11/10/2013 15:17 GMT+7

Võ Nguyên Giáp - trong khoảnh khắc lịch sử

QUỐC VIỆT lược thuật
QUỐC VIỆT lược thuật

TT - Không chỉ các sử gia, mà ngay thời kỳ chiến tranh khốc liệt, nhiều chính khách và cả các tướng lĩnh phía đối phương đã tìm cách tiếp xúc tướng Giáp. Đối với họ, phía sau một người Việt có bề ngoài thấp nhỏ, nói năng nhẹ nhàng, điềm tĩnh này là một ngọn núi sừng sững khó vượt qua nổi...

Kỳ 1:Vị khách đặc biệt

TT - Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cơ quan tình báo chiến lược (OSS) thuộc quân đội Mỹ đã cài cắm dày đặc ở châu Á. Sứ mạng chính của họ là phối hợp với các lực lượng tác chiến đánh bại phát xít Nhật và tìm cách giúp đỡ các quốc gia có cùng mục đích này.

KSv2YukW.jpgPhóng to
Nhóm sĩ quan OSS ở sân bay Gia Lâm - Ảnh tư liệu

Từ Trung Quốc, OSS bắt liên lạc với lực lượng Việt Minh và một số sĩ quan Mỹ đã có nhiều dịp tiếp xúc với tướng Võ Nguyên Giáp cùng Chính phủ Việt Minh như thiếu tá A. Thomas, đại tá Archimedes L.A. Patti, trung úy Charles Fenn... Đây chính là giai đoạn cực kỳ phức tạp, căng thẳng ở VN khi đội quân tướng Võ Nguyên Giáp dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lúc phải đối phó chồng chéo với các lực lượng chia rẽ trong nước lẫn ngoại bang phát xít Nhật, Pháp, Tưởng Giới Thạch và cả đoàn quân đồng minh có xu hướng thân Pháp.

Trong hồi ký Why Vietnam - Tại sao Việt Nam (bản dịch tại VN của Lê Trọng Nghĩa), đại tá A. Patti với tư cách nhân chứng có can dự vào VN giai đoạn lịch sử này đã kể lại những gì mắt thấy tai nghe, đặc biệt là những kỷ niệm về tướng Võ Nguyên Giáp, một người mà ông rất ngưỡng mộ.

Đường đến Hà Nội

Bằng lối viết kể chuyện tỉ mỉ, đại tá A. Patti (lúc ấy là thiếu tá) kể đội ông chuẩn bị đến Hà Nội từ tháng 8-1945. Tuy nhiên, chuyến bay khởi hành từ Côn Minh, Trung Quốc không thể cất cánh sớm được vì lý do thời tiết lẫn các vấn đề phải giải quyết với quân đội Nhật và Tưởng Giới Thạch.

Mãi đến ngày 22-8 chiếc vận tải cơ C47 của quân đội Mỹ mang số hiệu 5908 mới cất cánh khỏi đường băng sân bay Chanyi vào lúc 11g35. Đây là sân bay phụ phía đông bắc Côn Minh nằm trên nền đất cao hơn, vì sân bay chính vẫn đang chìm ngập trong nước mưa. Phái bộ OSS Mỹ do A.Patti chỉ huy có 12 người, được trang bị đầy đủ vũ khí và dù, đề phòng phải tiếp đất từ trên không trong trường hợp không thể hạ cánh. Đặc biệt, máy bay còn có những người khách Pháp mà A.Patti biết rõ phía Việt Minh sẽ không muốn đón tiếp là thiếu tá Sainteny và ba tùy tùng của ông.

luHMRXdV.jpg
Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên bìa báo Time

A.Patti thuật lại: Sau gần hai giờ vượt qua các đám mây mù dày đặc, phi công chiếc C47 thấy sân bay Bạch Mai nhưng không thể hạ cánh được vì chướng ngại vật trên đường băng. Họ phải chuyển hướng bay dọc theo sông Hồng vào sân bay Gia Lâm. Trước khi hạ cánh xuống sân bay do lính Nhật kiểm soát, bốn quân nhân của phái bộ OSS trên máy bay do trung úy Grélecki chỉ huy đã tình nguyện nhảy dù xuống trước để nắm tình hình mặt đất. Cuối cùng, máy bay cũng tiếp đất an toàn. Trong khi các nhân viên OSS lao vào nhiệm vụ của mình thì đội Pháp của thiếu tá Sainteny đã nhìn thấy thực tế khác hẳn với những gì họ hình dung: Hà Nội không chào đón người Pháp.

Viên sĩ quan Nhật chỉ huy ở sân bay ngay từ đầu đã nói thẳng ông chỉ sẵn sàng đón tiếp người Mỹ, còn người Pháp nên quay lại Trung Quốc. Họ không thể bảo đảm an ninh cho người Pháp. Sau khi được sĩ quan Mỹ A.Patti “bảo lãnh”, nhóm Sainteny vào đến Hà Nội lại tiếp tục chứng kiến cảnh lạnh lùng với mình. A. Patti kể: “Công chúng tập trung dày đặc và có nhiều biểu ngữ tiếng Anh, Pháp, Việt chăng qua đường từ bao lơn này qua bao lơn khác, hoan hô Việt Nam độc lập, người Pháp phải chết, hoan nghênh đồng minh. Chẳng thấy một bóng cờ Pháp. Chỉ độc cờ đỏ với sao vàng năm cánh. Chúng tôi lặng đi một lúc và Sainteny rõ ràng đang lo âu. Ông nhìn chòng chọc, mất tin tưởng...”.

A.Patti còn kể sau khi được quân Nhật bố trí chỗ ở tại khách sạn Métropole, nhân dân Hà Nội biết tin có quân Pháp đã tập trung phản đối dữ dội. Ngay trong đêm đó, Sainteny quyết định chuyển sang ở dinh toàn quyền cũ trong sự hộ tống của lính Nhật với súng trường gắn lưỡi lê. Theo viên sĩ quan Mỹ OSS này, Sainteny đã mắc sai lầm vì quá kiêu căng. Ông ta ở đây chỉ làm nóng thêm một Hà Nội đang sục sôi nóng bỏng và càng làm cho dân chúng căm ghét thêm tòa nhà biểu tượng thực dân.

Gặp tướng Giáp

Những ngày đầu ở Hà Nội, đại tá Patti và nhóm của mình có một cuộc diện kiến tướng Võ Nguyên Giáp rất bất ngờ. Viên sĩ quan Mỹ này kể: đó là một buổi sáng chủ nhật đầu tiên ở khách sạn Métropole, họ đang nhâm nhi bữa sáng thì có tiếng ồn ào và kèn trống. Trung úy Grélecki tưởng thêm một cuộc biểu tình nữa nên ra cửa quan sát. Bất ngờ “bốn quý ông VN đến với tư cách trang trọng là đại biểu của ủy ban giải phóng dân tộc”, tức chính phủ lâm thời mới.

A.Patti kể: trưởng đoàn là Võ Nguyên Giáp. Cùng đi với ông có Vũ Văn Minh, Dương Đức Hiền và Khuất Duy Tiến. Tất cả đều mặc đồ trắng, thắt cà vạt, riêng ông Giáp mặc một chiếc áo khoác cũ và mũ cát trắng. Mở đầu ông Vũ Văn Minh giới thiệu tướng Võ Nguyên Giáp là đại diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và vị tướng này ngay lập tức tạo ấn tượng với các sĩ quan Mỹ bằng tiếng Pháp rất hoàn hảo. Ông ân cần hỏi những người Mỹ ở đây có thoải mái, dễ chịu không, có cần gì thêm? A. Patti đáp lễ cảm ơn ông Giáp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và nói mong được sớm gặp vị Chủ tịch nước.

oirZu602.jpg
Tướng Võ Nguyên Giáp (giữa, áo trắng) chào Quốc kỳ cùng nhóm sĩ quan OSS - Ảnh tư liệu

Cuộc hội kiến của viên sĩ quan Mỹ với tướng Giáp diễn ra khá thoải mái, thân thiện bên bàn cà phê. Chính tại cuộc gặp này, nhóm OSS phát hiện ngay cả nhân viên phục vụ khách sạn cũng là người của Việt Minh. Tuy nhiên, họ không có gì phải e ngại. Trong cuộc trò chuyện đầu tiên với tướng Giáp, A.Patti đã thông báo những gì mình nắm được ở hội nghị Potsdam, về chuyện quân Tưởng Giới Thạch được chỉ định tạm thời ở Đông Dương từ bắc vĩ tuyến 16 để tiếp nhận sự đầu hàng của phát xít Nhật. Trước những câu hỏi sắc bén của tướng Võ Nguyên Giáp về tình hình địa chính trị thế giới liên quan đến VN, A.Patti chỉ có thể trả lời: theo ông ta hiểu, đến lúc ấy thì cả người Trung Quốc lẫn Mỹ đều không có ý định đưa Pháp tái chiếm Đông Dương bằng vũ khí.

Tướng Võ Nguyên Giáp cũng đặt câu hỏi xoáy vào các quân nhân Pháp trên chuyến bay của đội OSS Mỹ đến Hà Nội, đặc biệt là sự có mặt viên sĩ quan tình báo Pháp Sainteny. A. Patti tỏ ra lúng túng trong giải thích rõ ràng vấn đề này. Sĩ quan Mỹ chỉ lặp lại người Mỹ không có ý định giúp Pháp trở lại Đông Dương. Họ được “quá giang” chuyến bay Mỹ đến Hà Nội để lo các vấn đề nhân đạo với tù binh và thường dân. Người Mỹ khó từ chối trước đề nghị này vì cùng là đồng minh chống phát xít. Cuộc trò chuyện cũng bàn đến vấn đề Liên Xô và các người khách VN đều tỏ ra đặc biệt quan tâm.

A.Patti kể: cuối buổi trò chuyện, tướng Võ Nguyên Giáp cười rất tươi, một nụ cười hiếm hoi, và mời đoàn Mỹ ra cổng để nhận sự chào đón của công chúng. “Chúng tôi tiến đến cái bệ ở cạnh cổng ra vào, giữa một cảnh tượng đẹp mắt xúc động. Một đoàn quân nhạc khoảng 50 người đã đứng dàn ngang trên đường, phía trước mặt. Phất phới trong gió những lá cờ Mỹ, Anh, Liên Xô và Việt Nam dân chủ cộng hòa... Bên trái là một đơn vị bộ đội 100 người đứng nghiêm chào. Ông Giáp nói một cách tự hào: “Bộ đội của chúng tôi vừa mới từ rừng núi về”...

___________

Kỳ tới: Sainteny và tướng Võ Nguyên Giáp

QUỐC VIỆT lược thuật
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên