08/07/2019 11:04 GMT+7

DK1 - 30 năm thành đồng trên biển - Kỳ 5: Xây dựng nhà giàn DK1/1

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Nhà giàn đầu tiên chỉ rộng khoảng 25m2. Toàn bộ công trình nặng 250 tấn, cao 45m, đứng sừng sững trước sự hân hoan tột độ của các cán bộ, kỹ sư Vietsovpetro và công binh, hải quân.

DK1 - 30 năm thành đồng trên biển - Kỳ 5: Xây dựng nhà giàn DK1/1 - Ảnh 1.

Để rút ngắn tối đa thời gian thi công ngoài biển, sớm khẳng định chủ quyền, toàn bộ khối nhà ở được hoàn thiện trong bờ - Ảnh: My Lăng chụp lại

"Yêu cầu của Bộ Quốc phòng là phải bí mật, nhanh gọn. Muốn vậy thì toàn bộ phần thượng tầng - block nhà ở đều phải thi công trong bờ. Ra biển phải thi công thật nhanh" - PGS.TS Nguyễn Trọng Nhưng, hiện là trưởng ban quản lý dự án khoa học và công nghệ (Công ty Chế tạo giàn khoan dầu khí), cho hay.

Đi xuyên sóng gió, làm ngày làm đêm

30 năm trước, ông Nhưng là phó cục trưởng Cục Xây lắp dầu khí của Vietsovpetro. "Lúc đầu chúng tôi định làm từ tháng 2-1989 để kịp tưởng niệm một năm ngày hi sinh của 64 anh hùng liệt sĩ Gạc Ma nhưng thời tiết tháng 2, tháng 3 sóng gió dữ dội quá không làm được, cứ dịch dần sang tháng 6-1989. Lý do thứ hai nữa là Việt Nam phải thuyết phục mãi bên Nga mới cho mượn tàu tự hành Titan để thi công công trình" - ông Nhưng kể.

Đầu tháng 6-1989, đoàn công tác xuất phát gồm ba tàu (chở cả nhóm thiết kế và thi công của Vietsovpetro, công binh và lính hải quân): tàu cẩu MPK, hai tàu dịch vụ là Sao Mai và Phú Quý. Tàu Sao Mai phụ trách khảo sát sonar, tàu Phú Quý khoan công trình. Tàu cẩu MPK thì có nhiệm vụ đóng cọc xuống nền san hô. 

Để đảm bảo bí mật, tàu MPK được lệnh đi Singapore sửa chữa nhưng đi ra tới mỏ Bạch Hổ thì chuyển hướng về bãi cạn Tư Chính.

Để có thể hoàn thành trong thời gian sớm nhất, lực lượng thi công thậm chí còn làm cả ban đêm! "Bình thường những công trình ngoài biển không bao giờ thi công vào ban đêm nhưng nếu chờ thì kéo dài thời gian. Đêm thường sóng gió lặng hơn nên phải tranh thủ làm. Ba tàu tập trung lại, dùng đèn công suất lớn chiếu vào cho anh em thấy đường" - ông Ngô Thường San, lúc đó là phó tổng giám đốc Vietsovpetro, nói. 

Bộ chỉ huy trong bờ được đặt tại trụ sở của Vietsovpetro. Cứ 16h là ngoài biển phải báo cáo tình hình về bờ.

DK1 - 30 năm thành đồng trên biển - Kỳ 5: Xây dựng nhà giàn DK1/1 - Ảnh 2.

Bộ phận chân đế và khung nối nhà giàn đã được thi công xong - Ảnh: My Lăng sưu tầm

Bãi cạn Tư Chính là một loạt dãy đảo san hô, dài khoảng 50km và chỗ rộng nhất khoảng 10km. Khu vực bãi cạn này phức tạp vì có những rãnh sâu. Không thể chọn vị trí theo thiết kế ban đầu mà phải làm nhà gấp nên ông San ra lệnh: tùy theo hiện trạng, hiện trường mà tìm vị trí ổn định nhất. 

Đội thi công chọn khu vực san hô tương đối bằng phẳng, độ sâu tương đối đồng đều để đóng cọc nhà giàn. Mực nước ở đó sâu khoảng 14m. Nhưng chỉ cần đi ra 1-2km là độ sâu hụt xuống hơn 1.000m!

Thời điểm đó, không ai biết được nền san hô ở bãi cạn Tư Chính như thế nào. San hô mỗi chỗ có độ cứng khác nhau. Có chỗ san hô mới mọc lên, có chỗ biến thành đá. Những chiếc cọc bằng thép CT3 của Nga vốn là ống dẫn dầu (đường kính 320cm, dày 16cm, dài 12m) được đóng xuống nền san hô, dự kiến phải sâu 14-16m để đảm bảo độ vững chắc cho công trình. 

"Anh em đóng bằng búa hơi chuyên dụng nhập của Đức nặng 30 tấn, có giá 2,5 triệu USD. Ba cọc đầu xuyên xuống nền san hô được 12m. Còn cọc thứ tư mới xuống được 4,5m thì bị gãy vì trúng nền san hô quá cứng. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành công trình này, cố gắng đóng, nhích thêm từng centimet một. Cọc xuống sâu được 7,5m thì không thể xuống được nữa" - ông San nói.

Trước tình hình đó, giải pháp mới được đưa ra là phải mở rộng, gia cố chân đế bằng các khối bêtông (nặng 10 tấn một khối). Cứ một chân đế thì dùng hai khối bêtông để nối giằng lại, tăng độ vững chắc. Ông Đặng Hữu Quý - chánh kỹ sư thiết kế của Vietsovpetro lúc đó - cho biết trong quá trình thi công, gian khó, vất vả nhất là khi sóng to gió lớn. 

"Ra làm mới được 2-3 ngày thì sóng gió nổi lên - ông Quý kể - Có khi vừa đặt cọc xuống sóng nổi lên, lo giữ tàu đứng yên đã khó. Anh em say sóng nôn mật xanh mật vàng vẫn quyết tâm làm, nhưng tàu cẩu không làm việc được nên phải ngừng thi công. Nó không như trong đất liền, muốn nâng một khối lên thì mặt biển phải tĩnh mới thả xuống được. Đóng cọc cũng vậy, khi chúng tôi vừa nâng búa lên thì sóng nổi lên, không thể thả cọc xuống được".

Trong quá trình thi công, có lần tàu nước ngoài lao đến, rồi máy bay địch bay trên đầu. Rất căng thẳng. Nhưng anh em vượt qua tất cả, làm ngày làm đêm để hoàn thành sớm nhất.

Ông Ngô Thường San

Khoảnh khắc xuất hiện của nhà giàn DK1/1 30 năm trước

16h ngày 5-7-1989, nhà giàn DK1/1 đã được lắp đặt xong. Nhà giàn đầu tiên chỉ rộng khoảng 25m2. Toàn bộ công trình nặng 250 tấn, cao 45m, đứng sừng sững trước sự hân hoan tột độ của các cán bộ, kỹ sư Vietsovpetro và công binh, hải quân. 30 năm trôi qua, ông Quý vẫn nhớ mãi lúc mọi người cùng ôm lấy nhau rồi hướng về nhà giàn hát Quốc ca. 

"Khoảnh khắc đó có một không hai trong đời. Xúc động lắm. Thiêng liêng lắm. Hát quốc ca xong, chúng tôi hô vang: Việt Nam, Trường Sa muôn năm! Việt Nam, Gạc Ma muôn năm!" - ông Quý rưng rưng nhớ lại.

DK1 - 30 năm thành đồng trên biển - Kỳ 5: Xây dựng nhà giàn DK1/1 - Ảnh 4.

Khối nhà ở đang được cẩu đặt lên khung nối chân đế - Ảnh: My Lăng chụp lại

Ông Ngô Thường San cho biết ở thời điểm đó, đây là công trình nhà giàn đầu tiên trên thế giới được xây dựng trên nền san hô. Còn ông Quý chiêm nghiệm: "Gian khổ thì chẳng thể nào kể thấu được. Đầu tiên là việc chống chọi với sóng biển. Rồi trong quá trình thi công, có lần tàu nước ngoài lao đến, rồi máy bay địch bay trên đầu. Rất căng thẳng. Nhưng anh em vượt qua tất cả, làm ngày làm đêm để hoàn thành sớm nhất".

Nhà làm xong rồi, các chiến sĩ hải quân ở trên tàu MPK của Vietsovpetro phải chuyển đồ lên nhà giàn để ở. Cái thuở gian khó ấy giữa biển khơi mênh mông, giây phút chia tay, mọi người đều khóc. "Chúng tôi quyết định ở lại đêm đó với anh em lính hải quân vì nhìn cảnh bảy anh em ở lại bơ vơ trong đêm thấy thương lắm. Nhà giàn được thi công gấp để khẳng định chủ quyền nên điều kiện sinh hoạt không đầy đủ, chật chội. Biết anh em hải quân ở lại rất gian khổ nên chúng tôi mang hết thực phẩm còn lại lên nhà giàn như giò chả, mì tôm, nước..." - ông Quý kể.

Thi công DK1/1 mất nhiều thời gian hơn DK1/3 và DK1/4

Trước đó, ở bãi cạn Phúc Tần, nhà giàn DK1/3 (là nhà giàn được khảo sát ở vị trí thứ ba) đã được khánh thành ngày 10-6-1989. Sau đó là nhà giàn DK1/4 ở bãi cạn Ba Kè (hoàn thành ngày 16-6-1989). Hai công trình này do Bộ Giao thông vận tải thiết kế, thi công. Cùng với nhà giàn DK1A (DK1/1) do Vietsovpetro thiết kế, thi công thì đó là ba nhà giàn đầu tiên ở thềm lục địa Việt Nam.

"Bộ Giao thông vận tải làm theo phương pháp trọng lực, kéo pông-tông ra rồi đánh chìm ở vị trí cần đặt nên nhanh hơn Vietsovpetro. Chúng tôi phải thi công chân đế, sàn chịu lực, thượng tầng, mất nhiều thời gian hơn" - ông Đặng Hữu Quý giải thích.

30 năm mãi mãi thành đồng Biển Đông 30 năm mãi mãi thành đồng Biển Đông

TTO - 30 năm, thành đồng DK1 là minh chứng hùng hồn, mạnh mẽ của con dân nước Việt trong hoạt động giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên