02/07/2023 08:36 GMT+7

150 tỉ đồng giúp ông bà sống lâu, sống khỏe

TP.HCM sẽ chi gần 150 tỉ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm "đánh chặn" bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi.

Các cô chú nghỉ hưu sinh hoạt hội người cao tuổi ở phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Các cô chú nghỉ hưu sinh hoạt hội người cao tuổi ở phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) trong giai đoạn 2024 - 2025 vừa được UBND TP.HCM ban hành.

Dư luận đánh giá đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp khi TP.HCM có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp.

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến người trong cuộc.

Ông Phạm Chánh Trung (chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM):

Hạn chế ba loại bệnh

Dân số Việt Nam đang đối diện với tốc độ già hóa nhanh, điều này kéo theo tuổi thọ trung bình tăng cao nhưng số năm sống khỏe lại giảm. Đơn cử như tại TP.HCM, tuổi thọ trung bình của người dân TP là 76,2 tuổi nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi.

Các cuộc khảo sát cho thấy bình quân mỗi người cao tuổi mắc khoảng ba loại bệnh mãn tính (cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch...), chưa kể tuổi tác cũng làm cho các chức năng của cơ thể suy giảm đáng kể.

Điều này kéo theo hàng loạt vấn đề như làm suy yếu khả năng tham gia các hoạt động xã hội, giảm thu nhập tăng thêm, tăng chi phí điều trị và từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống.

Một số nghiên cứu gần đây ghi nhận người cao tuổi quan tâm ba điều là sống bao lâu, sống ở đâu, qua đời như thế nào? Và mong muốn của nhiều người là sống thọ, sống ở nhà, qua đời trong khỏe mạnh.

Như vậy, người làm chính sách phải tạo ra các mô hình sinh hoạt cho người cao tuổi thích nghi, chẳng hạn như mô hình chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng. Cần truyền thông việc đón nhận tuổi già một cách vui vẻ.

Họ cần được hỗ trợ để có kỹ năng tự chăm sóc và nếu có thể, góp sức hỗ trợ người cùng tuổi bị suy giảm sức khỏe. Đây là những kỹ năng cần thiết giúp người cao tuổi bước vào giai đoạn "già hóa thành công".

Bác sĩ Nguyễn Thị Thoa (trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM):

Khám liên tục cả năm

Việc kiểm tra sức khỏe cho người cao tuổi không phải đến bây giờ TP.HCM mới làm. Trước đây, ngân sách "đổ" về cho quận huyện chủ động thực hiện nhưng có nơi còn mang nặng tính "hô hào", chưa trở thành một hoạt động bài bản.

Mặt khác, việc thực hiện chỉ tập trung vào "tháng người cao tuổi", không thể nào khám được cho tất cả người cao tuổi trên địa bàn.

Rút kinh nghiệm, lần này việc thực hiện sẽ kéo dài trong cả năm, chia làm ba nhóm.

Và ngay sau khi UBND TP.HCM ký ban hành kế hoạch, giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã có cuộc họp với các đơn vị, trong đó chỉ đạo phòng nghiệp vụ y chủ trì xây dựng lộ trình thực hiện.

Tuy kế hoạch của giai đoạn 2024 - 2025, nhưng theo chỉ đạo từ giờ đến cuối năm 2023, ngành y tế vẫn sẽ chủ động triển khai.

Cụ thể từ tháng 7-2023, chúng tôi sẽ ban hành bảng hướng dẫn chi tiết về đối tượng khám, tổ chức khám, khám cái gì và nhập kết quả như thế nào. Đặc biệt, tất cả các dữ liệu này sẽ được kết nối vào phần mềm sức khỏe điện tử.

Đến tháng 8-2023 sẽ tập huấn, sau đó tổ chức thí điểm tại xã đảo Thạnh An và 22 quận huyện của TP.HCM. Mỗi quận huyện sẽ chọn ra một xã phường để thí điểm, đây là bước "tập dượt" để năm 2024 khám sức khỏe cho người cao tuổi đồng loạt.

Có thể nói đây là nỗ lực rất lớn của ngành y tế TP.HCM và chúng tôi rất kỳ vọng mang lại lợi ích cho người cao tuổi. Đây cũng là kế hoạch nằm trong mục tiêu của Chính phủ về việc quản lý sức khỏe toàn diện của người dân.

Ông Cao Tấn Phước (giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức):

Không để người cao tuổi chờ đợi

Khi được khám và tầm soát bệnh sớm, người cao tuổi sẽ được phát hiện bệnh sớm nếu có, điều này giúp họ điều trị bệnh sớm hơn, theo dõi kỹ càng hơn, giảm được những biến chứng của bệnh và chắc chắn tuổi thọ của người bệnh sẽ cao hơn.

Còn ngược lại, nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng chi phí điều trị và gây ra gánh nặng về y tế.

Chúng tôi là một trong các địa chỉ được giao khám sức khỏe cho người cao tuổi. Và để thực hiện tốt sẽ có kế hoạch cụ thể giúp cho người cao tuổi thuận tiện trong việc thăm khám, không phải mất thời gian xếp hàng chờ đợi.

Bệnh viện có thể tổ chức thăm khám vào những ngày nghỉ để thuận tiện cho người nhà có thể đưa các cụ đi thăm khám.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có thể bố trí đội ngũ y bác sĩ đi đến từng khu vực xa bệnh viện với thiết bị nhẹ như đo đường huyết, điện tim.

Trường hợp khi thăm khám nếu thấy người bệnh cần được đến bệnh viện điều trị sẽ sắp xếp lịch sớm nhất... Điều này nhằm giảm tải cho bệnh viện, vừa giúp người cao tuổi không phải đợi chờ.

Bạn Cáp Hữu Trần Sang (27 tuổi, quận Tân Bình):

Giảm gánh nặng bệnh tật

Cha mẹ tôi năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng việc tầm soát sức khỏe hằng năm gần như rất ít, việc kiểm soát bệnh lý nền cũng ít được quan tâm hơn.

Tôi thấy với chính sách khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người cao tuổi được TP.HCM đưa ra rất ý nghĩa, điều này đồng nghĩa với việc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp... của người cao tuổi sẽ được theo dõi liên tục.

Từ đó, giảm được các biến chứng của bệnh tật, tăng tuổi thọ cho người cao tuổi.

Tuy nhiên, do số lượng người cao tuổi đông nên cần tổ chức thăm khám chặt chẽ, tránh tình trạng người lớn tuổi phải xếp hàng chờ đợi lâu.

Đặc biệt, ngành y tế cũng cần cung ứng đầy đủ các loại thuốc cũng như các trang thiết bị để người cao tuổi yên tâm khi được khám, tránh tình trạng thiếu cục bộ khiến việc khám bệnh bị gián đoạn.

Ông Hồ Văn Tiên (59 tuổi, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức):

Cần chú ý đến người tạm trú

Tôi rất mừng khi biết TP.HCM sắp triển khai kế hoạch này. Đây là câu chuyện rất nhân văn, bảo vệ người yếu thế (cao tuổi, bệnh nền).

Tôi mong chờ đến năm 2024 sẽ là một trong nhiều người cao tuổi được khám sức khỏe miễn phí.

Bởi thực tế ở độ tuổi từ 60 trở lên, đa phần đều mắc nhiều bệnh nền và không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện đi khám sức khỏe, nhiều người khi phát hiện bệnh cũng đã ở giai đoạn muộn.

Tôi chỉ băn khoăn chính sách có được triển khai luôn cho những người tạm trú hay không? Nếu có sẽ rất ý nghĩa. Bởi khu vực tôi đang sinh sống có rất nhiều người cao tuổi tạm trú, điều kiện kinh tế không cho phép họ có thể đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Bà Ngô Thị Minh Thu (trưởng Trạm y tế phường 22, quận Bình Thạnh):

Cần trang bị thêm máy móc

Trước nay, hằng năm Trạm y tế phường 22 đều triển khai kế hoạch khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi, kinh phí từ nguồn ngân sách của UBND quận.

Thế nhưng, một số người cao tuổi mắc bệnh mãn tính còn e ngại đến các trạm y tế khám sức khỏe vì sợ không đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế...

Đúng là nguồn thuốc bảo hiểm y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế hiện bị hạn chế hơn so với bệnh viện.

Do đó không tránh khỏi tâm lý người dân muốn đến bệnh viện khám, tầm soát. Một số trạm y tế được trang bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị (trạm y tế chuyển đổi theo nguyên lý y học gia đình) vẫn còn một số trạm y tế bị hạn chế, không có đầy đủ thuốc, trang thiết bị khám cho người dân.

Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại trạm y tế, tôi cho rằng trước tiên phải đảm bảo có đầy đủ thuốc, máy móc, thiết bị và đặc biệt là nhân lực. Việc này vừa đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân vừa thu hút được người dân đến trạm y tế khám chữa bệnh.

Bà Wang Yiguang, 85 tuổi và chồng bà, ông Yang Hou, 86 tuổi, tập thể dục tại nhà dưỡng lão Heyuejia ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 26-5-2021 - Ảnh: Reuters

Bà Wang Yiguang, 85 tuổi và chồng bà, ông Yang Hou, 86 tuổi, tập thể dục tại nhà dưỡng lão Heyuejia ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 26-5-2021 - Ảnh: Reuters

Chăm sóc người già nhìn từ Trung Quốc

Theo kế hoạch UBND TP.HCM ban hành, sau khi người cao tuổi thăm khám sức khỏe xong, cơ sở thăm khám phải chịu trách nhiệm thông tin kết quả cho người cao tuổi trong vòng 24 - 48 giờ.

Nhận kết quả trong vòng 24 - 48 giờ

Hiện TP.HCM có 1.055.543 người từ 60 tuổi trở lên. Trong đó, một số quận huyện có số người cao tuổi đông như TP Thủ Đức có 95.269 người, quận Bình Thạnh có 82.692 người và quận Gò Vấp có 67.860 người. Huyện Cần Giờ có số người cao tuổi thấp nhất với hơn 9.000 người.

Với người trên 60 tuổi này, ngành y tế TP.HCM cho biết kế hoạch tổ chức khám sức khỏe miễn phí một lần/năm, bao gồm khám lâm sàng, cận lâm sàng, kiểm tra đường huyết, đánh giá chức năng thận, xơ vữa động mạch, mỡ máu và siêu âm bụng.

"Đây được coi là giải pháp đánh chặn từ xa các nguy cơ xảy ra hoặc biến chứng của bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội", một bác sĩ đánh giá.

Sau khi được lên danh sách (chia làm ba nhóm), người cao ở tuổi từng quận huyện sẽ được điều tiết báo lịch đến các nơi khám gồm các trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện quận huyện hoặc bệnh viện đa khoa khu vực.

Theo yêu cầu, các đơn vị khi khám phát hiện người cao tuổi có dấu hiệu nghi ngờ các bệnh lý phải giới thiệu đến bệnh viện xét nghiệm chuyên sâu (nếu đơn vị không đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị).

Đặc biệt, các cơ sở khám sức khỏe chịu trách nhiệm thông tin kết quả khám sức khỏe cho người cao tuổi trong vòng 24 - 48 giờ sau khi khám. Dự kiến tổng kinh phí gần 150 tỉ đồng/năm.

Bài học từ Trung Quốc

Tính tới năm 2020, số dân từ 65 tuổi trở lên của Trung Quốc chiếm khoảng 13,5% tổng dân số, trong khi đó vào năm 2010 tỉ lệ này chỉ là 8,87%.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc dự tính tới năm 2035 số người từ 60 tuổi trở lên của nước này sẽ tăng lên 400 triệu, so với hiện nay là 280 triệu.

Tháng 3-2022, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch năm năm về chăm sóc người lớn tuổi giai đoạn 2021 - 2025, hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe của nhóm dân số này.

Theo Tân Hoa xã, bản kế hoạch cho biết hơn 78% dân số già tại Trung Quốc đang mắc ít nhất một bệnh mãn tính và số người già không có khả năng tự chăm lo tiếp tục tăng. Thực tế này đang đòi hỏi các tổ chức, cá nhân, dịch vụ và chính sách liên quan ở Trung Quốc cần có những điều chỉnh thích hợp.

Bản kế hoạch cũng đặt ra các giải pháp nhằm cải thiện hệ thống dịch vụ y tế dự phòng dành cho người cao tuổi, giảm bớt hoặc trì hoãn thời điểm phát sinh các tình trạng mất năng lực thể chất/tinh thần và chứng mất trí của họ.

Một nội dung đáng chú ý nữa của bản kế hoạch này là sự nhấn mạnh nhu cầu tăng cường phát triển thêm các khu vực "không rào cản", tức là những thiết kế không gian công cộng có tính tới khả năng tiếp cận thoải mái với người khuyết tật, cải tạo các tòa chung cư có sự thân thiện hơn với người già và lắp đặt thêm các máy khử rung tự động bên ngoài (AED) tại nơi công cộng.

Hơn một năm sau khi công bố kế hoạch nói trên, ngày 21-5 vừa qua, chính quyền Trung Quốc đã hướng dẫn cụ thể tới mọi tỉnh thành về việc xây dựng một chế độ chăm sóc người già cơ bản cho tới năm 2025.

D.KIM THOA tổng hợp

Từ 2024: Người cao tuổi ở TP.HCM được khám sức khỏe định kỳ miễn phí 1 lần/nămTừ 2024: Người cao tuổi ở TP.HCM được khám sức khỏe định kỳ miễn phí 1 lần/năm

Đó là một trong những yêu cầu đặt ra trong kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên