Phóng to |
Cụ Lù Thị Đôi dâng hoa viếng Đại tướng trưa 10-10 - Ảnh: Đ.Bình |
Chiều 10-10 trời mưa như trút nước, vậy mà chốc chốc, giữa dòng người đi lại vội vã trên đường vẫn có người chầm chậm tấp xe vào số nhà 934 Nguyễn Kiệm, P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM để thắp một nén nhang trước bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bàn thờ Đại tướng của người bác sĩ già
Người lập bàn thờ này là bác sĩ - đại tá Sái Văn Thế (81 tuổi), một trong những thành viên của tổ y tế đặc biệt thực hiện công tác giữ gìn thi hài Bác Hồ năm 1969.
Trong căn phòng ngày thường là cửa hàng bán đồ nội thất, bác sĩ Thế đã đặt trang trọng bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với dòng chữ “Hào khí trăm năm”. Từ sáng 10-10, khi bàn thờ vừa được lập, rất nhiều y bác sĩ đã và đang làm việc tại Bệnh viện 175 (nơi bác sĩ Thế công tác cho đến lúc về hưu) đến viếng Đại tướng. Nhiều bạn bè của ông còn mang ảnh mình đã từng được chụp với Đại tướng đến ôn lại những chuyện xưa với lòng thành kính, niềm tiếc thương vô hạn. Không những vậy, rất đông các bạn sinh viên ngành y đang thực tập tại Bệnh viện 175 cũng đến thắp một nén nhang trước bàn thờ. Nhiều anh chạy xe ôm, chị bán hàng rong đi ngang qua thấy bàn thờ Đại tướng cũng tấp vào thắp nhang.
Bác sĩ Thế nhìn di ảnh Đại tướng, giọng đầy xúc động kể: “Lần đầu tôi gặp Đại tướng năm 1969, khi đang làm việc tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Tôi được Đại tướng dặn dò rất kỹ càng về việc chăm sóc Bác Hồ sao cho chu đáo nhất. Đại tướng là người rất hiền hậu, chân thành, quý mến anh em đồng chí vô cùng”.
Đại tá Sái Văn Thế cùng các bạn trẻ bên bàn thờ tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lập tại nhà ông ở Q.Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Coi đại tướng như người ruột thịt
Bà Nguyễn Thị Luôn (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), ở cách nhà Đại tướng 500m, cho biết: “Từ khi bác mất, ngày nào tôi cũng qua bên đó để phụ việc nước non đón khách đến viếng. Nhưng tôi cũng lập bàn thờ riêng tại nhà để di ảnh bác lên thắp hương cho ấm cúng. Cứ nhìn lên di ảnh là bao nhiêu kỷ niệm về bác Giáp lại hiện về. Với dân vùng này ngày bác Giáp mất, chúng tôi đau như mất đi chính người thân của mình. Chúng tôi cũng chẳng ai bảo ai, mọi người lặng thầm lập bàn thờ bác ở nhà mình để thắp hương hằng ngày tưởng nhớ”.
Ông Lê Thanh Tùng, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), cho biết dù ở huyện nhà có năm điểm đặt bàn thờ cho người dân viếng gồm nhà Đại tướng, huyện ủy, UBND huyện, khối mặt trận và cơ quan quân sự huyện. Tuy nhiên, đông đảo người dân, phần lớn là các cựu chiến binh của huyện, sau khi biết tin Đại tướng mất đã đi sang ảnh, mua tượng Đại tướng đặt lên trên bàn thờ gia đình họ, coi Đại tướng như người ruột thịt trong nhà.
Sáng 10-10, tại nhà Đại tướng, hình ảnh ông Trần Quốc Lâm cùng con trai học lớp 3 lặn tội tận thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) ra viếng Đại tướng khiến mọi người xúc động. Phía bên trái góc áo, hai cha con ông Lâm đeo băng tang và huy hiệu có hình Đại tướng. Thắp hương xong, ông Lâm dẫn con trai đi khắp gian phòng, chỉ lên những di ảnh kể và giải thích tường tận cho con nghe.
Trước ngày hai cha con ông ra Quảng Bình, gia đình ông ở Bình Phước đã làm một mâm cơm mời toàn thể anh em đến để thắp hương cúng Đại tướng. Gia đình ông sang một bức ảnh lớn của Đại tướng, soạn bàn thờ, hương hoa đàng hoàng như khi cha ông mất, cả gia đình ông cũng đeo băng tang. Ông Lâm nói sẽ cùng con trai ở lại Quảng Bình chờ đến ngày đưa Đại tướng về nơi an nghỉ.
Tôi và dân bản thương nhớ ông nhiều lắm
Những ngày qua, hàng ngàn người dân là đồng bào các dân tộc, du khách đã đến khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ tại cánh rừng Mường Phăng (Điện Biên) - nơi 59 năm trước là căn cứ Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - để dâng hoa kính viếng trước bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Gần giữa trưa 10-10, cụ Lù Thị Đôi (100 tuổi, một trong những nhân chứng sống còn lại của Mường Phăng, là “người em gái” phụ trách vận động lương thực đưa vào căn cứ sở chỉ huy 59 năm trước) được đưa đến viếng Đại tướng. Tay cầm ba bông cúc vàng, vừa đến trước di ảnh trên bàn thờ Đại tướng, cụ Đôi đã quỳ mọp xuống khóc và nói một tràng dài bằng tiếng Thái: “Ông Giáp ơi ông đi rồi. Hôm nay tôi mang dâng ông mấy bông hoa... Ông Giáp nhớ phù hộ cho tôi mạnh khỏe, không ốm đau gì. Có ông thì trên này mới có đường to đi lại, dân bản không còn khó khăn nhiều. Tôi và dân bản thương nhớ ông nhiều lắm, ông Giáp ơi!”.
Đoàn viên thanh niên TP.HCM lập không gian tưởng niệm Đại tướng Anh Nguyễn Mạnh Cường - phó bí thư thường trực Thành đoàn TP.HCM - cho biết từ 12g hôm nay 11-10, tại Nhà văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM) không gian tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở cửa để đón đoàn viên, thanh niên và người dân TP vào viếng và tưởng niệm. Tại đây sẽ trưng bày những hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các thời kỳ, các hình ảnh của Đại tướng với thế hệ trẻ và người dân TP. Đồng thời sẽ có các triển lãm sách, phim tư liệu về cuộc đời của Đại tướng. Đoàn viên, thanh niên và người dân TP cũng sẽ có một góc riêng để ghi lại cảm xúc, tình cảm và bày tỏ lòng thành kính với Đại tướng. |
___________
Tin bài liên quan:
Hoàn tất tập dợt đưa linh cữu Đại tướng ở sân bayMáy bay dân dụng đưa linh cữu Đại tướng về quêMường Phăng thổn thức tiếc thương "ông nội đánh giặc tài ba”Thành Đoàn TP.HCM lập không gian tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên GiápVào nhà Đại tướng mà đạm bạc như nhà dân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận