08/11/2021 09:35 GMT+7

'Ý ngọc lời vàng'

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Chúng ta đã chứng kiến những điều chưa có tiền lệ ở hai kỳ họp vừa qua, nay tiếp tục chờ đợi những phiên thảo luận, chất vấn 'chưa có tiền lệ' để đưa ra những chính sách, cơ chế 'chưa có tiền lệ'.

Đợt 2 của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV từ hôm nay sẽ dành bốn ngày rưỡi trong sáu ngày họp để thảo luận và chất vấn - trả lời chất vấn.

Các buổi họp thế này vốn đã rất quan trọng do bàn quốc kế dân sinh nhưng trong bối cảnh đất nước bắt đầu chuyển sang sống thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, càng quan trọng hơn do đòi hỏi quyết sách mới, phù hợp để bảo vệ sức khỏe toàn dân, khôi phục kinh tế, xã hội.

Tính ra đợt họp tập trung này chỉ có chưa đầy 36 giờ để đại biểu phát biểu, thảo luận và chất vấn các thành viên Chính phủ. Các vấn đề cần bàn thảo rất rộng, từ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng chống dịch COVID-19 đến dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022... 

Tất cả đều được đặt trong bối cảnh sống thích ứng an toàn với COVID-19. Đấy là điểm mới sẽ được nhấn mạnh không chỉ trong cuộc họp này mà còn các cuộc họp sau. Chẳng hạn như chúng ta phải làm gì để có thể chủ động hơn trong ứng phó, phòng chống các mối đe dọa như COVID-19. 

Lúc này, nhiều người quan tâm chúng ta đã chuẩn bị thế nào cho mũi vắc xin thứ 3, rồi yêu cầu tự chủ vắc xin để tiêm nhắc lại cho toàn dân. Thậm chí đó là những cam kết rất rõ ràng rằng, sẽ không còn phong tỏa cứng, mà là sống thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19, bởi nghị quyết 128 hiện chỉ là hướng dẫn tạm thời. 

Rồi học sinh học ra sao khi dịch bệnh vẫn rình rập. Chính sách an sinh thế nào để mọi người, nhất là những người không có bảo hiểm xã hội, bớt vất vả do mất thu nhập vì dịch bệnh. Rồi nền kinh tế sẽ phục hồi nhưng quan trọng là bứt phát ra sao khi cả thế giới chuyển sang sống chung với COVID-19, chúng ta tìm được cơ hội gì trong xu hướng đó...? 

Nói chung, người dân và doanh nghiệp phải được thấy mình ở hiện tại và tương lai qua các thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn của 4 trưởng ngành y tế, giáo dục, kế hoạch - đầu tư, lao động - thương binh và xã hội.

Cũng chính vì tầm quan trọng của vấn đề, tâm tư nhiều, gửi gắm lớn nên ai cũng muốn nói hết, nói cho đủ ý, nói ngọn ngành... Nhưng giữa bộn bề, ngổn ngang hàng trăm vấn đề, lại chỉ có 36 giờ, rất khó để trải lòng, đề đạt. Trong khi rất cần những ý kiến gợi ý, hiến kế, nêu vấn đề trọng tâm, trọng điểm để từ đó có thể hoàn thiện, thậm chí gợi mở các chính sách phục vụ quốc kế dân sinh sống linh hoạt với COVID-19.

Lúc này, vai trò của đại biểu trong xây dựng cơ chế, chính sách rất quan trọng. Làm sao để trong 36 giờ thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn sẽ bật ra nhiều ý tưởng hay, bất ngờ, đột phá cho giai đoạn mới của đất nước: sống thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. 

Chúng ta đã chứng kiến những điều chưa có tiền lệ ở hai kỳ họp vừa qua, nay tiếp tục chờ đợi những phiên thảo luận, chất vấn "chưa có tiền lệ" để đưa ra những chính sách, cơ chế "chưa có tiền lệ". 

Cử tri chờ những "ý ngọc lời vàng" của các đại biểu Quốc hội để hình thành và khơi thông quyết sách cho đất nước để không chỉ sống phù hợp với COVID-19 mà còn phải sống tốt, vươn lên, bứt phá bởi mục tiêu của chúng ta là xây dựng đất nước hùng cường.

Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng pháp luật cần tránh tình trạng Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng pháp luật cần tránh tình trạng 'bắc nước chờ gạo'

TTO - Theo Chủ tịch Quốc hội, xây dựng pháp luật cần tránh tình trạng 'bắc nước chờ gạo', cái cần thì không có để xem xét thông qua, cái cơ quan trình lại chưa thực sự cấp thiết hoặc cấp thiết nhưng chuẩn bị không kỹ.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên