02/07/2015 09:13 GMT+7

Cảnh sát biển VN chạm trán cướp biển: 8 vị khách không mời

DUY KHÁNH - MY LĂNG
DUY KHÁNH - MY LĂNG

TT - Ngày 25-6 vừa rồi, tám tên cướp biển trong vụ cướp tàu Orkim Harmony (quốc tịch Malaysia) đã được Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (CSB) 4 (Phú Quốc) bàn giao cho Cục Cảnh sát hình sự (C45) và được di lý ra Hà Nội để tiếp tục điều tra.

Cảnh sát biển áp giải một trong số tám tên cướp về căn cứ  Vùng CSB 4 (Phú Quốc) ngay trong đêm để lấy lời khai - Ảnh: MINH TUẤN
Cảnh sát biển áp giải một trong số tám tên cướp về căn cứ Vùng CSB 4 (Phú Quốc) ngay trong đêm để lấy lời khai - Ảnh: Minh Tuấn

“Đây là nhóm cướp có vũ trang và rất chuyên nghiệp. Chúng rất manh động, đã bắn một thuyền viên bị thương và làm bị thương 11 thuyền viên khác. Tàu Orkim Harmony có 16 thủy thủ, chở hơn 6.000 tấn xăng (ước tính trị giá 7,5 triệu USD). Vụ việc xảy ra có ảnh hưởng lớn đến dư luận quốc tế về an ninh hàng hải ở khu vực biển ASEAN. Trong vụ việc này, bọn cướp cũng lặp lại thủ đoạn rất tinh vi như vụ tàu Zafirah (tháng 11-2012): sơn lại màu, thay số IMO (số đăng ký hàng hải quốc tế), tắt AIS (thiết bị nhận dạng mục tiêu tự động)...” - thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm nói.

Những “ngư dân bị nạn”

5g chiều 18-6, Bộ tư lệnh CSB VN nhận được thông tin từ phía Malaysia về tọa độ tàu Orkim Harmony và cho biết tàu đang cách đảo Thổ Chu 23 hải lý về phía tây nam (thuộc vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam).

Từ thông tin trên, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm quyết định điều thêm tàu CSB 2004 (Bộ tư lệnh Vùng CSB 4) phối hợp cùng tàu CSB 2002 ra khu vực trên truy tìm, đồng thời cùng với các tàu phía Malaysia sẵn sàng tấn công giải cứu.

Trong đêm tối, khi nhận được lệnh, tàu 2004 xuất phát. Cũng như lần đi tìm tàu Sunrise 689, lần này tàu 2004 tiếp tục đối diện với sóng to gió lớn, tầm nhìn rất hạn chế. Mắt thường chỉ quan sát được ở tầm 4 - 5 hải lý, còn ống nhòm chuyên dụng chỉ phát hiện được mục tiêu ở khoảng cách 7 - 8 hải lý. Khi ra đến khu vực được chỉ thị, tàu 2004 cùng với tàu 2002 lập đội hình tìm kiếm trong phạm vi lên đến 50 hải lý.

Đến 8g sáng 19-6, Bộ tư lệnh CSB VN nhận được thông tin đầy bất ngờ: các nghi phạm đã rời tàu Orkim Harmony bằng xuồng cứu sinh của tàu lúc 8g tối 18-6! Trước khi bỏ trốn, chúng dùng sơn đen sơn phủ số và ký hiệu xuồng cứu sinh để thuận tiện trốn thoát.

Diễn biến mới này khiến cuộc truy lùng càng trở nên quyết liệt. Vì nếu không kịp tìm ra, chúng có thể sẽ lên đảo trà trộn và ẩn nấp, hoặc cũng có thể chạy sang vùng biển Campuchia hoặc về Malaysia... khiến quá trình tìm kiếm càng trở nên phức tạp.

Tư lệnh Nguyễn Quang Đạm đã trực tiếp chỉ đạo biên đội tàu CSB 2002 và 2004 tiếp tục lùng sục, tìm kiếm xuồng của bọn cướp biển. Biên đội tàu CSB 2002 và 2004 chia nhau khoanh vùng, phạm vi tìm kiếm, quyết không bỏ sót một mục tiêu nghi vấn nào trong bán kính 20 - 30 hải lý.

Chỉ 90 phút sau, 9g30, Bộ tư lệnh CSB VN nhận được thông tin từ đồn biên phòng Thổ Chu: có một xuồng màu da cam chở tám người nước ngoài khai là ngư dân bị nạn trên biển xin vào đảo.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm nhận định đây chính là xuồng của bọn cướp bỏ chạy từ tàu Orkim Harmony nên ra lệnh: biên đội tàu CSB 2002, 2004 khẩn trương đưa lực lượng lên đảo Thổ Chu phối hợp với đồn biên phòng lấy lời khai ban đầu, đưa xuồng cùng nhóm người này về Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 tại Phú Quốc để tiếp tục đấu tranh, làm rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng.

“Sau này tôi nghe kể lại, 6g sáng 19-6, các đồng chí bộ đội Quân khu 9 canh gác trên đảo Thổ Chu thấy một xuồng tám người nước ngoài dạt vào đảo, liền dẫn đến bàn giao cho đồn biên phòng” - thiếu tướng Đạm cho hay.

Nhóm cướp biển được chăm sóc khá tốtẢnh: DUY KHÁNH
Nhóm cướp biển được chăm sóc khá tốt - Ảnh: Duy Khánh

Họ cũng là con người

Lúc nhận được thông tin xảy ra vụ cướp tàu Orkim Harmony cũng là thời điểm Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 đang chuẩn bị đại hội đảng bộ lần thứ 4. Song song với công tác chuẩn bị đại hội, Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 đã chỉ đạo các đội tàu đang làm nhiệm vụ trên biển chủ động nắm tình hình, thường xuyên cập nhật thông tin liên quan thông qua Trung tâm Chia sẻ thông tin chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á (RECCAP).

17g ngày 17-6, Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 nhận được thông tin tàu Orkim Harmony nhiều khả năng đang đi qua vùng biển tây nam của Việt Nam. Đây cũng là lúc ban chấp hành đảng bộ vừa được bầu xong.

Nhận lệnh trực tiếp từ tư lệnh Vùng CSB 4, đại tá Nguyễn Văn Ba (phó tư lệnh, tham mưu trưởng) và thượng tá Lê Huy Sinh (phó chính ủy) chưa kịp chụp tấm hình ra mắt đại hội và chỉ có đúng 15 phút chuẩn bị hành lý cho chuyến đi truy bắt bọn cướp biển...

... Theo thông tin ban đầu, khoảng 20g ngày 20-6, tàu CSB 2002 và CSB 2004 sẽ cập bến An Thới (Phú Quốc), đưa tám tên cướp biển vào tạm giữ tại căn cứ của Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 để chờ cơ quan chức năng tiến hành các thủ tục điều tra, xử lý.

Tuy nhiên mãi đến gần 0g ngày 21-6, hai tàu CSB mới cập bến. Theo đại tá Nguyễn Văn Ba, hành trình từ đảo Thổ Chu về cảng An Thới rất vất vả. Sau mấy đêm thức trắng quần thảo trên biển theo dấu chiếc tàu bị cướp và săn đuổi nhóm hải tặc, các chiến sĩ CSB chưa kịp chợp mắt lại phải lo nấu nướng thức ăn cho tám tên cướp biển.

Tàu cập bến, tám tên cướp biển lục tục bước từ boong tàu lên cầu cảng trong sự áp giải của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Tại nhà tạm giữ của Vùng CSB 4, mặc dù đêm đã khuya, trời rất lạnh vì đang có mưa, các chiến sĩ của hai tàu CSB 2002 và 2004 đang rất mệt mỏi sau mấy ngày mất ngủ, nhưng các anh vẫn làm các thủ tục tạm giữ để chuẩn bị cho buổi lấy lời khai ngay sau khi trời sáng.

Đại tá Doãn Bảo Quyết - chính ủy Vùng CSB 4 - yêu cầu bộ phận hậu cần lấy chiếu, chăn trong kho ra trải cho tám tên cướp biển nằm vì trời đang lạnh, gió biển hắt vào từng đợt. Rồi chợt thấy không có gối, vị chính ủy hỏi nguyên do thì được biết gối trong kho không còn.

Đại tá Quyết lập tức chỉ đạo lấy gối từ phòng ngủ của nhà khách cho nhóm nghi phạm gối đầu. Những chiếc gối trắng tinh vốn chỉ dành cho khách đến công tác ở lại thì nay lại dành cho tám vị khách “không mời mà đến” này.

Thậm chí khi tám tên cướp biển ngỏ lời xin thuốc hút, mặc dù đêm khuya nhưng chỉ huy đơn vị cũng cử chiến sĩ ra ngoài doanh trại tìm mua mấy bao thuốc lá rồi tự châm đưa đến tận miệng cho từng tên.

Khi mọi công việc bàn giao đã xong, đồng hồ đã 3g sáng. Thiếu tá Hoàng Văn Cảnh - trợ lý phiên dịch - có lẽ là người vất vả nhất suốt ba ngày lênh đênh trên biển đã lắc đầu khi các chiến sĩ mời anh xuống bếp ăn cháo gà. Anh bảo: “Giờ chỉ muốn được ngủ một giấc thật dài”. Theo chân đại tá Nguyễn Văn Ba xuống nhà bếp, người phó tư lệnh mở nắp vung, nồi cháo gà đã nguội từ lúc nào. Không kịp hâm nóng, ông lấy bát múc ăn ngon lành.

Mãi đến tận chiều tối hôm sau, những cơn mưa bắt đầu nặng hạt kèm theo gió mạnh làm cho buổi lấy lời khai càng căng thẳng. Đại tá Doãn Bảo Quyết khoác vội áo mưa, đội nón cối xuống kiểm tra chỗ tạm giam tám tên cướp biển.

Sau khi quan sát, đại tá Quyết cho người dỡ vạt giường của chiến sĩ và đội mưa đem xuống kê chỗ nằm cho tám tên cướp biển.

Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, người chính ủy nhẹ nhàng nói: “Ở ngoài biển khơi chúng hung hãn, tàn bạo đến đâu không biết nhưng ở đây họ là con người. Chúng ta không thể lấy cái ác để đối xử với cái ác”.

Chia tay các chiến sĩ Bộ tư lệnh Vùng CSB 4 giữa cơn mưa đêm mịt mù, chúng tôi bắt tay các anh, chúc các anh có thể yên tâm ngủ ngon giấc đêm nay thì thượng úy Đào Duy Thành (thuyền trưởng tàu CSB 2002 - tàu trực tiếp bắt tám tên cướp biển) mỉm cười nói: “Không anh à! Đêm nay chúng tôi lại bắt đầu bước vào chương trình diễn tập bắn mục tiêu trên biển”!

____________

Kỳ tới: 3 chú cháu trong một trận đánh

DUY KHÁNH - MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên