Trước đó, 7g sáng 13-10, lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành trọng thể theo nghi thức quốc tang tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Cả nước lắng đọng hướng về Hà Nội.
Phóng to |
Hàng vạn người dân chờ đón hai bên đường Cầu Giấy (Hà Nội) để tiễn đưa linh cữu Đại tướng lần cuối - Ảnh: Tuấn Phùng |
Bên ngoài, từ sáng sớm, hàng vạn người dân đã tập trung hai bên đường Trần Thánh Tông, Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ, quảng trường Ba Đình, Hoàng Diệu, Kim Mã, Cầu Giấy, Phạm Hùng để chờ tiễn biệt Đại tướng.
Mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc
Tại lễ truy điệu, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc điếu văn tri ân những công lao đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Tổng bí thư khẳng định: “Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Cuộc đời hoạt động của đồng chí gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng nước ta và những mốc son lịch sử trọng đại, oanh liệt, đầy hi sinh, gian khổ của Đảng và dân tộc. Hơn 30 năm trên cương vị tổng tư lệnh quân đội, bí thư Quân ủy trung ương, đồng chí luôn nêu tấm gương sáng về tinh thần cách mạng tiến công, sáng tạo trong nghệ thuật quân sự, nghệ thuật cầm quân, quyết chiến và quyết thắng, đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh thâm độc của kẻ thù”.
Điếu văn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc lại những mốc son chặng đường cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ ngày đầu đi theo cách mạng, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến ngày hòa bình. Dù ở cương vị nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng mang nhiệt huyết, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các vấn đề trọng yếu của đất nước. “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”.
Sau lời cảm tạ của gia đình, linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được di chuyển đến cỗ linh xa. Đi trước có hai sĩ quan đỡ di ảnh, một sĩ quan đỡ bảng huân chương và một sĩ quan cầm quốc kỳ. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đưa linh cữu của Đại tướng rời nhà tang lễ. Từ 7g50, đoàn xe chở linh cữu Đại tướng xuất phát từ số 5 Trần Thánh Tông đi qua quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, Tràng Tiền, Điện Biên Phủ... Sau khi đi qua lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, linh cữu Đại tướng dừng lại trước cổng nhà số 30 Hoàng Diệu để gia quyến vào thắp hương và làm lễ theo đúng phong tục. Sau đó, đoàn xe tiếp tục đi ra đường Trần Phú, Kim Mã, Cầu Giấy, Phạm Hùng, hướng ra sân bay Nội Bài.
Thổn thức tiễn biệt
Dường như mọi ngả đường ở thủ đô sáng qua đều hướng tới những tuyến phố nơi linh cữu Đại tướng đi qua. Từ 4g, rồi 5g sáng, hàng vạn người dân khắp mọi miền đã đổ về tuyến phố Trần Thánh Tông, quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, nơi đầu tiên người dân được thấy hình ảnh đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng đi qua. Dọc phố Trần Thánh Tông, cả biển người cứ nối dài, mỗi người đều chọn cho mình cách bộc bạch tình cảm với Đại tướng, những bó hoa, những tấm hình và cả những kỷ vật quen thuộc gợi nhớ về vị tướng huyền thoại trong lòng dân. Và rồi những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má, những cái vẫy tay tiễn biệt, những tiếng gọi tên Đại tướng cứ thổn thức khi đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng đi tới.
Hàng trăm nghìn người dân đã đứng chật hai bên đường suốt từ nhà tang lễ đến sân bay Nội Bài chờ đoàn xe chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua. Trước cổng nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, một người con đất Quảng Bình là cụ Châu Đình Khóa (105 tuổi) và con gái đã cùng hát điệu hò khoan nổi tiếng của Lệ Thủy để tiễn biệt Đại tướng. Cụ Châu Đình Khóa chỉ mới biết tin Đại tướng mất từ tối 12-10 và nằng nặc đòi con gái đưa tới nhà tang lễ từ 5g sáng để gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần cuối. Ở những nơi xe chở linh cữu đi qua, nơi đó là nước mắt tiếc thương, có cả những tiếng hô “Đại tướng muôn năm” vang dậy. Cụ già, em nhỏ, học sinh, phụ nữ ôm vai nhau khóc khi nhìn thấy linh cữu phủ lá quốc kỳ. “Xe đưa bác đến rồi, con chào bác đi con”, nhiều ông bố đã dặn con như vậy trong buổi sáng đưa tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Giữa cả biển người tới tiễn đưa Đại tướng, bà Phạm Thị Đào (85 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) ngồi hàng đầu ở phố Trần Thánh Tông. Mắt đã mờ, nhưng cũng chỉ cần nghe tiếng “xe đưa linh cữu Đại tướng tới rồi”, bà Đào òa khóc và gọi Đại tướng bằng cha. “Cha không sinh thành nhưng cha chăm lo cho vận nước. Cha mất rồi, giờ về với đất tổ mà chúng con chỉ tiễn cha được một đoạn đường” - bà Đào nghẹn ngào da diết.
Đứng nép dưới lòng đường quảng trường Cách Mạng Tháng Tám, ông Nguyễn Khắc Phúc (82 tuổi), một người lính can trường qua những tháng năm được Đại tướng dìu dắt, giờ bỗng yếu mềm đành tựa đầu vào vai người bạn đời Vũ Thị Nhuận (78 tuổi) khi đoàn xe đưa linh cữu Đại tướng gần tới. “Anh Cả ơi, anh mất mà trẻ già ngơ ngác. Một đời anh cống hiến hi sinh. Một đời anh vì Đảng, trọn tình dân. Một đời anh học Bác chuyên cần. Một đời tích đức, tu nhân... Chúng em tiễn biệt anh” - ông Phúc khóc nghẹn khi xe đưa linh cữu Đại tướng tới.
Ông Phúc kể ông theo quân đội từ năm 13 tuổi, sau đó được tham gia giảng dạy ở Trường Sĩ quan lục quân. “Tôi gặp Đại tướng khi Đại tướng thăm trường. Thấy học viên đội cái mũ rách, Đại tướng nhắc tôi cần thương và quan tâm tới học viên nhiều hơn. Sau đó tôi được cùng Đại tướng đánh trận Điện Biên Phủ, trận Bình Trị Thiên khói lửa. Với tôi, Đại tướng luôn là một người anh Cả biết chăm lo, thương và hết lòng hi sinh vì mọi người”. Tiễn đưa Đại tướng, ông Phúc ngậm ngùi mấy vần thơ:
Anh về quê nội Quảng BìnhHương trời gió biển đậm tình lòng dânVõ Nguyên Giáp tướng Võ, VănXuôi tay, nhắm mắt trong ngần tiếng thơmMột đời theo Bác dẫn đườngĐại Nhân Đại Nghĩa coi thường hiểm nguyNhẹ nhàng khuất núi ra điMột bộ quân phục vinh quy trọn đờiTiễn anh khấn vái đất trờiBình an - thượng lộ về nơi vĩnh hằng.
“Chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết rằng mọi lời ca ngợi đối với Đại tướng là lời ca ngợi đối với Bác Hồ, với các thế hệ lãnh đạo của Đảng, với tất cả đồng bào và chiến sĩ đã hi sinh và đóng góp bằng tâm trí và máu xương trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Đấy là lời ca ngợi đối với tất cả những người con ưu tú của nước Việt đã ngã xuống để bảo vệ và gìn giữ mảnh đất này. Để tỏ lòng biết ơn, không lời nào có thể diễn đạt hết được tấm lòng của gia đình. Tuổi thọ của Đại tướng đến những năm vừa qua, sức khỏe của Đại tướng và tuổi thọ của Đại tướng đến những ngày qua là nhờ tấm lòng của tất cả mọi người, hàng triệu người dân Việt Nam, từ các thế hệ đã qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt nhất của dân tộc, đến những thế hệ thanh niên, thiếu nhi chưa bao giờ biết đến tiếng bom. Xin phép được tỏ lời cảm ơn riêng đến quân đội, Bệnh viện quân y 108, tập thể A11 và tất cả những y bác sĩ liên quan đã chăm sóc Đại tướng đến những giây phút cuối cùng. Trong giây phút này, xin phép được ngẩng đầu tạ ơn tiên tổ của đất nước Việt Nam, tạ ơn anh linh của tất cả những anh hùng liệt sĩ từ hàng nghìn năm nay đã ngã xuống vì mảnh đất này và luôn luôn đồng hành cùng với Đại tướng trong cuộc trường chinh cho đến giờ phút cuối cùng. Đại tướng cả đời vì nước vì dân và lúc mất đi chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của hàng trăm, hàng chục triệu người dân nước Việt, biến thành sức mạnh vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng”. Trích lời ông Võ Điện Biên (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) thay mặt gia đình đọc lời tưởng nhớ người cha và bày tỏ cảm tạ tới Đảng,Nhà nước và nhân dân |
Phóng to Bạn Dương Thị Thùy Linh, sinh viên Đại học Văn Lang, lặng người nghe điếu văn truy điệu Đại tướng - Ảnh: Mai Hương
Tang lễ của người rất thân trong gia đình
Mờ sáng 13-10, nhiều người dân TP.HCM đã đổ về hội trường Thống Nhất để kịp dự lễ truy điệu tiễn đưa Đại tướng lần sau cuối. Trong đoàn người đứng xếp hàng nghiêm trang trước màn hình trực tiếp lễ truy điệu tại Hà Nội, nhiều người không ngăn nổi dòng nước mắt.
Lễ truy điệu Đại tướng đã kết thúc từ lâu mà dòng người đổ về hội trường càng lúc càng đông. Bên gian phòng chính đặt ảnh thờ và lư hương, mọi người hợp thành vòng lớn. Không ai bảo ai, lần lượt từng tốp 5-7 người bước lên thắp hương, quỳ lạy trước bàn thờ Đại tướng. Rất nhiều cựu chiến binh, các bạn trẻ, nhiều người dân đã xếp hàng từ sảnh ngoài vào tận phòng ghi sổ tang chờ đến lượt mình.
Mọi người chỉ ra hiệu bảo nhau, không ai cất nên lời, thỉnh thoảng chỉ có tiếng nấc nghẹn ngào vang lên từ bàn ghi sổ tang. Những cụ già, phụ nữ có thai, gia đình dắt theo con nhỏ được ưu tiên vào trước. Những bạn trẻ, những cụ già ôm hoa hồng trắng, cúc vàng, cúc trắng, các học sinh còn mặc nguyên đồng phục, những người mẹ trẻ bồng con nhỏ với đôi mắt đỏ hoe vẫn tiếp tục tiến vào hội trường. Có cảm giác họ đang dự tang lễ của một người rất thân trong gia đình...
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Đêm yên nghỉ đầu tiên của Đại tướng"Biển dân" Quảng Bình đón Đại tướng về nơi an nghỉĐại tướng Võ Nguyên Giáp và bản Hiến pháp đầu tiênTriển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên GiápĐại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang TháiXem ảnh đời thường Đại tướng Võ Nguyên GiápCuộc đời đại tướng qua ảnhXem truyền hình trực tiếp lễ truy điệuXem đầy đủ nội dung lễ truy điệu và di quan Đại tướngVideo clip đưa linh cữu Đại tướng ra sân bay Nội BàiĐại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ an nghỉ tại Quảng Bình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận