27/11/2013 07:45 GMT+7

Phát lệnh bắt lãnh đạo biểu tình ở Thái Lan

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Những người biểu tình phản đối chính phủ ở Thái Lan hôm qua tiếp tục chiếm thêm trụ sở của nhiều bộ, trong khi ngành du lịch nước này đang lo ngại bị ảnh hưởng.

Tòa án Thái Lan ra lệnh bắt thủ lĩnh biểu tìnhNgười biểu tình chiếm trụ sở Bộ Tài chính Thái Lan

ekqpsxcJ.jpgPhóng to
Một người biểu tình chống Chính phủ Thái Lan - Ảnh: Reuters

Người biểu tình đã đến trụ sở các bộ Nội vụ, Nông nghiệp, Giao thông, Thể thao - du lịch, yêu cầu các công chức tại đây ra về. Hôm trước đó, đám đông biểu tình đã tràn vào chiếm trụ sở các bộ Tài chính và Ngoại giao.

Người nước ngoài lo sợ

Giới quan sát nhận định việc người biểu tình chiếm các cơ quan chính phủ đã đẩy Thái Lan vào một cuộc khủng hoảng chính trị căng thẳng nhất kể từ năm 2010, khi các cuộc biểu tình trên đường phố dẫn đến bạo lực khiến hơn 90 người thiệt mạng và trên 1.000 người bị thương.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chị Trần Lê Ngọc Bích, phụ trách truyền thông xã hội của Tập đoàn Ford khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Bangkok, cho biết: “Tình hình có vẻ rất căng thẳng. Công ty tôi đã yêu cầu nhân viên nước ngoài nên tránh xa các đám đông. Công việc và cuộc sống bình thường của tôi không ảnh hưởng mấy, nhưng một số đồng nghiệp người Thái đã xin nghỉ làm để tham gia biểu tình”. Được biết, một số tổ chức phi chính phủ ở Bangkok cũng yêu cầu nhân viên của mình tránh xa đám đông biểu tình và nếu có đi biểu tình thì không được mặc đồng phục của cơ quan.

Theo AFP, một số nhà quan sát đưa ra khả năng bà Yingluck sẽ phải giải tán quốc hội nhưng ngay cả điều này cũng không đủ để làm giảm nhiệt. Học giả Sayant Praicharnjit thuộc Đại học Thammasat (Bangkok) nhận định ngay cả khi bà Yingluck lựa chọn phương án từ chức thì chưa chắc anh trai bà là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ đồng ý.

Anh Đỗ Duy Hoàng, đang làm việc cho Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Bangkok, kể có hôm taxi chở anh đi ngang qua các chốt kiểm soát vào ban đêm đã phải bật đèn sáng bên trong xe để cảnh sát nhìn rõ mặt và kiểm tra hành chính nếu cần thiết. AFP cho biết số lượng cảnh sát trên đường phố Bangkok tăng lên sau khi Luật an ninh nội địa (ISA) được gia hạn và mở rộng trên toàn thành phố chứ không chỉ một số quận như trước. ISA cho phép chính quyền chặn các tuyến đường, áp đặt lệnh giới nghiêm, cấm tụ tập và có quyền lục soát.

Hôm qua, tòa án hình sự ở Bangkok đã phát lệnh bắt lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban. Cảnh sát đang kêu gọi ông Suthep đầu thú, nếu không sẽ bắt ông ta.

Tác động đến kinh tế

Hạ viện Thái Lan hôm qua đã bắt đầu phiên tranh luận bất tín nhiệm đối với chính phủ. Phiên tranh luận sẽ kéo dài đến hết hôm nay 27-11. Tuy nhiên, với thế đa số trong hạ viện, Đảng cầm quyền Phuea Thai được nhận định sẽ dễ dàng vượt qua phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm vào cuối tuần này. Lực lượng biểu tình nói sẽ đợi đến hết hôm nay trước khi quyết định “một bước đi lớn”.

Thủ tướng Yingluck Shinawatra một mực khẳng định không từ chức hay giải tán quốc hội. “Nội các vẫn có thể vận hành mặc dù chúng tôi đang đối mặt với một số khó khăn. Tất cả các bên đều đưa ra mục tiêu chính trị. Bây giờ họ phải quay lại với nhau và nói chuyện để tìm ra một giải pháp hòa bình cho đất nước” - bà Yingluck phát biểu.

Từ Bahrain, Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tohvichakchaikul cho hay đã gửi thư giải thích về tình hình chính trị tại Thái Lan cho Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an và các nước. “Tôi đã thông báo với họ rằng cuộc biểu tình là phạm luật và ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia” - The Nation dẫn lời ông Surapong nói. Hiện đã có 22 nước phát cảnh báo về tình hình Thái Lan, khuyên công dân tránh xa các điểm biểu tình.

Chị Ngọc Bích cho phóng viên Tuổi Trẻ biết: “Người nước ngoài sống tại Thái lâu năm đã quá quen với biểu tình nên cũng không quá sốc. Chỉ có du khách chắc chắn giảm và mùa mua sắm cuối năm đang tới nên kinh doanh du lịch nhiều khả năng bị ảnh hưởng”.

Tổng cục Du lịch Thái Lan quan ngại nếu các nước phát cảnh báo cao nhất đối với việc đi lại đến Thái Lan, du lịch nước này có thể mất 25 tỉ baht (782 triệu USD) doanh thu trong tháng tới.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng quan ngại lớn nhất là bạo lực xảy ra và lan rộng sẽ làm ảnh hưởng đến siêu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỉ baht (62,5 tỉ USD), từ đó tăng trưởng năm sau của Thái Lan sẽ bị giảm.

Không ảnh hưởng đến tour du lịch

Ngày 26-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, các công ty du lịch, lữ hành lớn tại TP.HCM cho biết các công ty này vẫn còn nhiều đoàn khách Việt Nam đang lưu trú an toàn tại Bangkok trong thời điểm này và chưa có công ty du lịch nào hủy, hoãn tour sang Thái Lan.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, phó tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel, cho biết biểu tình ở Bangkok diễn ra trong ôn hòa nên đường phố vẫn không bị cấm. Trong các địa điểm tham quan chỉ có hoàng cung bị đóng cửa nên du khách Việt không đến đây. Còn các địa điểm khác vẫn đón khách bình thường.

Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết đang có bốn đoàn khách tại Bangkok, trong đó có ba đoàn từ TP.HCM, một đoàn từ Hà Nội. Đến ngày 30-11, sẽ có bốn đoàn nữa sang Thái Lan du lịch. Trong ngày 26-11, các công ty du lịch vẫn nhận đặt chỗ, mua tour sang Thái Lan bình thường.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Trường - giám đốc Công ty CP du lịch Thanh Niên Xung Phong (VYC Travel) - cho biết: “Cho đến lúc này, những khách dự định du lịch Thái Lan của VYC vẫn chưa có phản ứng gì rõ rệt. Chỉ một vài khách hàng điện thoại hỏi thăm về tình hình tour Thái Lan, nhưng sau khi nghe công ty giải thích thì khách hàng vẫn cảm thấy yên tâm, bởi vì cho đến lúc này việc biểu tình ở Thái Lan vẫn còn diễn ra trong ôn hòa”.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên