05/06/2018 12:59 GMT+7

Cảm ơn giọt nước mắt của con!

UYÊN NHI
UYÊN NHI

TTO - Tôi có hai người con. Con gái đầu khá ngoan và dễ dạy, vợ chồng tôi chịu khó lao động vất vả kiếm tiền đầu tư cho việc học của con. Con trai thứ hai, ra đời cách chị 6 năm, hơi bướng bỉnh chứ không ngoan như chị.

Cảm ơn giọt nước mắt của con! - Ảnh 1.

Những người tôi quen biết có vài người theo nghề bói toán, xem tướng, chấm tử vi (tôi lại rất tin vào những điều này). Khi tôi nói ngày tháng năm sinh của con trai thì phần đông họ đều bảo đó là một đứa trẻ ngang tàng, phá của, sau này chẳng làm nên tích sự gì.

Có lẽ ám ảnh bởi những điều đó nên tôi thương con gái nhiều hơn, và những lỗi lầm của con trai gây ra (đôi khi chỉ là do nghịch ngợm) như làm bể bóng đèn, làm hư đồ chơi… tôi đều mặc định là vì cháu… phá của! Ngay cả đến việc học của con trai tôi cũng không quan tâm nhiều như chị cháu.

Nếu ngày ấy, con không rưng rưng nhìn mẹ và nói lên ước mơ vào đại học, có lẽ mẹ đã quyết định sai lầm và như vậy thì làm sao mẹ nhìn thấy được những nỗ lực của con, để hôm nay mẹ thật sự sung sướng và hãnh diện vì đứa con mẹ từng nghĩ là vô tích sự

Uyên Nhi

Có lẽ cháu cũng biết điều đó nên thi thoảng lại gây ra những chuyện buộc gia đình phải chú ý đến mình nhiều hơn.

Khi cháu học phổ thông, tôi thường xuyên phải ở lại sau những buổi họp phụ huynh để nghe cô chủ nhiệm phàn nàn việc con hay đi học trễ, không làm bài tập về nhà, không thuộc bài, hay gây ồn ào mất trật tự trong giờ học… - những việc mà chị cháu suốt 12 năm học chưa phạm phải bao giờ.

Điều này khiến tôi không thể không so sánh để rồi nhớ lại những lời phán của các vị thầy bói từ nhiều năm trước. Tôi không khỏi chạnh lòng, thấy buồn cho số phận của mình, đôi lúc tôi còn hối hận nhủ thầm "biết vậy mình chỉ sinh một đứa...".

Lúc con trai vào học cấp III, tôi để cháu tự chọn khối mà mình thích học chứ không tham gia tư vấn. Ngay cả việc học thêm để luyện thi đại học, cháu chọn học ở đâu, giáo viên nào thì tôi chỉ đóng tiền chứ không ý kiến gì, cũng không bỏ công sức tìm hiểu xem sự lựa chọn đó có khả thi không.

Ngày có kết quả thi đại học, cháu thiếu 1 điểm rưỡi để vào Trường đại học Tài chính marketing. Cháu có vẻ rất lo, nét mặt lúc nào cũng căng thẳng khi lên mạng tìm trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với số điểm của mình. Tôi cũng chẳng bận tâm nhiều, chỉ nói con hãy chọn một trường dạy nghề, làm công nhân cũng được.

Biểu cảm trên gương mặt con trai khi đó thật đáng thương! Tôi nhìn thấy rõ nét thất vọng trong đôi mắt của con và lần đầu tiên, tôi thấy con rưng rưng nước mắt. Cháu không nói với mẹ nhưng nói với chị Hai: "Bạn em thi có 15 điểm mà cũng được vào đại học, em thi 17 điểm rưỡi lại phải học nghề… Em rất muốn được học đại học như chị Hai".

Tự dưng tôi thấy tội nghiệp con, nên đặt tay lên vai cháu nhẹ nhàng: "Nhưng mà trường con chọn học phí cao nên mẹ sợ không lo nổi…". Con trai nhìn tôi, cất giọng van nài: "Mẹ ráng lo cho con học đi mẹ, con hứa nếu được vào đại học, con sẽ đi làm thêm phụ mẹ tiền học phí". Chồng tôi cũng lên tiếng: "Thôi, chỉ còn mình nó nữa là xong, vợ chồng mình ráng chút đi!".

Khoảnh khắc ấy, nhìn vào đôi mắt ươn ướt của con, tôi quyết định cho cháu nộp hồ sơ vào trường đại học mà cháu thích. Được mẹ đồng ý, con trai phấn khởi hẳn lên và nhanh chóng làm thủ tục. Mặc dù không kỳ vọng nhiều về chuyện học của con, nhưng thấy cháu vui, tôi cũng nghe lòng mình trào dâng niềm hạnh phúc.

Vậy mà… Không ngờ cháu thực hiện đúng lời hứa của mình, không hề đòi hỏi tôi bất cứ điều gì, vui vẻ đi học đại học bằng xe đạp. Bất cứ khi nào có thời gian nhàn rỗi là cháu xông xáo chạy tìm kiếm việc làm, từ giao hàng đến phục vụ quán cà phê, tiếp viên nhà hàng, cháu đều không quản ngại. 

Tất cả tiền kiếm được, con trai đều đưa hết cho mẹ, chỉ chừa lại một ít tiền đổ xăng. Ngay năm học đầu tiên, cháu đã được học bổng của trường và cả những năm sau đều như thế, góp phần giúp mẹ giảm bớt gánh nặng về chi phí học tập.

Thi tốt nghiệp xong, chưa nhận bằng cháu đã kiếm việc làm và may mắn được nhận sau 2 lần phỏng vấn. Ngày nào đi làm cháu cũng giở theo cơm mẹ nấu, hằng tháng đóng góp cho mẹ một nửa số tiền lương, còn gửi mẹ để dành một khoản nhỏ cho mình.

Nhìn con từng ngày một trưởng thành và hiếu thảo với mình, tôi vô cùng cảm động. Thật sự tôi không ngờ đứa con trai bướng bỉnh, bị gắn mác "phá của" ngày nào bây giờ đã làm nên tích sự chứ không phải là vô dụng như thầy bà đã phán. 

Nghĩ lại, tôi thương cháu vô cùng. Cảm ơn giọt nước mắt của con! Nếu ngày ấy con không rưng rưng nhìn mẹ và nói lên ước mơ vào đại học, có lẽ mẹ đã quyết định sai lầm và như vậy thì làm sao mẹ nhìn thấy được những nỗ lực của con, để hôm nay mẹ thật sự sung sướng và hãnh diện vì đứa con mẹ từng nghĩ là vô tích sự.

Cho mẹ xin lỗi nhé, con trai! Mẹ cảm ơn con vì tất cả những gì con cố gắng!

Từ ngày 1-6 đến 4-6, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Nguyễn Hà Tiên (An Hưng); Nguyễn Thị Thu Thủy; Nguyễn Thu Thủy (Gò Vấp, TP.HCM); Nguyễn Thị Thủy Tiên, Nguyễn Thị Ngọc Phương (quận 9, TP.HCM); Trần Thị Thanh Mai (Nghệ An); Lê Khánh Hà (quận 7, TP.HCM); Huỳnh Tấn Chánh (Đà Nẵng); Phạm Thị Ngọc Trâm (Quảng Nam); Nguyễn Đình Quảng (Hà Nội); Phạm Thị Thu Hạnh (Đắk Lắk); Nguyễn Hữu Thi (Tiền Giang); Nguyễn Thị Thanh Thủy (Bà Rịa).

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi xin gửi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM hoặc qua email khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn. Trân trọng.

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Chiếc ghế đá bệnh viện Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Chiếc ghế đá bệnh viện

TTO - Tôi nhận kết quả tại phòng khám nhưng không mở ra ngay, mà cầm ra ngoài sân bệnh viện. Chọn một cái ghế đá cạnh gốc cây, tôi bóc ra.

Cảm ơn giọt nước mắt của con! - Ảnh 5.
UYÊN NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên