08/03/2023 10:35 GMT+7

Can trường trên sóng gió đại dương - Kỳ 2: Ba lần đối diện tử thần vẫn không rời tàu

Ở làng biển Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) hay đi ngư trường Hoàng Sa, không ít chuyện ngư dân trở về từ cửa tử.

Gặp nhiều hiểm nguy, vất vả nhưng ông Sanh luôn sống vui vẻ, thân thiện - Ảnh: B.D.

Gặp nhiều hiểm nguy, vất vả nhưng ông Sanh luôn sống vui vẻ, thân thiện - Ảnh: B.D.

Nhiều người ngỡ như thân xác đã chìm sâu dưới sóng nước nhưng vẫn trở về như phép màu. Và đặc biệt dù đối diện với hiểm nguy, rất hiếm ngư dân nào bỏ biển.

Mấy ổng đi biển bảo tui mạng lớn, không dễ chi chết. Nhưng chuyện may rủi không nói trước được, mình phúc phần lắm mới sống tới giờ. Có điều tui vẫn không thấy nản, không sợ biển. Tui vẫn theo anh em giong thuyền ra biển nối nghề cha ông mình.

Ông Nguyễn Tấn Sanh

Chuyến biển hiểm nguy

Ở cái tuổi 59 như ông Nguyễn Tấn Sanh, nhiều ngư dân làng Đông An (thôn 4, xã Tam Giang, Núi Thành, Quảng Nam) đã lên bờ nghỉ ngơi để con cháu kế nghiệp hướng tàu ra Hoàng Sa. Nhưng mỗi ngày ông Sanh vẫn theo bạn ra biển. Ba lần trở về từ cửa tử và là thế hệ kế tiếp của gia đình nhiều đời kiếm sống từ biển, ông Sanh được mệnh danh là "người bất tử" ở làng biển Đông An.

"Mỗi chuyến biển trở về, dân biển tụi tui hay tụ tập trên tàu rượu trà. Lần nào mấy ổng cũng lôi chuyện tui ra "làm mồi" và bảo rằng mạng tui lớn, tới hà bá cũng phải thả tay", ông Sanh kể chuyện khi vừa kết thúc chuyến biển đầu năm. Nhắc đến ông, những người bạn biển ở Đông An đều nghĩ đến một ngư dân dạn dày sóng nước, có thể dầm mình hàng giờ dưới sóng và được mệnh danh là "người bất tử" khi thoát lưỡi hái tử thần biển cả tới ba lần.

Lần sinh tử tới giờ vẫn ám ảnh ngư dân ở Tam Giang nhất của ông Sanh là vào năm 1990. Những ngày đó mỗi cuộc ra biển là hành trình bất trắc mong manh, không những tàu nhỏ, trang bị cứu sinh sơ sài mà thiết bị liên lạc gần như không có. Chiếc tàu cá của ngư dân tên Lễ nhổ neo, đưa 11 anh em bạn hướng ra vùng biển Hoàng Sa để câu mực. Mọi thứ thuận buồm xuôi gió, trời yên sóng lặng cho tới khi trải qua ngày thứ 10.

Ông Sanh kể rằng vì thuyền câu mực nên công việc chỉ diễn ra ban đêm. Trời sẩm tối, vùng biển nơi tàu thả neo cách đất liền hơn 100 hải lý bỗng đứng gió, mồ hôi rít lên trên làn da muối của ngư dân. Kinh nghiệm đi biển khiến những người trên con tàu đoán sẽ có dông lốc, nhưng qua tới 0h đêm trời vẫn yên. Chủ tàu nói anh em thả thúng thành hàng, rồi mỗi người đi câu mực một hướng để khoảng tảng sáng thì tàu sẽ đi gom về.

2h sáng, một đám mây xám xịt, rồi cuồng phong cùng mưa nổi lên như xé nát mọi thứ chòng chành trên mặt biển. "Tui biết lốc tới nên cố hét thật to, nhưng thúng nơi tui thả câu đã trôi cách xa tàu, trời lại gió mưa, không ai nghe thấy", ông Sanh nhớ lại và kể rằng năm ấy ông tròn 31 tuổi, mới lấy vợ và sinh được một đứa con.

Dông lốc dữ dội bất ngờ, ông bị hất xuống nước, chiếc thuyền thúng lật úp nửa chìm nửa nổi. Trời tảng sáng, mặt biển bình yên như chưa từng có bão dông vừa đi qua. Ông Sanh một tay bám chặt vào phần đáy thúng là là trên mặt nước, tay kia đảo hướng chới với tìm lại chấm nhỏ hy vọng mong manh là chiếc tàu cá cùng anh em, nhưng không có gì ngoài sóng.

Lênh đênh trôi nổi trên biển, ông Sanh chỉ là chấm nhỏ li ti, mong manh, một con cá dữ bất kỳ cũng có thể biến ông thành miếng mồi. Không còn lựa chọn nào khác, ông cố bám giữ vào chiếc thúng câu và cầu nguyện phép màu sẽ đến. Nhưng phép màu đó không đến ngay mà đưa ông qua những phút giây tưởng như không còn hy vọng sống.

"Tui bám vào thúng, nằm ngửa đầu ngước lên trời. Trời nắng chang chang, thân thể tui kiệt quệ dần. Ngày đầu tiên tui còn đỡ, qua ngày thứ hai thì đói, khát và lạnh khiến cơ thể như muốn rời ra từng phần. Có lúc tui mệt quá thiếp đi, tay lơi khỏi thành thúng nhưng nửa người vẫn nổi lên mặt nước. Cơ thể trôi tự do cách thúng mấy mét, tới lúc sóng chồm lên mặt tui mới tỉnh dậy và lại bơi bấu víu vào chiếc thúng", ông Sanh kể.

Ngư dân 59 tuổi này nói rằng do chiếc thúng quá lớn, ông lại mệt lả nên không thể nào vần thúng ngửa lên được. Một đêm, hai đêm, rồi tới đêm thứ ba, khi xác định không còn hy vọng nữa thì ông bừng tỉnh khi thấy ánh đèn nhỏ như con đom đóm nổi lên trên mặt nước cách nơi ông đang dạt khoảng mấy trăm sải tay. "Tui hét lên ông trời ơi cho con sống đi. Rồi giơ tay lên cố kêu cứu. Nhưng lúc đó quá tối, tầm 4h sáng, sóng cao và tiếng ồn lớn nên chiếc tàu kia không nhận ra tui", ông Sanh nói.

Tìm thấy cửa sống trong giây phút tuyệt vọng giữa sóng biển, ông Sanh dùng hết sức lực của mình bơi dìu chiếc thúng về hướng mũi di chuyển của chiếc tàu để hy vọng mặt trời ló rạng lên, bạn tàu trên đó sẽ nhìn thấy ông. Đúng như dự tính, khoảng 5h sáng, khi đang thả thúng câu mực thì một ngư dân trên chiếc tàu cá Quảng Ngãi nhận ra cánh tay chới với của ông Sanh...

"Mắt tui đục, cơ thể chia làm hai phần gồm phần bạc trắng nhễu từ cổ trở xuống vì ba ngày ngâm dưới nước, phần cháy đen như thịt nướng từ cổ trở lên. Khi được đưa lên tàu, thấy ca đựng nước loại 1 lít, tui ngửa cổ làm hết ba ca mới bừng tỉnh", ông Sanh kể lại giây phút được cứu sống. 

Sau đó, ông mới biết chiếc tàu gỗ chở ông lúc bị nạn cũng cố tìm ông nhưng không thấy, trong khi những bạn trên thúng khác đều được vớt hết. Tàu về bờ, anh em đã báo ông mất tích và như vậy có nghĩa là chết, nên vợ ông đã lập bàn thờ...

Đời ngư dân chỉ thuộc về những người khỏe mạnh, can trường - Ảnh: TRẦN MAI

Đời ngư dân chỉ thuộc về những người khỏe mạnh, can trường - Ảnh: TRẦN MAI

Trở về trước... di ảnh

Kể lại hành trình sinh tử, ông Sanh bảo rằng năm đó nếu chết đi thì giờ vợ ông đã có thể phải lập mộ gió thờ chồng. Mà không chỉ ông xác định đã chết, khi trên đường lếch thếch cuốc bộ về đến đầu thị trấn Núi Thành, ông được công an đưa vào đồn rồi thấy vợ của mình cũng đang ở đó để làm thủ tục xác nhận chồng tử nạn, lo mai táng. 

"Vợ tui ngồi trong đồn công an vừa trình bày, vừa khóc đỏ hoe mắt. Trên tay bả lúc đó đang ôm cái di ảnh tui vừa ra tiệm tráng về để lên bàn thờ tui", ông Sanh kể.

Chiếc tàu cá vớt được ông là của nhóm ngư dân Sa Huỳnh, Quảng Ngãi. Do sóng lớn, tàu không thể vào Quảng Nam nên ông Sanh được đưa về cảng Sa Huỳnh. Anh em bạn nghề cho ăn uống no rồi dúi vào tay một ít tiền đi xe. Đó là ngày thứ 7 từ lúc mất tích. Ông đứng bên vệ đường rồi vẫy xe đón ngược về hướng Núi Thành, Quảng Nam. Khi về đến đồn công an thì mới biết là vợ ở nhà đã lập bàn thờ, hương khói nghi ngút, bà con chòm xóm tập trung kín sân.

"Thấy bà vợ chở tui về, cả làng chạy tán loạn. Ai cũng bảo mày chết rồi sao còn về đây. Tui bảo mạng mình lớn dễ chi chết. Thế là đám tang từ tang thương ngút trời bỗng rôm rả, mọi người đi dỡ bàn thờ, dọn dẹp mọi thứ để chuyển thành lễ ăn mừng tui sống sót trở về", ông Sanh cười kể.

Ngoài lần lù lù trở về trước di ảnh thờ năm 1990, ngư dân Nguyễn Tấn Sanh còn chết hụt thêm hai lần khác và lần nào cũng gần như không còn tia hy vọng. Đó là các chuyến biển vào 1996 và chuyến gần đây nhất là 2018. Chuyến ông gặp nạn 1996 cũng gần vị trí gặp nạn lần trước ở Hoàng Sa và cũng bị dông bão làm lật thúng lênh đênh mãi mới được vớt. Còn năm 2018, trong lúc tàu chạy vào trú bão ban đêm ở đảo Song Tử Tây, ông Sanh bị sóng hất văng và mất tích hàng chục giờ rồi mò được vào bờ trong sự ngỡ ngàng và vui mừng của bạn nghề.

Thế nhưng chỉ ít hôm sau, bạn nghề lại thấy ông lù lù ra bến tàu để tiếp tục treo mình trên đầu sóng ngọn gió...

Ông chưa rời tàu, cha đã bước lên. Và cha chưa lên bờ thì con cháu lại tiếp nối. Họ truyền đời giương cao ngọn cờ Tổ quốc trên biển.

Kỳ tới: Truyền đời cỡi sóng gió Hoàng Sa, Trường Sa

Can trường trên sóng gió đại dương - Kỳ 1:  Vẫn đi biển sau chuyến tàu định mệnhCan trường trên sóng gió đại dương - Kỳ 1: Vẫn đi biển sau chuyến tàu định mệnh

Câu chuyện về những ngư dân Việt đã đến đời thứ 3, thứ 4, thậm chí nhiều hơn nữa vẫn tiếp nối can trường trên đầu sóng ngọn gió đại dương.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên