Chiều 5-7, Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Tiểu đoàn DK1. Với quyết tâm "Còn người, chủ quyền của Tổ quốc còn", các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 đã xây dựng, hun đắp tinh thần ấy ngày càng mạnh mẽ.
Đó là yếu tố quan trọng để "thành đồng" DK1 ngày càng vững chắc, không gì có thể lay chuyển.
Nhà giàn DK1: "Thành đồng", những cột mốc chủ quyền
35 năm trước - ngày 5-7-1989, Tiểu đoàn DK1 được thành lập. Việc ra đời nhà giàn DK1 là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa cả về trước mắt lẫn lâu dài trong việc giữ vững toàn vẹn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trước khi được thành lập chính thức, vào tháng 11-1988, những biên đội tàu hải quân đã lên đường làm nhiệm vụ khảo sát các bãi đá ngầm ở thềm lục địa phía Nam để đặt nhà giàn.
Giữa năm 1989, ba nhà giàn đầu tiên gồm: DK1/3 (Phúc Tần), DK1/4 (Ba Kè A) và DK1/1 (Tư Chính A) được dựng lên trên vùng biển chủ quyền ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
"Đây là lực lượng đầu tiên, những cột mốc chủ quyền bằng xương, bằng thịt, tiên phong ra chốt giữ trên thềm lục địa, nơi tiền tiêu của Tổ quốc", thượng tá Phạm Ngọc Quý - chủ nhiệm chính trị Vùng 2 Hải quân - xúc động ôn lại.
Những năm đầu mới thành lập, những người lính hải quân DK1 phải đối mặt với muôn vàn khó khăn từ sự khắc nghiệt của thời tiết đến thiếu nước ngọt, rau xanh, liên lạc.
Trong công cuộc giữ chủ quyền, đã có năm nhà giàn đã bị gãy đổ do bão tố, chín cán bộ, chiến sĩ DK1 và bảy cán bộ trên các tàu trực hy sinh.
Còn người, còn nhà giàn DK1, còn chủ quyền Tổ quốc
Những khó khăn chồng chất ấy không hề làm nao núng, chùn bước người lính hải quân nhà giàn DK1. Từng thế hệ cán bộ, chiến sĩ DK1 ngày càng vững tay súng.
"Nhà giàn DK1 đã thấm vào máu, vào suy nghĩ của những ai đã từng sống, chiến đấu, bảo vệ chủ quyền ở đây. Bởi đó là địa bàn vô cùng đặc biệt khó khăn của Tổ quốc Việt Nam", thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh - nguyên chính trị viên Tiểu đoàn DK1 - bồi hồi, xúc động chia sẻ.
Có thể nói trường hợp của trung tá Bùi Xuân Bổng (quê Ứng Hòa, Hà Nội) với nhà giàn DK1 là khá đặc biệt.
Trong cuộc đời 35 năm quân ngũ của mình thì trung tá Bổng có 30 năm làm việc trên các nhà giàn DK1. Ông đã sống, chiến đấu, đã trải qua tất cả các thế hệ các nhà giàn từ "nhà ba chân", "nhà lâu bền" đến các nhà giàn hiện đại sau này.
"Yếu tố quan trọng để làm nên tinh thần ấy của người lính hải quân DK1 là bản chất truyền thống của con người Việt Nam. Đó là cái gì thuộc về chủ quyền của Tổ quốc thì không kể bộ đội mà toàn thể người dân đều quyết tâm giữ vững. Dù khó khăn đến mấy cũng phải quyết tâm giữ. Tinh thần ấy đã được hun nấu, bồi đắp từ ngàn xưa đến ngày nay", trung tá Bổng đúc kết.
Khi nói về thế hệ trẻ đang tiếp bước mình giữ chủ quyền, trung tá Bổng tin tưởng rằng chắc chắn anh em đang và sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền. Bởi mỗi người lính DK1 là con dân của đất Việt và ai cũng thấm nhuần quyết tâm giữ chủ quyền.
Trung tá Nguyễn Trung Đức - chính trị viên Tiểu đoàn DK1 - tự hào khi nói về cha anh mình. "Những thành tích của thế hệ đi trước càng làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ DK1 hôm nay tự hào. Đó cũng là nhân tố thôi thúc thế hệ trẻ DK1 quyết tâm bảo vệ chủ quyền", trung tá Đức tâm sự.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Phước Lộc - phó bí thư Thành ủy, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM - đánh giá cao, ghi nhận sâu sắc những thành tích Tiểu đoàn DK1 đạt được sau 35 thành lập.
Ông khẳng định DK1 là lực lượng đặc biệt, đang thực hiện nhiệm vụ đặc biệt do Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó.
Ông xúc động khi nói rằng cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1 phải thực thi nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giữa đại dương muôn trùng khơi xa đầy bão dông. Dù vậy các cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn chắc tay súng, vững tinh thần, mạnh về chính trị và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
"Nhiệm vụ của các đồng chí là bảo vệ môi trường và thềm lục địa thiêng liêng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ xa. Các đồng chí cần phát huy truyền thống và kiên cường, dũng cảm, đoàn kết để giữ vững chủ quyền", ông Nguyễn Phước Lộc gửi gắm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận