07/03/2023 09:56 GMT+7

Can trường trên sóng gió đại dương - Kỳ 1: Vẫn đi biển sau chuyến tàu định mệnh

Câu chuyện về những ngư dân Việt đã đến đời thứ 3, thứ 4, thậm chí nhiều hơn nữa vẫn tiếp nối can trường trên đầu sóng ngọn gió đại dương.

Hai bạn tàu của ông Dự đã mất trên biển năm 2017, nhưng ông vẫn tiếp tục ra khơi.

Hai bạn tàu của ông Dự đã mất trên biển năm 2017, nhưng ông vẫn tiếp tục ra khơi.

Nhiều người từng bị đắm tàu, mất mát người thân, vẫn giong thuyền ra biển. Ngoài cuộc mưu sinh, họ còn như chính ngọn cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc...

10h sáng ngày 8-11-2017, tàu Trường Sa 18 của Hải quân cập cảng Kỳ Hà, đưa 33 ngư dân và hai thi thể trên chiếc tàu câu mực gặp nạn trong lúc cố chồm sóng vào neo trú bão ở đảo Song Tử Tây.

"Từ xưa tới giờ ít khi nào tui thấy chán nghề biển. Có lúc tui đã sắm một cái xe tải nhỏ chở hàng từ Quảng Nam ra Đà Nẵng, nhưng chỉ chạy một thời gian lại quay về đi biển tiếp.

Ông Nguyễn Văn Dự

Cứ lớn lên là đi biển

Đứng trên bờ đỏ hoe mắt, người phụ nữ có chồng đi trên con tàu đã như vỡ òa khi biết chồng mình còn sống. Sau chuyến đi hãi hùng ấy, gặp lại những ngư dân trên con tàu định mệnh, chúng tôi vẫn thấy họ ra khơi.

Trong đó, người trải sóng nhiều năm và gia đình có nhiều đời đi biển nhất có lẽ chính là ông Nguyễn Văn Dự ở thôn 3, xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Ông Dự ngồi trong căn nhà, cột buộc lại mấy kiện hàng, gói ghém mấy bộ quần áo vừa được vợ giặt sạch để lên tàu chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày. Sau nhiều năm ăn sóng nằm đáy biển (nghề lặn) thuộc làu từng vực đá ở Hoàng Sa, Trường Sa, đầu năm 2022 ông Dự đã tự sắm được cho mình con tàu trị giá 2,5 tỉ đồng.

Với ngư dân đi khơi, tàu như của ông Dự dẫu không phải là lớn, nhưng là thứ đáng tự hào nhất của một đời làm ngư dân, đôi khi phải hai ba đời cha con gối đầu dành dụm mới sắm nổi.

Ông Dự dẫn tôi ra cảng cá nơi tàu gỗ của ông đang neo đậu. "Từ ngày mua tàu mới, tui ở trên đó gần như suốt ngày. Đi biển hơn một năm rồi mà cảm giác vẫn cứ háo hức như mới cưới vợ. Có tàu của riêng mình, tui gọi tám bạn nghề rồi mỗi năm đi ra Hoàng Sa, Trường Sa ít nhất năm chuyến".

Chuyến mới nhất mà con tàu số hiệu Qna-90368 của ông vừa trở về là những ngày đầu tháng 2. Tàu ra được hơn 100 hải lý thì gặp thời tiết không thuận lợi, vùng biển ít cá nên chuyến đó chỉ gom được ít tôm, mực, các loại cá rẻ tiền.

Nhưng ông Dự nói không buồn vì đã xác định theo nghề biển là chấp nhận rủi ro, chuyện lỗ lời giờ như thời tiết, lúc nắng lúc mưa mà người đi biển phải chấp nhận.

Nhà người ngư dân rắn rỏi khá kiên cố, nằm ngay sát đường dẫn vào thôn 3, Tam Giang. Ở đó đa số bà con đều làm nghề biển. Trai tráng lớn lên thì nhảy lên tàu "đi chơi", tức là đi tập sự, tập nghề biển. Phụ nữ ở nhà thì đi làm công nhân hoặc ra chợ buôn cá, kinh doanh hải sản, mở tiệm ăn.

Vợ ông Dự chọn một góc nhà rồi mở quán bún bán cho bà con. Nhiều chuyến đi biển về trúng mánh, vợ ông phải đóng tiệm ăn, phụ chồng bán hải sản. Xong việc, bà lại đôn đả ra chợ sắm thức ăn, dầu hành, thuốc men, gạo muối chất lên tàu cho chồng đi khơi chuyến mới.

Ông Dự nói rằng mình năm nay 50 tuổi nhưng cái nghiệp gắn bó và không thể thoát ra được nghề biển.

"Tui không rõ cố nội tui và các thế hệ trước đó có làm nghề biển hay không nhưng nội tui, ba tui rồi tới lượt tui và chắc chắn mấy đứa con cũng sẽ gắn bó với nghề câu mực. Vậy là ít nhất bốn đời đi biển rồi. Mà cả vùng này từ khi tui lớn lên đều thấy phần lớn bà con dựa vào biển để mưu sinh chứ không biết nghề gì hơn", ông Dự nói.

50 tuổi nhưng ông Dự trông già hơn so với tuổi thật của mình. Dân đi biển đa số già nhanh, tuổi nghề ngắn vì dầm dề thời thanh xuân trên sóng cả. 8 tuổi, ông Dự đã bỏ dở việc học hành rồi theo cha ra khơi để học nghề câu mực.

Một thời gian sau vẫn còn quá nhỏ để một thiếu niên 14-15 tuổi nếm và hiểu những khó khăn nhọc nhằn khi gửi mạng sống giữa đại dương bao la.

Ông Dự đến bến cảng, chuẩn bị cho chuyến ra khơi xa - Ảnh: B.D.

Ông Dự đến bến cảng, chuẩn bị cho chuyến ra khơi xa - Ảnh: B.D.

Nhiều lần hụt chết vẫn không bỏ nghề

Mấy chục năm ngụp lặn dưới sóng nước, ông Dự cho biết đã trải qua hàng chục lần hụt chết. Chuyện ngư dân đi biển gặp mưa bão là bình thường. Nhưng sự bình thường đó không đơn giản khi vài chục năm trước việc trang bị thông tin liên lạc cho tàu cá của ngư dân đánh bắt xa bờ hầu như chẳng có gì.

Nhắc lần hụt chết 20 năm trước trên vùng biển Hoàng Sa, ông Dự nói rằng đợt đó tàu của ông chỉ nhỏ như một chiếc ghe, dài chừng 30m. Sau nửa tháng rời bờ, anh em bạn nghề chưa kịp vui vì trúng luồng cá thì bất ngờ bão lớn ập tới. Tàu trang bị sơ sài gần như không nhận được bản tin nào về cơn bão lớn đang tiến vào Biển Đông. Cho tới khi biết cơn cuồng phong thì mọi thứ đã quá trễ.

Ông Dự kể không chỉ tàu ông mà khoảng vài chục chiếc của anh em khác cũng đánh cá trong vùng và không biết tin có bão. Vài giờ trước khi bão đổ bộ, đoàn tàu xếp thành dãy cố nổ máy chạy hướng ngược lên Hoàng Sa nhưng đi được vài chục hải lý thì bão ập đến.

"Gió khủng khiếp và trời tối đen như mực. Bão lại đổ bộ vào lúc 20h nên chúng tôi cố chiếu sáng toàn tàu, gọi các bạn bên cạnh lấy dây thừng kết nối các tàu lại với nhau nhưng không quá gần để tàu không va vào nhau. Nếu chẳng may tàu chìm thì anh em còn biết để hỗ trợ, tìm thấy nhau.

21h rồi 22h, khủng khiếp nhất là lúc 3h sáng ngày hôm sau, chúng tôi thấy gần như cả mặt biển bị quăng lên rồi thả rơi tự do xuống đáy. Tàu bị sóng xé vỡ vụn các thiết bị, chỉ còn khoang. Dây thừng nối các tàu lại với nhau cũng bị giật đứt. Lúc đó không ai nghĩ gì về tàu nữa, cứ bám vào đâu được thì bám để giữ mạng sống.

Khoảng 4h sáng, trời bắt đầu quang tạnh, mặt trời nổi lên, gió lặng. Lúc đó chúng tôi nhìn thấy nhau và biết là mình đã sống sót. Nhưng không một tàu nào giữ lại được thứ gì ngoài cái vỏ và dàn máy", ông Dự nhớ lại.

Vị ngư dân làng biển Tam Giang nói rằng sau đêm hãi hùng đó, rất nhiều lần ông đối diện với sống chết nhưng gần như cứ sau một lần thì thân thể lại vững vàng, tinh thần lại sẵn sàng và bình thản hơn với nguy nan.

"Dù sao chúng tôi cũng đâu có bỏ biển mà lên bờ kiếm việc khác được. Sống riết với cái nghề này giờ như ăn mặn quen miệng, ăn thứ khác vô nhạt nhẽo là không chịu được. Vả lại, đi biển cũng không chỉ là mưu sinh mà kế nghiệp tổ tiên giữ chủ quyền biển cả của nước mình nữa", ông Dự trải lòng.

Ông Dự tâm sự rằng sau những chuyến đi biển hãi hùng, vợ ông hay khuyên ông thôi nghề, kiếm việc khác để làm. Thật sự, ông cũng phải mất vài tháng để lấy lại thăng bằng, nhưng khi mọi thứ qua đi ông lại quay đầu về hướng biển.

"Tui phải đi biển thôi, mình làm nghề của cha ông quen rồi. Biển của đất nước cũng là biển của tổ tiên mình", ông Dự tâm sự với vợ và các con lúc đó.

Ngày 31-10-2017, chiếc tàu cá mà ông Dự đi biển cố tiếp vào âu tàu đảo Song Tử Tây để trú bão nhưng sóng quá lớn đã đánh lật úp. Chủ tàu và một ngư dân rơi xuống biển tử nạn. Chới với giữa sóng lớn, các ngư dân đã được bộ đội hải quân đưa vào bờ an toàn.

Chuyện ngư dân gặp hiểm nguy trên biển thì nhiều. Nhưng trải qua sinh - tử tới 3 lần, vợ đã lập bàn thờ hương khói rồi mà vẫn sống như ông Sanh thì phải nói là mạng lớn.

Kỳ tới:Ba lần đối diện tử thần vẫn không bỏ tàu

Cuộc thoát nạn kỳ diệu trên biểnCuộc thoát nạn kỳ diệu trên biển

TTO - Sóng dữ quăng quật từng cơn. Gió mùa đông bắc lạnh tê tái. Ầm. Người ngư dân rơi xuống đại dương mênh mông. Kiệt sức! Tuyệt vọng! Anh đã nghĩ đến nấm mộ gió của mình. Bất ngờ...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên