10/10/2013 16:06 GMT+7

Mường Phăng thổn thức tiếc thương "ông nội đánh giặc tài ba"

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Trở lại Mường Phăng những ngày này, lối đi đã được quét dọn sạch sẽ hơn. Nhưng cả cánh rừng Đại tướng vẫn im phăng phắc.

Cây rừng như dừng rung. Gió rừng như ngừng thổi. Và người Mường Phăng lặng lẽ trong nỗi tiếc thương vô hạn người lính già vĩ đại của họ.

NVUobCPW.jpgPhóng to
Ông Lò Văn Bóng, dân tộc Thái - nguyên liên lạc viên của Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đại diện nhân dân Mường Phăng tặng quà Đại tướng và phu nhân nhân dịp ông trở về thăm chiến trường xưa tháng 4-2004 - Ảnh: Tư liệu TTO

Mường Phăng - căn cứ Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ trong cụm di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, mảnh đất gắn với Đại tướng - đang thổn thức tiếc thương “ông nội đánh giặc tài ba”.

Nỗi tiếc thương của người “em gái” 100 tuổi

Tôi may mắn được chứng kiến phút giây gặp gỡ sau 50 năm tái ngộ giữa Đại tướng với “người em gái” Lù Thị Đôi sáng 19-4-2004 tại cánh đồng xã Mường Phăng.

"Nghe tin Đại tướng ra đi, một số thanh niên tiếc thương Đại tướng quá. Họ rủ nhau vào rừng bẻ lá xanh, nhặt những bông hoa đẹp nhất trong rừng Đại tướng để kết thành tên “Võ Nguyên Giáp” đặt trước lán chỉ huy của Người. Một số người khác quét dọn khu di tích, dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm để chuẩn bị đón các đoàn khách đến thăm Sở chỉ huy chiến dịch - nơi Đại tướng từng chiến đấu, chỉ đạo đánh thắng giặc Pháp, giải phóng Điện Biên".

(Ông Lò Văn Hoàng, tổ trưởng tổ di tích chiến thắng Điện Biên Phủ ở Mường Phăng)

Đó là lần cuối cùng, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình trở lại thăm chiến trường xưa và trở lại Mường Phăng.

Lần này, một đồng nghiệp chứng kiến kể: “Cụ Đôi đã khóc lịm khi nghe tin dữ từ bí thư đảng ủy xã Lò Văn Biên. Đôi bàn tay nhăn nheo đưa lên mắt nhưng không ngăn nổi dòng lệ, cụ đã khóc, nói không ra tiếng”.

Bây giờ cả Mường Phăng chỉ còn duy nhất cụ Đôi là người ba lần được gặp trực tiếp, được Đại tướng ôm ấp vỗ về khi gặp mặt. Đây là niềm tự hào không chỉ của cụ Đôi mà của cả người dân Mường Phăng.

Tôi đến giữa trưa, cụ Đôi đang nghỉ, nhưng nghe nói có phóng viên tìm đến hỏi chuyện về Đại tướng, cụ Đôi vùng dậy, với tay lấy bức ảnh chụp với Đại tướng để ở đầu giường.

Cụ cứ ôm khư khư bức ảnh bọc trong giấy nilông không được phẳng phiu cho lắm khi ngồi trò chuyện với chúng tôi. Cụ không khóc nhưng đôi mắt quầng đỏ, sưng húp chứng tỏ cụ đã khóc nhiều, nước mắt như không còn trong cơ thể gầy nhỏ của người già đã bước sang tuổi 100.

Cụ Đôi chậm rãi kể chuyện (bằng tiếng dân tộc Thái): Lần đầu gặp Đại tướng thấy cụ vẫn còn địu đứa con nhỏ trên lưng, Đại tướng đã động viên cụ Đôi hãy cố gắng, hãy giữ bí mật, vận động bà con bảo vệ, che chở, giúp đỡ quân đội, gom góp lương thực cho bộ đội. Lần thứ hai, cụ vẫn địu con trên lưng cùng lực lượng địa phương đưa lương thực, thực phẩm vào rừng, lên lán chỉ huy của Đại tướng.

Có lẽ hình ảnh người con gái Thái địu con đưa lương thực đến cho bộ đội đã làm Đại tướng ấn tượng, nhớ lâu hơn. Chẳng thế, sau 50 năm sau, khi Đại tướng vừa bước chân từ trực thăng xuống giữa cánh đồng Mường Phăng (sáng 19-4-2004), thấy cụ Đôi cùng em gái ruột Lò Thị Ún (cụ Đôi lấy chồng nên đổi thành họ Lù của nhà chồng) trong đám đông hàng ngàn người dân Mường Phăng đón mình, Đại tướng đã nhanh chóng nhận ra.

Cụ Đôi nhớ lại: khi xuống máy bay, tướng Giáp nhận ra tôi ngay là người con gái địu con lên rừng tiếp lương thực. Tướng Giáp vẫy tôi và em gái Ún lại gần rồi bảo: "Cả tôi và các bà đều già rồi, hôm nay trở lại tôi chắc không có dịp trở lại Điện Biên, trở lại Mường Phăng nữa. Bà và tôi chắc cũng không còn cơ hội gặp nhau nữa, tôi và bà sẽ cùng chụp ảnh làm kỷ niệm lần gặp gỡ này…".

Và đúng như lời Đại tướng, chuyến đi ấy, tấm ảnh ấy là cuối cùng của vị tướng già với đất và người Mường Phăng…

Lỗi hẹn 60 năm…

Ông Lò Văn Hoàng, tổ trưởng tổ di tích chiến thắng Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, xúc động: "Vẫn biết Đại tướng già yếu, nằm viện vài năm rồi nhưng người Mường Phăng vẫn hụt hẫng, “như đá đè lên tim” khi hay tin Đại tướng đã ra đi. Chúng tôi cứ nghĩ Đại tướng sẽ còn sống ít nhất đến năm sau, dịp kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Vẫn biết sinh lão bệnh tử, vẫn biết Đại tướng cao tuổi rồi, nhưng khi đón nhận tin này người Mường Phăng chúng tôi vẫn hụt hẫng lắm, không ai muốn tin điều này cả…".

Theo ông Hoàng, ngay sau khi biết tin Đại tướng qua đời, người Mường Phăng như đã nén đau thương, tiếc nuối vào lòng. Họ không khóc nhiều, mọi người vẫn lên nương, vẫn làm các công việc hằng ngày như muốn biến đau thương thành hành động.

Còn ông Lò Văn Biên, bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng, xúc động: “Khi nghe tin cụ Giáp mất, cả nhà tôi đều sững sờ, mẹ tôi đã khóc rất nhiều, bà không tin Đại tướng mất. Người Mường Phăng chúng tôi vừa mất đi một người cha, người ông kính yêu”. Theo ông Biên, ở Mường Phăng gia đình ông may mắn được Đại tướng dành tặng nhiều đồ vật nhất, nào xe đạp, nồi nhôm, đài quay băng… nhưng hầu như các kỷ vật này gia đình ông đều tặng lại cho Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông bảo những thứ đó rất quan trọng, nhưng với gia đình ông và người Mường Phăng không kỷ vật nào bằng tấm lòng, tình cảm mà Đại tướng dành cho Mường Phăng, cũng như ân tình của gia đình ông, của hàng ngàn người dân Mường Phăng dành cho Đại tướng”.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên