09/03/2023 14:00 GMT+7

Can trường trên sóng gió đại dương - Kỳ 3: Truyền đời cỡi sóng gió Hoàng Sa, Trường Sa

Ở làng cá Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) có rất nhiều ngư dân nhiều đời nối tiếp nhau cỡi trên sóng gió Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc. Bao phen gặp khó khăn, bất trắc, nhưng họ vẫn giương cao ngọn cờ Tổ quốc trên tàu ra biển xa...

Ngư dân Huỳnh Văn Việt chằng buộc lại giàn thúng câu mực trước giờ nhổ neo - Ảnh: B.D.

Ngư dân Huỳnh Văn Việt chằng buộc lại giàn thúng câu mực trước giờ nhổ neo - Ảnh: B.D.

Ông, cha và con cùng ra Hoàng Sa

Những ngày này, tàu cá câu công suất gần 1.000CV neo ở cảng cá An Hòa (Núi Thành, Quảng Nam) chờ nhận số hiệu mới. Đây là tàu được Huỳnh Văn Việt (36 tuổi) cùng người ba và mấy anh em trai góp mua từ tỉnh Nghệ An để chuyển qua nghề câu mực.

Việt đứng trên con tàu, chốc lát lại đảo qua đảo lại ngó mấy giàn lưới và đống thúng chai đang xếp chồng lên nhau trong tiếng máy tàu nổ rền vang. Sau nhiều đời nối nhau ra biển lênh đênh trên con tàu chật cũ, gia đình Việt nay đã làm chủ một con tàu công suất lớn, đủ sức vươn tới mọi ngư trường trong vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.

"Con tàu này em cùng ba và mấy anh em ra tận Nghệ An mua về. Nhà nước hỗ trợ vốn vay trong vòng mấy năm, mình cũng ráng nợ rồi cày cuốc thêm, chứ làm biển nhiều đời mà đi tàu ọp ẹp thì không an tâm cũng không hiệu quả", Việt nói.

Anh tâm sự không biết chính xác mình là thế hệ thứ mấy trong gia đình nhiều đời đi biển. Bởi ba của Việt là ông Huỳnh Củng, ông nội (đã mất) là ông Huỳnh Sai cũng từng là những ngư dân treo mình trên đầu sóng ngọn gió Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhà Việt có sáu anh chị em gồm hai gái, bốn anh em trai thì tất cả mấy anh em trai đều lớn lên là theo cha ra biển. Không chỉ anh em Việt, con tàu mới sắm của đại gia đình này cũng đang chuẩn bị có những người trẻ là cháu của Việt gối đầu theo cha ông ra biển.

Những ngày này, khi con tàu mới bề thế được sắm về, lão ngư Huỳnh Củng - ba của Việt - cứ náo nức đi ra đi vào. Lần đầu tiên ông Củng và mấy đứa con sắm cho mình được con tàu lớn, thiết bị thông tin liên lạc, cứu sinh hiện đại để bớt hiểm nguy trên sóng cả.

Ông Củng kể ở làng này thế hệ của ông cứ 15 - 16 tuổi, có chút sức vóc là ôm đồ lên tàu theo cha ông. Ông Củng cũng theo người ba là Huỳnh Sai đi biển, qua nhiều đời đi bạn (làm thợ) thì tới đời ông Củng đã tự sắm được con tàu riêng cho mình. Tàu mới không chỉ công suất lớn để có thể vươn xa, đánh bắt được năng suất hơn mà còn là mái nhà vững chãi cho mấy cha con ông trong những ngày lênh đênh trên biển.

Bao nhiêu năm mưu sinh trên sóng nước, ông Củng bảo rằng nhờ biển rộng lượng mà ông nuôi đủ mấy đứa con. Nghề biển không chỉ hiểm nguy mà cũng ít thấy người nào trong làng ông khấm khá. Nhưng điều lạ lùng là cả mấy đứa con ông Củng đa số học xong đều lựa chọn kế nghiệp ba theo tàu ra biển. Ngay cả Việt, cả nhà gần như đặt hết niềm hy vọng để Việt theo con đường học hành, "thoát ly" nghề biển, nhưng rồi anh cũng nghỉ giữa chừng để lên tàu ra biển.

Việt bảo qua nhiều năm sử dụng, con tàu cũ của cả nhà đã dần ọp ẹp, tàu nhỏ vươn khơi vừa nguy hiểm vừa không hiệu quả nên cả nhà quyết định bán để sắm con tàu mới. Dân đi biển mách tai nhau ở Nghệ An có con tàu đẹp nên mấy cha con Việt đón xe ra quyết định xuống tiền. Tàu về ở cảng cá An Hòa neo sừng sững như một tòa lâu đài bề thế và vững chãi khiến nhiều người xuýt xoa. Việt nói rằng mình đi biển lúc 16 tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên được góp vốn và đứng tên trên một con tàu hiện đại như vậy.

"Tàu này có thể vươn ra tới đường biên giới biển phía đông, tới ngư trường truyền thống Hoàng Sa và ở mọi nơi tại Trường Sa. Con tàu không chỉ là tài sản, niềm mơ ước mà như là lời hứa giữ nghề biển nối nghiệp tổ tiên tôi", Việt trải lòng.

Những con tàu đánh cá Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ Tổ quốc - Ảnh: TRẦN MAI

Những con tàu đánh cá Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ Tổ quốc - Ảnh: TRẦN MAI

Cờ Tổ quốc vẫn bay trên vùng biển nhiều bất trắc

Toàn xã Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) có khoảng 50 tàu cá chuyên đánh xa bờ. Tất cả đều thuộc sở hữu của các gia đình nhiều đời đi biển. Người dân cho biết bao thế hệ thanh niên trai tráng ở Tam Giang lớn lên đều coi biển là nghề mưu sinh để tạo lập cuộc sống. Biển mênh mông bao đời nuôi lớn người Tam Hải, nhưng giờ đây người đi biển còn đối diện với nhiều nỗi lo khác ngoài bão dông.

Trong cơn mưa xối xả trút xuống cảng biển, lão ngư Huỳnh Văn Khôi (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa-91829, đứng trên con tàu bị lính Trung Quốc chặt phá tả tơi. Ông Khôi bặm môi, nói trong uất nghẹn: "Tụi tui theo cha ông ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa của tổ tiên mình để kiếm cá mưu sinh mà bị càn quá. Cướp mất 1,5 tấn mực trên tàu là đã quá rồi, họ còn ép tui phải tự lấy dao chặt bươm giàn lưới".

Ông Khôi cho biết ông mất cha mẹ từ nhỏ, năm 20 tuổi đã theo tàu của bạn nghề ra biển kiếm sống. Hàng chục năm qua ông gắn bó trên sóng nước và tự sắm được cho mình chiếc tàu riêng, cha con ông và bà con trong Tam Hải theo nhau ra biển kiếm sống, bám ngư trường.

Tàu của ông Khôi rời cảng, ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đánh bắt vừa tròn 2 tuần. 

10h sáng ngày 15-2, thấy dông gió nổi lên nên ông Khôi chuyển hướng cho tàu vào một rạn đá ở quần đảo Hoàng Sa để neo trú thì bất ngờ tàu Trung Quốc số hiệu 4301 ập tới. Ông Khôi và thuyền viên bị ép buộc ngồi xuống, ký vào mẩu giấy xác nhận xâm phạm biển. Biết đó là cái bẫy giăng ra, ông Khôi nhất quyết không ký thì liền bị năm chiếc gậy sắt vung lên trên đầu đe dọa. Cuộc giằng co diễn ra và chỉ kết thúc khi toàn bộ hải sản, tôm mực, một nửa giàn lưới trên tàu của ông Khôi bị họ lấy đi. Con tàu chở theo nhóm ngư dân ra biển 2 tuần để nuôi hy vọng kiếm tôm cá mưu sinh phải trở về trong tơi tả, thiệt hại nặng nề.

Nhiều ngư dân cho biết vài năm gần đây không chỉ đối diện với sóng gió mà họ gần như mỗi chuyến đi Hoàng Sa đều phải đối diện với cảnh xua đuổi, phá phách. Ngư trường truyền thống Hoàng Sa nhiều bất trắc, nhưng hằng ngày vẫn có những lá cờ Việt Nam hiện diện quanh quần đảo Tổ quốc. 

"Mình đi làm ăn, cốt làm sao yên bề rồi kiếm được nhiều hải sản đem về. Nhưng khi không thể tránh khỏi thì chúng tôi chỉ còn biết tìm cách né tránh, cảnh giác mọi lúc. Nếu chẳng may bị rượt thì mình cứ cho tàu chạy lòng vòng, họ đuổi miết không bắt được thì cũng phải bỏ cuộc. Khó khăn, bất trắc thì có nhưng chắc chắn chúng tôi không từ bỏ ngư trường Hoàng Sa của tổ tiên mình. Chúng tôi vẫn giương cao ngọn cờ Tổ quốc mình trên đó", ông Khôi trải lòng.

Truyền nghề cha ông cho con

Nửa năm qua, trên mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, ngư dân Nguyễn Văn Dự (thôn 3, Tam Giang) đều dẫn theo con trai vừa nghỉ học phổ thông. Ông nói rằng con mình cứ đòi học nghề biển nên ông quyết định truyền nghề cho con. "Tui già yếu rồi cũng có lúc phải nghỉ, không làm mãi được. Nhưng con tàu thì vẫn còn và nghề biển thì phải có người nối nghiệp, con trai sẽ thay tôi nối nghề tổ tiên đã truyền lại", ông Dự tâm sự.

Chủ tịch UBND xã Tam Giang (Núi Thành) Phạm Văn Châu nói rằng không chỉ nhiều gia đình chung tàu để đi biển mà ở Tam Giang hay các vùng biển ở Núi Thành có nhiều xóm làng đi biển cả nhiều đời, nhiều thế hệ, cả dòng họ cùng ra biển. Bà con đơn giản chỉ coi nghề biển là công việc mưu sinh, thói quen sống với biển khiến ngư dân ít chọn nghề khác.

*****************

Chỉ còn một bàn tay lành lặn nhưng ngư dân 50 tuổi này suốt mấy chục năm qua vẫn dọc ngang trùng khơi để mưu sinh và bao phen cứu người.

>> Kỳ tới: Người ngư dân một tay trên sóng gió đại dương

Can trường trên sóng gió đại dương - Kỳ 2: Ba lần đối diện tử thần vẫn không rời tàuCan trường trên sóng gió đại dương - Kỳ 2: Ba lần đối diện tử thần vẫn không rời tàu

Ở làng biển Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) hay đi ngư trường Hoàng Sa, không ít chuyện ngư dân trở về từ cửa tử.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên