Tâm lý chung của người tiêu dùng là e dè, không dám ăn thịt heo vì lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe sau một vụ việc chấn động như thế.
Việc tiêm thuốc an thần cho heo với quy mô lớn, ở một nơi giết mổ hợp pháp và được "bảo chứng" bởi sự hiện diện của các cán bộ thú y làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát càng cho thấy mức độ táo tợn, coi thường pháp luật của thương lái.
Hành vi này không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng đến những người làm ăn đàng hoàng và những nông dân chăn nuôi heo chân chính.
Cũng có thể coi hành vi này là một tội ác, vì tồn dư của thuốc trong thịt heo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của nhiều thế hệ và thể chất của giống nòi. Và vì đó là tội ác nên dư luận đòi hỏi phải xử thật nghiêm, thật mạnh dù có thể luật chưa điều chỉnh tới.
Theo dõi phản ứng của người dân những ngày qua trên mặt báo thì thấy hầu hết đều biểu thị sự phẫn nộ bởi hành vi coi thường sức khỏe, tính mạng người khác của gian thương.
Dư luận phẫn nộ bởi các thương lái biết rõ việc tiêm thuốc an thần cho heo là độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người nhưng vì hám lợi nên họ bất chấp.
Khi được hỏi về tính chất vụ việc này, hầu hết các chuyên gia pháp luật đều đồng tình rằng việc tiêm thuốc an thần cho hàng ngàn con heo là hành vi cố ý, có tổ chức và rất nguy hiểm nên cần phải xem xét đến khía cạnh tội phạm hình sự.
Đã không biết bao nhiêu lần heo rớt giá, chuồng trại tiêu tan, người chăn nuôi phá sản vì những kiểu làm ăn gian dối khiến người tiêu dùng tẩy chay, nay vì lợi nhuận, thương lái sẵn sàng tiêm thuốc an thần cho heo. Vì sức khỏe người tiêu dùng, Nhà nước cũng cần phải tiêm thuốc "an thần" cho thương lái để họ tịnh tâm, suy nghĩ về hành vi tội ác của mình.
Liều thuốc này phải thật mạnh mới mong trị được kiểu làm ăn bất chính, coi đồng tiền quan trọng hơn tính mạng và sức khỏe người khác.
Vậy "liều thuốc" đó là gì? Trước mắt là đánh mạnh vào kinh tế bằng việc xử phạt nặng, tiêu hủy toàn bộ số heo tang vật, cấm hành nghề. Về lâu dài, nếu luật chưa quy định, chưa có chế tài đủ mạnh thì cần phải sớm sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật xử lý vi phạm đối với các hành vi này theo hướng nghiêm khắc hơn, mức xử phạt phải nặng hơn.
Thậm chí phải tính đến việc xử lý hình sự chứ không chỉ nộp phạt dăm ba chục triệu đồng rồi đâu lại vào đấy. Có như vậy mới đủ sức răn đe những gian thương làm giàu trên sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận