Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai
Đó là trao đổi của Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai tại cuộc họp báo sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trưa 13-11.
Tại cuộc họp, phóng viên đặt câu hỏi nhìn nhận của Quốc hội và Chính phủ về chất vấn của đại biểu Tô Thị Bích Châu về lô hàng 22.000 lon sữa kiều bào gửi tặng trẻ em TP.HCM hơn một tháng chưa thể lấy ra?
Ông Nguyễn Hoàng Mai - phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng "đây là thiếu sót" của các đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện. Theo ông Mai, Chính phủ sẽ nhìn nhận vấn đề này và rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Trước đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 9-11, đại biểu Tô Thị Bích Châu - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM - phản ảnh trong lúc chống dịch "nước sôi lửa bỏng", lô hàng 22.000 lon sữa do kiều bào Úc gửi tặng trẻ em khó khăn tại TP.HCM về gần một tháng chưa lấy ra được.
Bà Châu nói, Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y, sau đó Cục Thú y chỉ trong hai ngày đã trả lời đồng ý. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ.
Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế Trần Việt Nga sau đó cho biết trong công văn gửi đến Cục An toàn thực phẩm, Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đề xuất xem xét, tạo điều kiện miễn thủ tục đăng ký bản công bố sản phẩm và miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm với hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, bà Nga giải thích rằng theo nghị định 15 năm 2018, lô hàng 22.000 lon sữa viện trợ này không thuộc diện được miễn kiểm tra, trừ khi được Chính phủ, Thủ tướng cho phép trong trường hợp nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp. Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm không có thẩm quyền quyết định, nên đã gửi văn bản hướng dẫn địa phương ngay trong ngày.
Linh hoạt tổ chức các kỳ họp Quốc hội thay vì 2 kỳ/năm
Trao đổi về câu hỏi của phóng viên về việc có tổ chức kỳ họp chuyên đề, ông Bùi Văn Cường - tổng thư ký, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ có kỳ họp chuyên đề dự kiến vào cuối tháng 12-2021 hoặc đầu tháng 1-2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu để trình theo đúng quy trình, quy định.
Hiện nay Chính phủ gửi tài liệu chưa đầy đủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiếp tục đề nghị. Nếu như Chính phủ trình hồ sơ tài liệu đúng theo quy định, đặc biệt về mặt chất lượng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội để tổ chức phiên họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Theo ông Cường, nếu trước đây theo quy định Quốc hội họp 2 kỳ/năm trừ năm đầu có 3 kỳ thì sắp tới sẽ linh hoạt tổ chức kỳ họp để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.
"Nếu cứ 6 tháng mới họp một lần thì nhiều vấn đề cần giải quyết theo thẩm quyền Quốc hội sẽ làm chậm sự phát triển của đất nước. Do đó Quốc hội sẽ linh hoạt hơn, sau này sửa nội quy kỳ họp, sửa luật tổ chức Quốc hội thì chúng tôi sẽ phải sửa những điểm để chúng ta có thể linh hoạt hơn. Thậm chí có những việc cấp bách cần thiết có thể họp trực tuyến như vừa rồi", ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận