Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), về vấn đề trên và xoay quanh kế hoạch sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay.
Không lo thiếu gạo xuất khẩu
* Năm 2024, nguồn cung và nhu cầu gạo thế giới liệu có tăng cao như năm 2023?
- Dự báo năm 2024 lượng gạo thương mại toàn cầu khoảng 55 triệu tấn, trong đó Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất - chiếm 40% thị trường toàn cầu. Do đó, giá gạo thế giới năm nay tăng hay giảm vẫn phụ thuộc vào các chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới chỉ cần có bất kỳ động thái nào đều tác động trực tiếp ngay và luôn tới giá lúa gạo.
Thứ hai, tác động El Nino tới các nước trồng lúa, như ở Việt Nam dự báo chịu tác động nhưng nhẹ hơn 2015 - 2016. Do đó, một số tổ chức tài chính thế giới dự báo giá lúa gạo vẫn ở mức độ cao trong 2024 - 2025 nhưng sẽ khó có thể bằng năm trước.
* Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo đã tăng mạnh so với năm trước và nhiều quốc gia như Indonesia đã mua thêm. Theo ông, từ nay đến cuối năm, cơ hội và khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam như thế nào?
- Xuất khẩu gạo năm 2024 có thể sẽ tăng bởi chính sách xuất khẩu gạo trắng Basmati của Ấn Độ chưa có tín hiệu thay đổi. Hơn nữa, một số nước như Thái Lan, Indonesia... đang gặp khó khăn trong việc sản xuất hoặc giảm diện tích trồng lúa do El Nino.
Vì vậy nguồn cung gạo toàn cầu năm 2024 vẫn hạn chế, trong khi đó nhu cầu có xu hướng tăng lên, chính vì vậy Indonesia và các nước đã chủ động có kế hoạch nhập khẩu thêm gạo. Đây là tín hiệu rất tốt để nông dân, doanh nghiệp có thêm một năm sản xuất, xuất khẩu thuận lợi.
* Với những tín hiệu khởi sắc như vậy, năm nay bộ có kế hoạch tăng diện tích sản xuất lúa để tăng lượng xuất khẩu?
- Đến nay, chúng ta đã thu hoạch khoảng 3,2 triệu tấn lúa. Còn cả năm 2024, theo kế hoạch cả nước gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, dự tính sản lượng vẫn trên 43 triệu tấn lúa. Căn cứ theo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu năm nay, nếu nhu cầu tăng cao thì bộ sẽ điều chỉnh theo hướng tăng diện tích vụ thu đông lên khoảng 700.000ha như năm 2023, còn vụ đông xuân và hè thu nếu tăng cũng không đáng kể.
Bảo đảm nông dân và doanh nghiệp đều có lợi
* Thay vì sạ lúa dày và bón phân nhiều với hy vọng đạt sản lượng cao thì nông dân ĐBSCL nên áp dụng quy trình canh tác như thế nào để vừa giảm chi phí vật tư đầu vào vừa cho sản lượng cao, chất lượng tốt nhất?
- Nông dân ở ĐBSCL có xu hướng gieo sạ rất dày, giai đoạn trước đây bà con gieo sạ trung bình 180 - 220kg/ha. Trong quá trình sản xuất, Bộ NN&PTNT và các địa phương nhận thấy hạn chế của việc sạ quá dày nên đã thực hiện các chương trình khuyến nông, xây dựng các quy trình canh tác giảm vật tư đầu vào.
Hiện nay rất nhiều địa phương bà con đã giảm lượng gieo sạ xuống mức 80kg/ha, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương, một số vùng, một số khu vực người dân vẫn còn thói quen sạ từ 120 - 150kg/ha.
Việc sạ dày gây lãng phí, tăng chi phí vật tư phân bón, tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển bởi cùng một điều kiện thời tiết khí hậu thì diện tích sạ dày sâu bệnh sẽ phát triển mạnh hơn. Hơn nữa, việc sạ dày sẽ rất khó áp dụng giống mới, giống xác nhận trong sản xuất.
Bộ và các địa phương đã xây dựng các chương trình khuyến nông trung ương và khuyến nông địa phương, phối hợp với cơ quan truyền thông để tuyên truyền làm sao bà con nâng cao nhận thức, thay đổi hình thức canh tác. Tuy nhiên để người nông dân thay đổi được nhận thức, thói quen không phải một sớm một chiều mà phải cả một quá trình.
* Ông có khuyến cáo như thế nào với doanh nghiệp xuất khẩu gạo để "chớp" các hợp đồng với giá cao nhất có thể?
- Năm 2023, giá lúa gạo diễn biến tăng rất nhanh, đây là bài học cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm nay. Thị trường lúa gạo có biên độ rất hẹp và biến động rất nhanh, do đó doanh nghiệp cần chủ động nắm thông tin, dự báo thị trường để chốt giá, chốt hợp đồng xuất khẩu với giá tốt nhất và mang lại lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, cho nông dân sản xuất lúa.
Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT để theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo khi các nước có nhu cầu.
* Năm 2023, khi giá lúa gạo tăng cao trong thời gian ngắn đã tạo ra sự bất cập như hiện tượng tranh mua, tranh bán hoặc một số doanh nghiệp đã ký các hợp đồng khi giá gạo còn thấp, đến khi trả hàng thì giá lúa gạo tăng rất cao nên gặp khó khăn. Làm thế nào để không lặp lại những việc này?
- Để tránh những bất cập thì giữa doanh nghiệp và nông dân cần phải có liên kết, hợp đồng rõ ràng, hài hòa, tuân theo quy định pháp luật nhưng cần linh động theo thị trường. Để khi có hiện tượng giá lúa gạo nhảy múa như vừa qua thì các bên sẽ có những trao đổi, thỏa thuận phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên mà vẫn đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Song song đó, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ những quy định của Nhà nước trong việc dự trữ lượng gạo xuất khẩu, cập nhật dự báo tốt thị trường nhập khẩu, nguồn cung trong nước. Nếu làm được, chúng ta sẽ hạn chế được thấp nhất những phát sinh, bất cập như năm trước.
Xuất khẩu nông sản đang rất thuận lợi
Trao đổi với báo chí ngày 29-2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 9,84 tỉ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất siêu 2,68 tỉ USD, tăng gần 2,9 lần. Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn năm trước như sản phẩm gỗ 1,68 tỉ USD (tăng 59%), cà phê 1,38 tỉ USD (tăng 85%), rau quả 970 triệu USD (tăng 73%), gạo 708 triệu USD (tăng 50%), hạt điều 595 triệu USD (tăng 68%), tôm 403 triệu USD (tăng 20%).
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản cũng tăng cao như giá gạo xuất khẩu bình quân 699 USD/tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Giá cà phê 3.153 USD/tấn (tăng 45%), cao su 1.429 USD/tấn (tăng 3,4%), hạt tiêu 4.041 USD/tấn (tăng 29%)... "Đây là những khởi đầu rất thuận lợi và tích cực trong năm mà ngành nông nghiệp phấn đấu xuất khẩu đạt 54 - 55 tỉ USD", ông Tiến nói.
Nhận định về vấn đề sản xuất và xuất khẩu gạo năm nay, ông Tiến cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất lúa gạo lớn. Thứ hai là các nước trong khu vực và thế giới chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu. Thứ ba, xuất khẩu lúa mì của Ukraine vẫn còn những vướng mắc, nên việc thiếu lương thực của thế giới còn kéo dài trong những năm tới đây.
"Nhận định đây là cơ hội, cho nên năm nay bộ quyết tâm duy trì 7,1 triệu ha lúa với 85% giống lúa mới và 89% gạo chất lượng cao. Cùng với việc gạo ST25 lần thứ hai quán quân thế giới về chất lượng thì đây là điều kiện tiềm năng, lợi thế của Việt Nam để sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trong thời gian tới", ông Tiến nói.
Tính toán kỹ để có lợi nhuận cao
Doanh nghiệp cho rằng với tình hình xuất khẩu gạo hiện nay có nhiều tín hiệu vui nhưng việc chào bán giá gạo lần này phải thận trọng hơn.
Vụ đông xuân 2023 - 2024, ông Lý Văn Tám (xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) làm 1,2ha lúa RVT. Hiện nay, trà lúa của ông Tám bắt đầu cong trái me, còn khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch, dự kiến năng suất khoảng 1 tấn/công.
Giá lúa biến động
Nếu như trước Tết, thương lái gọi điện đặt cọc 300.000 đồng/công, cam kết "miệng" sẽ mua lúa của ông theo giá thị trường khi thu hoạch thì thời gian gần đây, giá lúa liên tục giảm mạnh.
"Thấy bất an, tui gọi cho thương lái để chốt giá, nhưng họ không chịu. Họ nói tới ngày thu hoạch mới tính, đảm bảo thu mua lúa của gia đình tui như cam kết. Chênh lệch giá hiện nay so với thời điểm trước Tết không phải nhỏ, trong khi chi phí làm lúa ngày một tăng. Mong ngày tui thu hoạch, giá lúa sẽ tăng trở lại", ông Tám kỳ vọng.
Còn ông Phan Đức Minh, ngụ xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn (An Giang), vừa nhận tiền đặt cọc bán lúa với giá 7.500 đồng/kg đối với 6ha lúa OM380. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng giá lúa từ trước Tết cao nhưng hiện nay đã giảm khá sâu.
Hiện nay giá lúa chỉ còn hơn 7.400 đồng/kg nên nông dân có lợi nhuận thấp hơn. Nếu nông dân nào làm lúa có năng suất cao sẽ cho lợi nhuận khoảng 3,5 triệu đồng/công (1.000m2), còn làm lúa không có năng suất sẽ cho lợi nhuận khoảng 2,5 triệu đồng/công.
"Bà con nông dân đã nắm được thông tin Chính phủ Indonesia sẽ nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo, nhưng giá lúa trong nước vừa qua giảm. Vì vậy, tôi nghĩ giá lúa từ nay đến hết vụ đông xuân sẽ tăng từ 7.500 đồng/kg trở lên. Nông dân lúc nào cũng mong muốn giá lúa tăng, giá lúa tốt. Tuy nhiên, để nói giá lúa sản xuất lâu bền thì khoảng 7.500 đồng/kg là bà con vui mừng rồi", ông Minh phân tích.
Ông Trần Vĩnh Nghi, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho hay trong vòng một tuần qua, giá lúa liên tục giảm sâu từ 400 - 1.200 đồng/kg. Hiện giá lúa thường tại Sóc Trăng dao động từ 7.500 - 8.400 đồng/kg, lúa thơm nhẹ từ 7.500 - 8.200 đồng/kg và lúa đặc sản từ 7.800 - 10.100 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá lúa gần đây giảm mạnh do khu vực ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ.
"Vài ngày tới tình hình thu hoạch lúa sẽ giãn ra, không còn tập trung như hiện nay. Ngoài ra, do nhiều yếu tố khách quan, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước tăng mạnh, nhất là Indonesia, nên nhiều khả năng giá lúa sẽ tăng trở lại", ông Nghi dự báo.
Còn ông Nguyễn Văn Hiền, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, thông tin hiện nay đơn vị đang khẩn trương hoàn thành kế hoạch thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại An Giang.
"Tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, tập trung bảo vệ cây lúa để đảm bảo năng suất và sản lượng; thúc đẩy các chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiến đến giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần cho tăng trưởng", ông Hiền nói.
Tất cả nên bình tĩnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quốc Điền, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết việc Chính phủ Indonesia cần nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo được xem là cơ hội vàng đối với bà con nông dân ĐBSCL. Hiện nay, Đồng Tháp đã thu hoạch trên 70% diện tích lúa đông xuân (tổng diện tích trên 189.000ha - PV) với năng suất khoảng 6,5 tấn/ha.
"Trước Tết, cò lái bao tiêu rầm rộ nhưng hiện nay họ có thể đã "hết tiền" nên thu mua chậm lại. Bây giờ, doanh nghiệp lại mua lúa là nông dân bán liền, không còn là điểm nóng như trước nữa", ông Điền phấn khởi nói.
Theo ông Điền, giai đoạn này người nông dân và hợp tác xã nông nghiệp phải bình tĩnh để mua bán lúa. Hiện nay, nông dân và doanh nghiệp cần giá ổn định hơn là giá lên xuống quá nhanh có thể gây rối thị trường. Với tình hình hiện nay, nông dân không nên để đất trống, cứ sau khi thu hoạch phải vệ sinh đồng ruộng để đưa vào sản xuất ngay. Tuy nhiên, ông Điền cũng cảnh báo nông dân phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời xử lý dịch bệnh trên lúa xảy ra.
"Tôi nghĩ giá lúa sắp tới sẽ lên tối đa khoảng 8.200 đồng/kg. Chúng ta không sợ thiếu lương thực mà chỉ lo lắng là một số tỉnh ven biển sẽ thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất sắp tới", ông Điền nhấn mạnh.
Nói về cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam trong giai đoạn này, ông Lê Hữu Toàn, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho hay năm nay Kiên Giang thành công nhất là xuống giống né hạn mặn kịp thời nên đến nay lúa vụ mùa đã thu hoạch xong.
Trong giai đoạn này, nông dân phải thực hiện ba việc quan trọng trong sản xuất lúa: nông dân phải duy trì sản xuất lúa đông xuân, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo đúng sản lượng để xuất khẩu; nông dân cố gắng giữ vững sản phẩm theo hướng chất lượng, không nên nghe thông tin gạo hút hàng mà sử dụng hóa chất để làm tăng sản lượng nhưng giảm chất lượng sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh gạo Việt Nam; đặc biệt nông dân không tự phát tăng vụ mà chúng ta sẽ làm đúng theo vùng, quy hoạch để giữ vững chỉ tiêu, sản lượng đã đề ra.
"Giai đoạn này, thương nhân ở địa phương lại đặt cọc mua lúa với nông dân thì hai bên nên có hợp đồng chia sẻ lợi nhuận với nhau. Tức là nếu tăng thì chia đôi, giảm cũng chia đôi để đôi bên cùng có lợi. Còn không thì đừng nên đặt cọc mà chỉ mua theo giá thị trường", ông Toàn nói.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại An Giang cho hay đơn vị đang thu mua lúa gạo để phục vụ xuất khẩu. Những ngày gần đây, giá lúa đang có dấu hiệu tăng trở lại sau khi Indonesia thông tin sẽ nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo.
"Giá gạo hiện đã tăng hơn 200 đồng/kg so với mấy ngày trước rồi. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng vui vì nhiều nước có nhu cầu mua gạo. Tuy nhiên, phía Indonesia chỉ mới công bố chứ chưa đấu thầu. Dự báo sắp tới giá lúa gạo có khả năng tăng nữa", vị này nói.
Nên thận trọng khi đưa giá đấu thầu
Ông Phạm Thái Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết việc Indonesia nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo đã giúp ngành hàng lúa gạo rất phấn khởi. Số lượng gạo này còn phải đấu thầu mới biết nước nào trúng. Tuy nhiên, dù có bán gạo được cho Indonesia hay không thì hằng năm Việt Nam cũng xuất khẩu trên 7 đến 8 triệu tấn gạo/năm.
"Giá lúa nông dân hiện nay thấp nhất cũng 7.800 đồng/kg đối với lúa Đài thơm 8. Tuy nhiên, tôi nghĩ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi đi đấu thầu phải thận trọng trong việc đưa ra mức giá đấu. Với giá lúa này, giá gạo đưa ra đấu thầu không dưới 655 USD/tấn", ông Bình phân tích.
Theo ông Bình, doanh nghiệp vui khi được nhiều nước mua gạo nhưng các doanh nghiệp nên thận trọng trong việc đưa giá gạo chào bán các nước sắp tới. Giá lúa hiện nay đang lên từ 7.500 - 7.800 đồng/kg.
"Tin vui đầu ra là giá lúa đang lên, có nước đang có nhu cầu. Tuy nhiên, tôi khẳng định dù có Indonesia hay không thì Việt Nam vẫn xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo", ông Bình nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận