Vượt qua muôn trùng sóng chực chồm lên xuồng công tác, giây phút đặt chân đến nhà giàn DK1, tận mắt chứng kiến công trình đồ sộ, sừng sững giữa biển trời, dù là quân nhân hay bất kỳ ai cũng không kìm được xúc động.
Cũng bởi để bảo vệ được "thành đồng trên biển", đã có biết bao thế hệ người lính đã không tiếc máu xương, không quản ngại hy sinh gian khổ, cùng chung sức chung lòng để giữ được cột mốc chủ quyền thiêng liêng trên biển của Tổ quốc.
Ba lần đến công tác tại quần đảo Trường Sa, điều may mắn cho tôi - phóng viên luôn được ưu tiên "đi trước, về sau" - là đều được đặt chân lên thăm công trình nhà giàn DK1.
May mắn là vì thực tế đã có không ít đoàn công tác không thể lên thăm nhà giàn DK1, chỉ biết đứng trên tàu hướng mắt về nơi những người lính đang đối mặt với hiểm nguy trước thiên tai khắc nghiệt, mưa lớn, sóng dữ ập đến.
Suốt 35 năm qua, từng thế hệ người lính nhà giàn nối tiếp nhau để thực thi nhiệm vụ cao cả. Ở đó, có những người đã gắn bó một đời với biển khơi, có những người lính trẻ đã mạnh mẽ vượt qua nỗi sợ biển cả sâu thẳm để bước đến "hành trình thanh xuân" đẹp nhất của cuộc đời.
Tôi đã gặp được anh - tấm gương về người lính nhà giàn thường được kể trong câu chuyện của các đồng đội. Suốt một đời quân ngũ, anh đã dành trọn tâm huyết, cống hiến sức mình để chung sức giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đó là thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Đoàn Quang Duẩn - nhân viên vô tuyến điện hiện đang công tác tại nhà giàn DK1-17.
Tháng 7-1995, vừa tròn 25 tuổi, anh Duẩn đặt chân đến công tác tại nhà giàn DK1-14. Đó là lần đầu tiên anh rời đất liền (trước đó công tác tại Lữ đoàn 171), đến công tác tại nơi muôn trùng sóng gió.
"Lần đầu tiên lên nhà giàn, cảm giác bỡ ngỡ vì chúng tôi chưa quen với sinh hoạt, môi trường biển. Chúng tôi phải tự mình thích nghi, tự làm quen với môi trường đó, anh em đồng đội luôn sát cánh, hỗ trợ lẫn nhau" - anh nhớ lại.
Từ chuyến công tác nhà giàn đầu tiên, anh tiếp tục công tác tại 6 nhà giàn khác nhau, gắn bó lâu nhất phải kể đến nhà giàn DK1-20. Người lính nhà giàn bộc bạch, nhà giàn hôm nay đã khang trang, kiên cố hơn, nhờ đó cuộc sống sinh hoạt của bộ đội được đầy đủ, tiện nghi hơn.
Thế nhưng với những người lính mới ra nhà giàn chưa thể nào nguôi nỗi nhớ đất liền, do đó cấp ủy, cán bộ chỉ huy nhà giàn cùng thế hệ đi trước như anh Duẩn luôn sát cánh cùng những người lính trẻ trong công việc, nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống.
Ở nhà giàn, anh em đồng đội luôn đồng hành, gắn kết, cùng tham gia hoạt động thể dục thể thao, hoạt động vui chơi giải trí, hát cho nhau nghe để vơi đi nỗi nhớ.
Suốt 33 năm công tác và 29 năm kể từ ngày đặt chân đến nhà giàn đầu tiên, thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Đoàn Quang Duẩn chia sẻ dường như biển cả đã thấm vào từng thớ thịt, vì thế mỗi lần bước chân lên đất liền là trong lòng dâng lên cảm giác bâng khuâng vì nhớ nhà giàn, nhớ cuộc sống ở trên biển.
Cả một đời gắn bó với nhà giàn, điều mong muốn nhất của người lính hôm nay là mong những người trẻ xung phong ra đầu sóng ngọn gió để phục vụ quân đội, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên biển.
"Chúng tôi là lực lượng hải quân bảo vệ chủ quyền biển đảo, đứng đầu sóng ngọn gió, mong rằng lớp trẻ noi gương các anh bộ đội để tham gia bảo vệ biển đảo, học tập tuyên truyền về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của nước ta" - thiếu tá Duẩn nói.
35 năm trước, ngày 5-7-1989, trên vùng biển phên giậu của Tổ quốc - thềm lục địa phía Nam - những nhà giàn DK1 đầu tiên được xây dựng để bảo vệ chủ quyền.
Kể từ đó đến nay, từng thế hệ người lính hải quân nối tiếp truyền thống tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ vững thành đồng trên biển với ý chí, quyết tâm "còn người, còn nhà giàn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận