Xem đầy đủ diễn biến Lễ truy điệu và di quan
Phóng to |
Bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Hiến pháp năm 1946 đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật ra ngày 15-12-1996 |
Tôi như được trải qua một lớp học đặc biệt và trưởng thành nhiều mặt. Làm gì, viết gì cũng phải cân nhắc toàn diện mọi mặt.
Một ngày cuối năm 1995, có một đợt gió đông bắc mới tràn về. Tôi đang nằm nghỉ trưa trong chăn ấm ở phòng làm việc của Ban lịch sử Quân chủng Phòng không không quân thì có điện của anh Nguyễn Huyên, bí thư riêng, chánh văn phòng của Đại tướng. Giọng xứ Nghệ của anh trầm và ấm:
- Cụ bảo 15g cậu lên làm việc tiếp bài Quốc hội khóa I và bản Hiến pháp đầu tiên. Nhớ chuẩn bị tốt những gì cụ dặn trong buổi làm việc trước.
Hôm ấy, Đại tướng bị cảm nhẹ nên ngồi làm việc ngay trong nhà. Anh Huyên dẫn tôi vào tận nơi rồi trở ra ngay. Trong phòng làm việc chỉ còn tôi và Đại tướng. Sau khi niềm nở bắt tay tôi, hỏi han vài câu ngắn về tình hình vợ con tôi, về quê hương Hà Tĩnh của tôi và không quên hỏi thăm sức khỏe đồng chí Vũ Kỳ (tác giả từng là người giúp việc cho ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ - TS), ông đi vào nội dung làm việc luôn.
- Thế nào, cậu xem lại kỹ điều 10 chưa?
- Báo cáo anh – tôi lúng túng trả lời – Đúng là sót chữ “và” trong câu thứ hai của điều 10.
Nở nụ cười hiền hậu, độ lượng, ông nói với tôi:
- Là cử nhân văn học chắc cậu hiểu chữ “và” ấy quan trọng như thế nào?
Rồi ông đọc rõ, nhấn mạnh từng chữ trong câu:
- Công dân Việt Nam có các quyền tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ngoài nước.
Nghe ông đọc xong, tôi liền chống chế:
- Có lẽ vì phải nộp bài cho kịp yêu cầu của anh nên các cháu đánh sót mất chữ “và”, còn em thì nhận thiếu sót kiểm tra không kỹ.
Nghe tôi nói vậy, ông hơi nghiêm sắc mặt:
- Nhận thiếu sót thôi à? Suy ra đây là khuyết điểm rất nặng. Nếu cứ in ra như thế thì nhân dân sẽ bảo Võ Nguyên Giáp bớt mất của dân một quyền rất quan trọng mà Bác đã trao cho dân ngay sau ngày lập nước. Đó là quyền tự do lập hội. Vì nếu chỉ có “tự do tổ chức hội họp” thì quá đơn giản. Tổ chức một trận đá bóng, họp lại để bàn, tổ chức một cuộc câu cá, họp lại để bàn... Còn trong văn bản ghi rõ “tự do tổ chức” thì ý nghĩa khác hoàn toàn.
Rồi ông lại nở một nụ cười hiền hậu, vỗ vai tôi:
- Cậu không nghe người ta nói “Tổ chức, tổ chức, tổ chức. Hãy cho tôi một tổ chức, tôi sẽ nâng bổng quả địa cầu” để nói lên tầm quan trọng của tổ chức đó sao?
Nghe ông nói, tôi thực sự thấm thía về thiếu sót của mình. Tôi bỗng nhớ đến những bài học lịch sử. Dưới thời đế quốc thực dân, bọn cầm quyền ngày đêm tung tay chân đi lục soát khắp nơi, hễ đánh hơi thấy có một nhóm nào tụ tập mà chúng gọi là “hội kín”, lập tức chúng tung ra cả bộ máy chuyên chính, mở các cuộc đàn áp dã man, dập tắt cho kỳ được ngay từ trong trứng nước. Nhóm Tân Việt của ông thành lập từ năm 1927, chỉ tồn tại được trên dưới 1 năm, bản thân ông thì bị bắt giam vào nhà lao Thừa Thiên - Huế.
Tôi thấy ông đưa mắt nhìn qua cửa sổ nét mặt đượm buồn, giọng như trùng hẳn xuống.
- Biết bao nhiêu hi sinh tổn thất, bao nhiêu con người ưu tú đã ngã xuống chúng ta mới có được điều 10 của Hiến pháp.
Rồi ông nhìn sang tôi đang ngồi rất gần ông.
- Cho nên trong bài viết này chúng ta phải cố gắng thể hiện được tinh thần đó, thấy công lao to lớn của Bác Hồ đã bôn ba khắp năm châu, bốn biển, tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, rồi bắt tay xây dựng một xã hội mới. Việc quyết tâm tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử tự do ngay khi vừa giành được chính quyền là nhãn quan chính trị thiên tài của Hồ Chí Minh. Tôi nhớ là hồi ấy có một số đồng chí không tin là chúng ta có thể tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử, với lý do là trình độ dân trí còn thấp. Nhưng Bác có một lòng tin tuyệt đối vào nhân dân. Và thực tế diễn ra chứng tỏ lòng tin của Bác là chính xác.
Tôi yên lặng ngồi nghe ông nói và trân trọng những giây phút hồi tưởng quý báu của ông.
Hôm ấy tôi ra về khi đường đã lên đèn. Trong giá lạnh mùa đông, tôi thong thả đạp xe từ phố Hoàng Diệu về sân bay Bạch Mai, vừa đi vừa suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với bài viết sao cho xứng đáng với lòng tin của Đại tướng. Văn phòng Quốc hội đã nói rõ trong kỷ yếu 50 năm Quốc hội, bài viết “Bác Hồ với Quốc hội khóa I và bản Hiến pháp đầu tiên” của đại biểu Quốc hội khóa I Võ Nguyên Giáp sẽ là bài trung tâm. Chính vì vậy mà cách đây hơn một tháng ông đã cho gọi tôi lên giao nhiệm vụ.
Đêm hôm đó, tôi gần như thức suốt đêm để thể hiện cho được những gợi ý của ông. Bài viết khá tốt và được ông biểu dương, được Ban tổ chức kỷ niệm 50 năm Quốc hội Việt Nam đánh giá cao, được đăng đầu tiên ở cuốn kỷ yếu.
Tuy nhiên, cũng có một chút trục trặc trước khi bản thảo được đưa vào in ấn. Số là ngay sáng hôm sau ông lại cho gọi tôi lên. Vì thức khuya nên tôi dậy muộn. Hơn 9g tôi mới có mặt, trong lúc các anh trong tổ thư ký giúp việc Đại tướng đều đã có mặt. Thấy tôi đến, anh Huyên hỏi ngay:
- Sao muộn thế? Cụ đang chờ đấy.
Khi tôi bước vào phòng, vừa ngồi xuống ghế, Đại tướng liền bảo:
- Cậu hãy đọc lại toàn văn điều 10 cho tớ nghe lại.
Tôi lấy bài ra, đọc rõ ràng từng chữ:
- Điều 10, công dân Việt Nam có các quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.
Nghe xong, tôi thấy ông im lặng, trầm ngâm một lúc rồi hỏi nhỏ tôi:
- Hiện nay mình đã có tự do ngôn luận, tự do xuất bản chưa? Giấy trắng mực đen là như thế nhưng phải tùy tình hình cụ thể. Cậu có thấy hiện nay người ta rất ít nhắc đến Hiến pháp năm 1946 và đã sửa đổi đến ba lần không? Trong bối cảnh đó, mình cứ nhấn mạnh Hiến pháp năm 1946 thì có nên không?
- Đây là vấn đề lịch sử mà anh? Lịch sử diễn ra như thế nào ta phải nêu lại đúng như thế - tôi kiên quyết bảo vệ lập trường của mình.
- Nhưng phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, mà nhiệm vụ chính trị thì thường gắn với bộ phận lãnh đạo đương thời.
Ngừng một lát, ông nói tiếp, giọng không được dứt khoát lắm:
- Hay ta bỏ điều này lại, coi như bài viết không đề cập đến bởi không nhất thiết bài viết nào cũng phải nêu đầy đủ tất cả?
- Không thể được anh ạ! Đây là bài viết mà tên bài đã nêu rất cụ thể nội dung của nó. Lẽ nào ta lại bỏ đi một điều 10 quan trọng như thế? Hôm qua anh đã phân tích rất chí lý với em.
- Nhưng đêm qua nằm nghĩ lại tớ lại thấy phân vân. Có lẽ ta nên tham khảo ý kiến của Bộ Tư pháp.
- Chỗ anh Nguyễn Đình Lộc?
- Đúng. Nguyễn Đình Lộc vừa đi làm luận án về pháp lý ở nước ngoài về, vừa được bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Tư pháp khóa này. Vì vậy, trao đổi với Nguyễn Đình Lộc vừa có tính chất dân chủ bàn bạc, vừa coi như chúng ta đã thông qua chính quyền.
Sau đó, ông gọi anh Huyên vào. Anh Huyên trực tiếp trao đổi ngay với bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc bằng hệ thống máy riêng. Tôi hồi hộp theo dõi cuộc nói chuyện của anh Huyên và rất mừng khi thấy nét mặt anh Huyên vui dần lên. Cuối cùng, anh phấn khởi báo cáo lại với Đại tướng.
- Anh Lộc bảo sinh viên ta đi tu nghiệp nước ngoài mọi người đều bảo “Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam là bản Hiến pháp đã tiếp cận được với nền chính trị của thế giới hiện đại”. Anh Lộc bảo báo cáo với Đại tướng viết bài ca ngợi Hiến pháp năm 1946 là niềm tự hào của dân tộc ta, là thành quả tuyệt vời của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nghe xong, tôi thấy khuôn mặt phúc hậu của Đại tướng nở một nụ cười rất tươi. Ông đưa tay bắt tay tôi và động viên:
- Thế là tốt rồi. Cậu về sửa sang thêm, đánh máy thật đẹp rồi gửi lên đây càng sớm càng tốt. Bên Văn phòng Quốc hội họ vừa gọi điện giục bài.
Không hiểu sao mấy hôm sau nhà thơ Đỗ Trung Quân, phóng viên báo Tuổi Trẻ, có mặt ở nhà tôi. Dạo ấy tôi vừa mới xây nhà xong, nền nhà gạch hoa sáng bóng. Chưa sắm được bàn ghế nên hai anh em ngồi bệt xuống sàn nhà nói chuyện với nhau suốt cả buổi trưa. Tôi khoe với Đỗ Trung Quân là vừa hoàn thành bài viết được Đại tướng khen. Tôi tâm sự là ấn tượng sâu sắc của tôi qua lần làm việc này là một vị tướng thiên tài về quân sự nhưng đặc biệt nhạy cảm về chính trị. Ông cân nhắc thận trọng khi đưa một vấn đề ra công luận, với phong cách làm việc thực sự dân chủ.
Mấy hôm sau thì Tuổi Trẻ đăng bài này trên số báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ra ngày 15-12-1996. Tôi lại bị anh Huyên trách vì bài viết là do Văn phòng Quốc hội đặt cho Kỷ yếu 50 năm Quốc hội Việt Nam chứ không phải để gửi cho các báo. Tôi cứ thanh minh với anh Huyên là tôi không gửi. Rồi chuyện cũng qua đi.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Ông vẫn đang sống trong tim chúng tôiVõ Nguyên Giáp - trong khoảnh khắc lịch sửNgười dân nhiều nơi lập bàn thờ Đại tướngHoàn tất tập dợt đưa linh cữu Đại tướng ở sân bayMáy bay dân dụng đưa linh cữu Đại tướng về quêMường Phăng thổn thức tiếc thương "ông nội đánh giặc tài ba”Thành Đoàn TP.HCM lập không gian tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên GiápVào nhà Đại tướng mà đạm bạc như nhà dânTP.HCM để tang cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận