng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận